Xuất khẩu gạo sẽ đạt 3,2-3,3 tỷ USD trong năm 2018
Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí The Rice Trader và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện mở màn trong chuỗi sự kiện Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10, diễn ra trong 3 ngày 10-12/10 tại Hà Nội.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm 15% tổng sản lượng thế giới
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, sản xuất và xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam đã có những bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hàng năm, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng sản lượng gạo toàn thế giới. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017, giá trị xuất khẩu đạt 2,46 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ.
Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình và cao, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. 8 tháng đầu năm 2018, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,07% tổng lượng gạo xuất khẩu, trong khi gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,6% và gạo thơm chiếm tới 33,24% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, sản xuất và xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, công tác phát triển thị trường xuất khẩu gại đã đạt được những kết quả tích cực. Thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên đến khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước Mỹ Latinh, Trung Đông... Các sản phẩm gạo trắng cao cấp và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào thị trường yêu cầu chất lượng cao, nghiêm ngặt, giúp sản phẩm gạo của Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới.
“Thời gian qua, các sản phẩm gạo của Việt Nam đã có những bước phát triển về chất lượng, đa dạng về chủng loại, có khả năng đáp ứng được mọi yêu cầu của khách hàng. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải vui mừng cho biết.
Với đà phát triển này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải dự báo, xuất khẩu gạo sẽ đạt giá trị 3,2-3,3 tỷ USD trong năm 2018.
Tích cực quảng bá gạo Việt đến người tiêu dùng
Mặc dù gạo Việt đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thương mại toàn cầu, đặc biệt là thương mại gạo vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường.
Đáng chú ý, gạo là mặt hàng nhạy cảm, được nhiều nước chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường rất cao. Hơn nữa, các sản phẩm thương hiệu gạo của Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến.
Vì thế, để quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn nữa các sản phẩm gạo của Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng thế giới cũng như thực hiện định hướng của Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã đưa ra 4 giải pháp chính cần thực hiện:
Thứ nhất, Việt Nam cần phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo, góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ hai, phát triển thị trường xuất khẩu gạo để định hướng cho công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu thị hiếu tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu quy hoạch của thị trường.
Thứ ba, phát triển thị trường xuất khẩu gạo gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm gạo xuất khẩu và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam trên thị trường và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ xuất khẩu.
Thứ tư, phát triển thị trường xuất khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về kinh tế và hợp tác quốc tế về đầu tư sản xuất, chế biến xuất khẩu gạo, khai thác cơ hội, tiềm năng, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nhiều mặt hàng gạo được giới thiệu tại hội nghị
Ngoài ra, bà Nguyễn Thuý Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng đề xuất, để nâng cao giá trị hạt gạo Việt thì trước tiên là nâng cao giá trị giống lúa, nâng cao chất lượng. Phát triển giống lúa theo nhu cầu của thị trường.
Theo đó, cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ giống lúa, các tiêu chuẩn, kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Áp dụng cơ giới đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch và sau thu hoạch. Hình thành các cùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hoá như cánh đồng lớn, hợp tác xã…
Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu của Thái Lan
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo ở châu Á và lợi ích mang lại cho Việt Nam, ông Martin Albani, chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế nhấn mạnh, hiện tại chúng ta cần thay đổi từ buôn bán hàng hóa sang thực hiện hoạt động makerting đối với hàng hóa đó. Thương hiệu chính là việc xác định hình ảnh. Do vậy, giai đoạn đầu tiên chúng ta cần xây dựng hình ảnh, tiếp đó là phát triển thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu không chỉ tác động đến chủ thương hiệu, khách hàng, mà còn tác động quan trọng đối với đối tác.
Lấy ví dụ xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan, ông Martin Albani cho hay, Thái Lan luôn đưa ra phía trên của thương hiệu đó là chỉ dẫn địa lý - đây là yếu tố bảo hộ thương hiệu gạo của họ. Đầu tiên Thái Lan làm ở cấp quốc gia, sau đó họ nộp hồ sơ lên EU, việc này giúp xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Thái Lan và nâng cao giá bán so với sản phẩm thông thường.
Theo khảo sát, người tiêu dùng chấp nhận trả mức giá cao hơn gấp đôi so với sản phẩm thông thường để mua các sản phẩm có nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý. Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan là điều mà Việt Nam có thể học hỏi.
Đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam, ông Martin Albani cho rằng, đối với khu vực tư nhân thì mục tiêu thương hiệu cần tập trung vào sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm và các lợi ích của nhóm sản phẩm đó. Còn đối với khu vực công và nhà nước, cần xác định mục tiêu phát triển của ngành gạo mà Việt Nam cam kết, như tập trung vào chất lượng hay các khía cạnh khác mà chính phủ muốn thúc đẩy./.
Bình luận