Xuất khẩu tiểu ngạch: Lợi thì có lợi, nhưng...
Do tiếp giáp biên giới với nhau nên hình thức quan hệ thương mại theo biên giới (tiểu ngạch) cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ
Sôi động buôn bán theo đường tiểu ngạch
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện nay quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang được duy trì chủ yếu theo đường chính ngạch. Song, do tiếp giáp biên giới với nhau nên hình thức quan hệ thương mại theo biên giới (tiểu ngạch) cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ.
Quan hệ thương mại tiểu ngạch được áp dụng chủ yếu cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam và các mặt hàng tiêu dùng. Ngược lại chúng ta cũng có nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm công nghiệp và hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của phía Trung Quốc.
Riêng đối với mặt hàng nông sản, theo thống kê của Bộ Công Thương, 1/3 sản lượng xuất khẩu thông qua con đường tiểu ngạch. Đối với mặt hàng gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng ước tính, xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc năm 2013 lên tới 1,5 triệu tấn, chiếm hơn 20% tổng lượng xuất khẩu gạo chính ngạch của Việt Nam và hơn 51% tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc.
Còn theo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, hiện có đến 50-60% cao su xuất khẩu qua Trung Quốc là theo đường tiểu ngạch. Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng cho biết, có đến 90% sản lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Lợi ích có, song rủi ro cũng rất nhiều
Lợi ích của xuất khẩu tiểu ngạch là thủ tục đơn giản, không cần qua hợp đồng bằng văn bản và không cần thanh toán qua ngân hàng; vì thế thích hợp với khối lượng trao đổi nhỏ, hoặc cần thời gian gấp.
Lý do chính khiến rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân chọn hình thức buôn bán tiểu ngạch là do yêu cầu chất lượng từ thị trường Trung Quốc không cao, hình thức buôn bán “dễ tính”.
Hiện nay, có hai phương thức chính hiện được áp dụng trong thu mua hàng hóa ở Việt Nam để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Cách thứ nhất là các thương lái Trung Quốc thu mua nông sản của nông dân Việt Nam rồi tiêu thụ tại thị trường trong nước hay vận chuyển lên biên giới xuất khẩu.
Cách thứ hai là các thương nhân Trung Quốc đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam thu gom và vận chuyển.
Mặc dù giá thu mua của các thương nhân Trung Quốc thường cao, nhưng phần lớn chỉ có hợp đồng miệng dẫn đến hiện tượng bị ép giá, mà không có cơ sở giải quyết khi có tranh chấp.
Bất lợi lớn của hình thức buôn bán tiểu ngạch là thiếu ổn định, dẫn đến thiệt hại cho phía Việt Nam. Theo nghiên cứu mới công bố của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, có hai lý do chính dẫn đến sự thiếu ổn định này:
Thứ nhất, nguồn cung (sản xuất) từ phía Việt Nam không được điều phối phù hợp, sản xuất vượt quá khả năng tiêu thụ.
Thứ hai, tính mùa vụ cao của các sản phẩm trao đổi. Nhiều sản phẩm, như: rau quả, thủy sản vào mùa khai thác hoặc thu hoạch buộc phải tiêu thụ nhanh dẫn đến hiện tượng bị ép giá, làm giá trong nước giảm nhanh, gây thiệt hại cho nông dân.
Một lý do khác nữa xuất phát từ các chính sách của Trung Quốc. Ví dụ đối với mặt hàng gạo, Trung Quốc có chính sách cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu. Nhập khẩu gạo trong hạn ngạch sẽ có mức thuế nhập khẩu 1%. Khi vượt hạn ngạch, thuế nhập khẩu sẽ lên đến 65%. Nhập khẩu gạo không theo hình thức này sẽ bị coi là không chính thức và trái pháp luật. Mặc dù vậy, khi bình thường Trung Quốc thường thả lỏng việc nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch.
Các thương lái Trung Quốc thường chỉ mất chi phí “bôi trơn” 20-30 USD/tấn thay vì nhập chính ngạch phải chịu phí 70-80 USD/tấn. Lợi nhuận lớn khiến nhiều thương nhân Trung Quốc tiến hành nhập khẩu gạo.
Tuy nhiên, khi muốn kiểm soát bảo vệ hàng hóa trong nước, Trung Quốc lại tiến hành kiểm tra hay cấm việc nhập khẩu gạo theo đúng quy định.
Điển hình như, từ tháng 8/2014, Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu gạo tiểu ngạch khiến xuất khẩu gạo qua Trung Quốc giảm mạnh.
Song, từ đầu tháng 3/2015, Trung Quốc có động thái nới lỏng nhập khẩu khiến các thương nhân Trung Quốc liên hệ doanh nghiệp Việt Nam mua hàng.
Tuy nhiên khi doanh nghiệp Việt Nam trở hàng ồ ạt lên cửa khẩu thì Trung Quốc lại hạn chế nhập khẩu khiến khoảng 30.000 tấn gạo ùn tắc tại các cửa khẩu gây thiệt hại rất lớn. Điều này cũng diễn ra với nhiều hàng hóa nông sản khác của Việt Nam, cho thấy rủi ro lớn khi trao đổi thương mại theo hình thức này.
Giảm rủi ro thế nào?
Có thể thấy phần lớn các rủi ro qua hình thức tiểu ngạch đến từ sự thiếu chuyên nghiệp trong kinh doanh, sản xuất và xuất khẩu của chính doanh nghiệp và nông dân Việt Nam cũng như yếu kém trong thực thi pháp luật. Tuy nhiên cốt lõi vẫn là vấn đề sản xuất của Việt Nam.
Các sản phẩm nông sản thường sản xuất quy mô nhỏ, không đồng đều về chất lượng, giá và mẫu mã, do đó phần lớn các hàng hóa nông sản của Việt Nam không thể xuất khẩu sang các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, hay xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Trong bối cảnh chưa chuyển đổi được phương thức sản xuất, việc duy trì hình thức buôn bán phi chính thức vẫn là cần thiết; tuy nhiên cần hình thành cơ sở pháp lý phù hợp để giảm rủi ro. Trước mắt, để khắc phục, theo các chuyên gia của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, chúng ta cần:
- Chủ động tăng cường tuyên truyền, thông tin cho người dân, nông dân Việt Nam những thông tin về thị trường cũng như rủi ro mua bán khi không có hợp đồng thương mại, đặc biệt trong khoảng thời gian trước khi thu hoạch các hàng hóa nông sản.
- Xây dựng các kênh thông tin và tăng cường các lực lượng kiểm tra thị trường, tạo cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và địa phương để kịp thời ngăn chặn, phát hiện những hành vi thu mua nông sản, hàng hóa vi phạm pháp luật. Đồng thời, cần có các biện pháp hỗ trợ các vùng nông sản tiếp cận các sở giao dịch hàng hóa và các kênh phân phối lớn, như: siêu thị, chợ trong nước và quốc tế.
- Hỗ trợ nông dân phát triển công nghệ nuôi trồng, chế biến nông sản sạch, có chất lượng cao. Để làm được điều này cần thiết lập và duy trì các trung tâm nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao công nghệ cho người nông dân.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc cần có những thỏa thuận về chính sách thương mại biên giới để các chính sách giữa hai nước được minh bạch và ổn định hơn. Các thông tin về các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch phía Trung Quốc cũng cần được công khai rõ ràng cho các doanh nghiệp Việt Nam để các doanh nghiệp này nhận thức được rủi ro hiện có trong trao đổi thương mại giữa các bên./.
Bình luận