Trước đó, ngày 17/10, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xử lý vết nứt mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Báo cáo nêu rõ, vết nứt xuất hiện bên trái tuyến (hướng Nội Bài - Lào Cai) với chiều dài 73m (Km82+997-Km83+070 thuộc gói thầu A4). Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện địa chất biến đổi bất thường trong phạm vi giữa hai lỗ khoan khảo sát địa chất đã thực hiện trong bước thiết kế bản vẽ thi công.

Kết quả khoan khảo sát địa chất bổ sung cho thấy, tại vị trí tim của vết nứt có lớp đất yếu dày từ 6 - 7m nằm trực tiếp trên nền đá phong hóa có độ nghiêng khoảng 30o, nền đường đắp cao từ 7 - 9m kết hợp với điều kiện bất lợi do hai bên nền đường bị tích nước nên đã gây ra trượt và nứt.

“Đây là sự cố kỹ thuật đáng tiếc, khách quan, xảy ra ngoài sự kiểm soát của chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu. Mặc dù, chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu đã tính toán xử lý ngay trong quá trình thi công với hệ số an toàn nhất, nhưng cũng không lường hết sự phức tạp của nền địa chất có biến đổi bất thường nên đã lắp dựng hệ thống quan trắc, theo dõi trong quá trình khai thác để xử lý khi có sự cố xảy ra”, báo cáo cho biết.

Mặt khác, đây là gói thầu được triển khai chậm hơn các gói thầu khác của dự án do thiếu vốn, nên các bên đã lựa chọn giải pháp quan trắc, theo dõi bù lún trong quá trình khai thác nhằm tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa gói thầu vào khai thác đồng bộ với các gói thầu khác nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu và cơ quan chức năng chậm nhất đến ngày 20/12/2014 phải khắc phục xong vết nứt mặt đường cao tốc này.

Sau khi đến kiểm tra hiện trường, đoàn công tác của Bộ Xây dựng đề nghị: “Trước mắt, chủ đầu tư phải tổ chức quan trắc thường xuyên, trường hợp phát hiện yếu tố bất thường thì phải kịp thời có biện pháp đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên đường. Sau khi có giải pháp khắc phục, chủ đầu tư phải có phương án thi công và tổ chức giao thông phù hợp để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai trong suốt quá trình thi công”.

Bộ này cũng yêu cầu chủ đầu tư báo cáo thường xuyên quá trình thực hiện các công việc nêu trên về Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng để theo dõi và quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Liên quan đến kinh phí xử lý, nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) đã nhận trách nhiệm và cam kết sử dụng mọi nguồn lực của Tập đoàn sẽ nhanh chóng khắc phục lún nứt trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Phát biểu với báo giới, ông Jang Hae Nam, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Keangnam Enterprise cũng thừa nhận thời gian qua Tập đoàn có khó khăn về huy động vốn lưu động và chưa có kinh nghiệm trong huy động nhà thầu phụ nên đã để chậm tiến độ dự án.

Hiện trên toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 10 vị trí cần theo dõi đất yếu/lún trong quá trình khai thác để hoàn thiện khi các đoạn nền đất yếu này đã ổn định, tắt lún tập trung trên các gói thầu A2, A3 và A4. Cụ thể: Km33, Km44, Km46 (gói thầu A2), Km49, Km50, Km77, km79 (gói thầu A3); và Km82+500 - Km83+500, Km89 (gói thầu A4).

Các chuyên gia và các đơn vị chuyên môn nhận định, ngoài vị trí đang bị lún nứt thì 9 vị trí còn lại chắc chắn cũng sẽ xảy ra sự cố tương tự.

Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng mức đầu tư (giai đoạn1) là 1.464 triệu USD, với 8 gói thầu xây lắp. Ngày 21/9, cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thông xe toàn tuyến, đi qua 5 tỉnh thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Tuy nhiên, sau 2 ngày thông xe đã phát hiện sự cố lún nứt hình vòng cung theo hướng Lào Cai - Nội Bài tại Km83, vết nứt có chiều dài khoảng từ 65-70m và rộng nhất khoảng từ 2-3cm.