Xuất khẩu giảm dần

Có thể thấy, giai đoạn 2006-2011 là thời điểm “nóng” của việc xuất khẩu than, trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 21 triệu tấn than. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ đã có chủ trương hạn chế xuất khẩu than.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu than đá của Việt trong năm 2014, lượng xuất khẩu than đá của cả nước là 7,28 triệu tấn, giảm 43,1% với trị giá là 556 triệu USD, giảm39,1% so với năm trước. Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất nhập khẩu than đá của Việt Nam, chiếm 57% tổng lượng than đá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên trong năm qua, xuất khẩu than đá sang thị trường này chỉ đạt 4,14 triệu tấn, giảm gần 60% so với năm 2013.

Việc giảm xuất khẩu than là nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng than ngày càng lớn. Theo dự báo trong Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg thì nhu cầu than trong nước thời gian tới sẽ tăng rất cao, cụ thể là năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, năm 2030 là 220,3 triệu tấn.

Như vậy, so với mức tiêu thụ năm 2013 (28 triệu tấn) đến năm 2015 (chỉ sau 2 năm) nhu cầu than trong nước sẽ tăng gấp hơn 2 lần, đến năm 2020 tăng gấp 4 lần và đến năm 2030 tăng gấp 8 lần. Trong khi đó, sản lượng than hiện tại mới chỉ đạt 40 triệu tấn và trong tương lai cũng khó có thể tăng sản lượng lên.

Nguyên nhân là do những chỗ “ngon lành”, dễ tiếp cận đã được khai thác hết, chỉ còn lại những chỗ khó khăn.

Hơn nữa, việc đầu tư mỏ mới cần chi phí lớn, thời gian dài (khoảng 300-400 triệu USD và 7-8 năm) nên “nhiệm vụ” Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành than phải mở thêm 28 mỏ mới trong giai đoạn năm 2011 - 2015 gần như không thể hoàn thành.

Nhập khẩu tăng cao

Theo đánh giá cân đối cung - cầu của Bộ Công Thương, giai đoạn đến hết năm 2015 than khai thác trong nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Từ năm 2016, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than phục vụ các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện với khối lượng dự kiến như sau: Năm 2016 khoảng 3-4 triệu tấn; năm 2020 khoảng 35 triệu tấn; năm 2025 khoảng 80 triệu tấn, năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.

Theo Bộ Công Thương, năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu gần 3 triệu tấn than đá.

Theo con số cập nhật của Tổng cục Hải quan, trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2015 (tính đến 15/2) cả nước đã nhập khẩu 383.473 tấn than đá, tổng trị giá hơn 46,6 triệu USD. Con số này tăng tới 64,4% về lượng và gần 73% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ nhập 233.255 tấn, trị giá 27 triệu USD).

Điều đáng nói hơn, nguồn than nhập khẩu của Việt Nam đến cả từ Trung Quốc - quốc gia mà từ nhiều năm qua luôn là thị trường nhập khẩu than lớn từ nước ta. Không những thế, vùng biển Đông Bắc vẫn luôn nóng về vấn đề xuất lậu than và không ít giả thiết cho rằng, than xuất lậu đi vào nước láng giềng phương Bắc.

Phải chăng các nguồn than chính ngạch và nguồn than không rõ nguồn gốc từ quốc gia này đang quay trở lại theo đường chính ngạch để cung cấp cho nước ta? Nếu quả đúng như vậy thì chúng ta đang phải nhập lại những gì đã bán nhưng sẽ ở mức giá cao hơn.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu của năm 2014, cả nước đã nhập khẩu hơn 356.000 tấn than đá từ Trung Quốc, với tổng giá trị kim ngạch hơn 92,5 triệu USD. Trong khi đó, tính từ đầu năm đến 15/02/2015, cũng với sản lượng than xuất khẩu 321.512 tấn, nhưng nước ta chỉ thu về được hơn 34,7 triệu USD - chỉ bằng 37,5% số tiền mà chúng ta phải bỏ ra để nhập lượng than gần như xấp xỉ từ Trung Quốc.

Vì sao Việt Nam lại phải nhập khẩu than?

Trả lời phỏng vấn báo Hải quan cuối năm 2014, ông Tô Quốc Trụ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Năng lượng (VECC) cho biết, nhu cầu than của ngành điện những năm tới là rất lớn.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước theo kịch bản cơ sở năm 2020 là 330 tỷ kWh và năm 2030 là 695 tỷ kWh thì ngoài các nguồn thuỷ điện, nhiệt điện chạy dầu – khí, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, cần xây dựng nguồn nhiệt điện chạy than.

Số lượng các dự án nhiệt điện than phải xây dựng của Quy hoạch điện VII là 61 dự án với tổng công suất là 71.710MW, từ đó tính ra nhu cầu than của ngành điện năm 2020 là 67,3 triệu tấn, năm 2030 là 171 triệu tấn.

Trong khi đó, theo Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030 thì sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than năm 2020 chỉ đạt 60-65 triệu tấn và năm 2030 là hơn 75 triệu tấn. Than trong nước sản xuất không chỉ cung cấp cho điện mà còn cho các ngành kinh tế quốc dân khác cũng như xuất khẩu.

Do sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu này, nên lượng thiếu hụt than giải quyết cho ngành điện không còn con đường nào khác là phải nhập khẩu.

Như vậy, việc nhập khẩu than trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 mới là sự khởi đầu cho việc biến nước ta từ vị thế nước xuất khẩu trở thành thị trường nhập khẩu than đá.

Là con đường duy nhất để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất điện những năm tới, tuy nhiên, việc nhập khẩu than đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình như: nguồn cung than nhập. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xác định, 04 đối tác là Australia, Indonesia, Nga và Nam Phi, nhưng hai đối tác Australia và Indonesia có tính khả thi cao hơn, đây cũng là hai nhà cung cấp than chủ chốt cho các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Việt Nam đang tích cực triển khai nhập than của hai nước này song gặp khó khăn vì phần lớn than của họ đã có người mua và nếu mua được thường phải mua của họ qua nước thứ ba, hơn nữa họ có chủ trương tăng mức thuế xuất khẩu.

Các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… đã chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu than của các nước này từ lâu. Việt Nam bắt đầu tham gia là đã muộn.

Hay chính sách cho nhập khẩu, đầu tư để có nguồn than nhập khẩu ổn định cũng đang có những hạn chế nhất định với nhiều vướng mắc.

Ví dụ hiện nay thủ tục đầu tư ra nước ngoài chưa có chính sách đặc thù về thuế, vốn, ngoại hối... Một số trở ngại khác cũng gây khó khăn cho công tác nhập khẩu than như hiện nay Việt Nam chưa có mạng lưới thu thập và xử lý thông tin về nguồn than nhập khẩu mà thường phải lấy thông tin từ nước thứ ba.

Đơn cử, thông tin nguồn than xuất khẩu của Indonesia và Australia hiện nay ta có được chủ yếu là thu thập thông tin quốc tế, ta chưa nắm được thông tin trực tiếp từ nước sở tại. Chưa kể, nếu tính đến việc đầu tư ra nước ngoài thì nhân lực và kinh nghiệm đầu tư, vận hành và khai thác ở nước ngoài cũng rất hạn chế.

Giải pháp nào cho nhập khẩu than thời gian tới?

Với những khó khăn nói trên, gần đây, TKV cũng đã có kiến nghị với Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho ngành than để có nguồn than nhập khẩu ổn định, phục vụ cho sản xuất điện.

Theo đó, ngành than đề xuất Chính phủ quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, trang thiết bị cho ngành than, tích cực hợp tác đầu tư với nước ngoài trong đó có Australia, Indonesia, Nga để khai thác than; triển khai hợp tác với Lào, Campuchia để thăm dò trữ lượng than của 02 nước này từ đó có sự phối hợp, tổ chức khai thác. Về tài chính, ngành than đề xuất Chính phủ tìm kiếm các phương án hỗ trợ tài chính cho TKV nhằm thực hiện nhanh các hợp đồng mua mỏ.

Ngoài ra, TKV cũng đề xuất tăng cường hợp tác với PVN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để giải quyết các vấn đề về vốn, nhân lực, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, trong đó có chiến lược nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài để khai thác than.

Đây là những giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm tìm kiếm và góp phần đem lại nguồn than nhập khẩu ổn định cho sản xuất điện đến năm 2020, tôi hoàn toàn ủng hộ những đề xuất này của TKV./.