Gia công trong nông nghiệp…

Mặc dù Việt Nam đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bền vững. Song, cần thấy rằng, cái gọi là nông nghiệp công nghệ cao (cả trồng trọt và chăn nuôi) của Việt Nam lại đang phụ thuộc 80% bởi giống nhập khẩu.

Các yếu tố đầu vào khác trong sản xuất nông nghiệp cũng đang phải nhập khẩu với tốc độ tăng trưởng cao, như: phân bón (11%), thuốc trừ sâu (34,9%), máy móc thiết bị, xăng dầu phục vụ nông nghiệp (17,3%).

Điều đáng lo ngại là việc sản xuất các sản phẩm này trong nước tăng trưởng rất thấp: sản xuất thức ăn gia súc (3,6%), thuốc trừ sâu (-2,6%), phân hoá học (6,7%).

…gia công trong cả công nghiệp chế biến, chế tạo

Mặc dù ngành chế biến chế tạo được xem là động lực tăng trưởng nhanh năm 2017 (14,5%), gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng chung, đóng góp 9,4% vào tăng trưởng công nghiệp. Tuy nhiên tính chất hoạt động vẫn mang hình dáng của những “công xưởng gia công”.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân, tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14,5% chủ yếu là do kết quả của các ngành gia công lắp ráp, đạt tốc độ tăng trưởng cao: sản phẩm điện tử, máy tính, sản phẩm quang học 32,7% (gấp 2,25 lần tốc độ tăng trưởng ngành chế biến chế tao), lắp ráp Tivi 30,5% (gấp 2,1 lần).

Trong khi đó, các ngành chế biến, chế tạo từ nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo. Điều đáng quan ngại là nhiều ngành rất quan trọng nhưng tăng trưởng rất thấp, như: chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc, dệt may, giầu dép, sản xuất thuốc lá…

Các ngành chế biến, chế tạo từ nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành

Nền kinh tế Việt Nam với nỗi ám ảnh mang tên “gia công”

Theo lý thuyết, tăng trưởng nhờ vào gia công, xét trên phạm vi quốc tế thì đó chính là sự phân công lao động theo chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và đó cũng có thể gọi là hiệu ứng tốt cho các nước có trình độ công nghệ thấp nếu được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do trình độ công nghệ quá thấp, việc chỉ đảm nhận được khâu gia công là hợp lý.

Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia có khá nhiều nguyên liệu thô, lại phải xuất khẩu đi để nhập lại các hàng hoá trung gian và gia công lắp ráp, vì thế, nếu nằm quá lâu và bị chi phối quá nhiều vào gia công, thì tính hiệu quả, chất lượng tăng trưởng sẽ là một vấn đề cần phải xem xét.

Theo nhiều chuyên gia, trong một tương lai không xa nữa (chúng ta đang nằm ở thời kỳ dân số vàng), tăng trưởng nhờ vào gia công sẽ còn nhiều hệ luỵ không tích cực khác liên quan đến tính bền vững của tăng trưởng.

Khi giá lao động trong nước cao dần lên, khâu “gia công” trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ không còn được các tập đoàn quốc tế “phân công” cho Việt Nam nữa.

Một điểm đáng nói hơn, các hoạt động gia công đó lại được diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI gần như 100% vốn nước ngoài. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng kết quả này phần lớn từ sự đóng góp của Samsung và Formosa.

Cả Samsung và Formosa đóng góp 4,02 điểm phần trăm vào mức tăng 9,4% (42,7%) của ngành công nghiệp trong năm 2017.

Theo Tổng cục Thống kê, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/12/2017 tăng 5,1% so với cùng thời điểm năm trước,trong đó doanh nghiệp FDI tăng 6,9%, còn khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng chỉ tăng 3,9%.

Một điều đáng nói hơn nữa, các doanh nghiệp FDI chủ yếu hoạt động dưới dạng tạm nhập tái xuất và các lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu kiểu này đóng vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế.

Theo tính toán của GS, TS. Ngô Thắng Lợi (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), năm 2017, đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao (21,1%) là nhờ sự đóng góp chính bởi xuất khẩu ở các doanh nghiệp FDI với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 73% và tăng trưởng 26% (không kể dầu thô). Trong khi đó, khu vực trong nước, các số liệu tương ứng là 27% và 16%.

Tương tự như vậy kim ngạch hàng hoá nhập khẩu năm 2017 đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước, trong đó khu vực FDI chiếm 66% tăng 24%, khu vực trong nước các số liệu tương ứng là 35% và 17% .

Làm gì để vượt qua “bẫy” gia công?

Việc tránh được “bẫy” gia công khi tham gia chuỗi giá trị là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam, nhất là năm 2018, dự báo, Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thách thức. Trong đó, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), Việt Nam có thể trở thành "bia đỡ đạn" do tham gia quá nhiều FTA.

Những FTA với EU hay những FTA quan trọng như CPTPP, RCEP có thể là "con dao hai lưỡi" đối với Việt Nam với những tồn đọng hiện tại (chưa có nền tảng thị trường thực sự hay Việt Nam đang là nước gia công có hàm lượng giá trị gia tăng thấp… ). Do vậy, ông Dương cho rằng Việt Nam cần phải thực dụng hơn trong cuộc chơi hội nhập.

Đứng trước những cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập, Việt Nam phải xây dựng được những thương hiệu sản xuất có tầm cỡ quốc tế, đủ tiềm lực đảm nhận từ khâu thiết kế đến nguyên phụ liệu và bán thành phẩm thì mới có thể nâng cao giá trị sản xuất, tăng sức cạnh tranh, tạo thế đứng vững chắc trên thị trường.

Đặc biệt, những khiếm khuyết của các chính sách và bước tiến chậm chạp của ngành công nghiệp trong nước cần phải lấp đầy.

Hàng hóa của doanh nghiệp FDI xuất khẩu được bởi hai yếu tố chất lượng và thương hiệu. Vì thế, để làm được như vậy, doanh nghiệp Việt phải tham gia vào chuỗi sản xuất, TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam cần thực hành đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tham gia xuất khẩu cùng với họ với giá trị gia tăng ban đầu có thể rất thấp. Sau đó, sẽ tiến dần lên những bước cao hơn trong chuỗi giá trị./.