46 triệu lao động chưa qua đào tạo đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi robot
Đây là một trong nhiều thông tin được công bố trong Chương trình Tọa đàm Việc làm, thị trường lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập được tổ chức vào sáng 27/12 tại Hà Nội.
Nhìn lại thị trường lao động Việt Nam năm 2017
Tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đánh giá về “bức tranh” thị trường lao động Việt Nam trong năm 2017. Thứ trưởng cho biết, năm 2017, cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống còn 3,19%, góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 40,4%.
Trong tiến trình hội nhập, thị trường lao động Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức
Cùng với đó, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; các kết quả trên thị trường lao động được cải thiện như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng thị trường lao động ta vẫn còn những điểm hạn chế phải khắc phục, như: Chất lượng lao động ở nước ta thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo có nhiều bất cập. Còn thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam thấp.
Vẫn còn tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. Trong khi cung lao động lớn, song vẫn có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, không chỉ lao động qua đào tạo mà còn khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông.
Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, năng suất thấp. Nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và các ngành thâm dụng lao động (sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản và khai khoáng, các sản phẩm công nghiệp sơ chế và dịch vụ tiêu dùng sử dụng nhiều lao động phổ thông).
Chất lượng việc làm thấp, lao động tự làm việc, lao động gia đình không hưởng lương và lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh không chính thức, vẫn là ba nhóm lao động chủ đạo của nền kinh tế. Còn rất nhiều lao động làm công ăn lương chỉ có hợp đồng bằng miệng hoặc thậm chí là không có hợp đồng, đồng thời tình trạng thất nghiệp gia tăng mạnh ở những người có trình độ cao (từ đại học trở lên).
Thời cơ và thách thức về việc làm của lao động Việt Nam trong kỷ nguyên số
Cũng tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Doãn Mẫu Diệp cho biết, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, thời kỳ mà Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được ứng dụng, sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người. Kỷ nguyên số làm thay đổi thế giới, đảo lộn mọi giá trị truyền thống, xóa nhòa danh giới, khoảng cách về không gian, thời gian, địa lý, màu da, dân tộc; tạo ra một thế giới phẳng.
Thời kỳ kỷ nguyên số sẽ tác động làm biến đổi thị trường lao động
Thời kỳ kỷ nguyên số sẽ tác động làm biến đổi thị trường lao động, cụ thể sẽ có nhiều ngành nghề, công việc truyền thống/thủ công sẽ mất đi đồng nghĩa với việc người lao động ở các quốc gia sẽ mất đi nhiều việc làm, cơ hội việc làm nhưng nó cũng mở ra cơ hội xuất hiện nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận định, đối với Việt Nam, một quốc gia có xuất phát điểm, nền tảng, trình độ (công nghệ, nguồn nhân lực..) hạn chế thì thị trường lao động sẽ gặp nhiều thách thứ. Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.
Đặc biệt, 46 triệu lao động Việt Nam (lao động chưa qua đào tạo) đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi robot, trang thiết bị công nghệ thông minh. Thiếu đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là một số ngành/lĩnh vực chủ lực của thời kỳ kỷ nguyên số như bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin...
Do vậy, để có những chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đảm bảo việc làm cho người lao động trước những tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang có các đơn vị thực hiện nghiên cứu, dự báo về việc làm và thị trường lao động, trong đó nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các vấn đề như: quy mô, chất lượng của lực lượng lao động; xu hướng việc làm; việc làm phi chính thức; chuyển dịch lao động trên thị trường; thất nghiệp; năng suất lao động; thị trường lao động khu vực ven biển; đối tượng và xu hướng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; việc làm thanh niên; tác động của hội nhập quốc tế đến thị trường lao động…
Hiện nay, một số mô hình được triển khai phục vụ cho dự báo trung và dài hạn như: Mô hình dự báo liên ngành cấp vĩ mô cho Việt Nam (Mô hình Lotus): Hệ thống mô hình hóa này có tính chất dài hạn (10 năm hoặc xa hơn) cho tương lai của nền kinh tế và thị trường lao động Việt Nam. Tâm điểm của mô hình này là nhu cầu lao động theo nghề và những yêu cầu về đào tạo để phát triển nguồn cung lao động cần thiết đáp ứng những nhu cầu đó; Mô hình phối hợp tiếp cận hàm sản xuất và tăng trưởng: mô hình này cho phép dự báo cung, cầu lao động trong khu vực doanh nghiệp... Đối với dự báo ngắn hạn đang được thực hiện theo mô hình của Thụy Điển dựa trên kết quả điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp qua các năm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội./.
Bình luận