5 năm vừa rồi, chưa tái cơ cấu gì cả!
Quá trình tái cơ cấu tiến triển rất chậm, thành quả đạt được khá hạn chế, còn xa mới đạt mục tiêu và kỳ vọng
Quá trình tái cơ cấu dường như thiếu có động lực thúc đẩy
PGS, TS. Trần Đình Thiên chia sẻ rằng, thời gian qua, với kinh nghiệm thành công của Đổi mới, khi công cuộc tái cơ cấu được khởi động, cả xã hội đều lạc quan tin rằng quá trình tái cơ cấu sẽ thành công, cũng nhanh chóng và ngoạn mục như Đổi mới trước đây; rằng chỉ cần 2-3 năm là sẽ cơ bản giải quyết “3 tuyến đột phá” – nợ xấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (trọng tâm là cổ phần hóa), thay đổi cơ chế đầu tư công.
“Chưa xong hẳn nhưng phần còn lại sẽ “không còn là vấn đề. Nhưng, thực tế khác xa như vậy”, người đứng đầu Viện Kinh tế Việt Nam chua xót.
Năm năm vừa qua là 5 năm vật lộn với Tái cơ cấu, cũng là 5 năm khó khăn nhất của 30 năm đổi mới. Nhưng, quá trình tái cơ cấu diễn ra dường như thiếu có động lực thúc đẩy, niềm tin và sự lạc quan, hào hứng như thời Đổi mới.
Kết quả là tái cơ cấu tiến triển rất chậm, thành quả đạt được khá hạn chế, còn xa mới đạt mục tiêu và kỳ vọng.
Cơ chế đầu tư công thực chất vẫn chưa thay đổi, vẫn lấy “xin – cho” làm trụ, trong khi khó khăn ngân sách trở nên trầm trọng hơn và nợ công tăng nhanh.
Hệ thống ngân hàng đã “trụ” được qua cơn sóng gió, song “cục máu đông” - nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên, thậm chí khối lượng nợ xấu còn tăng lên. Hệ thống ngân hàng, đang thanh lọc, loại bỏ những bộ phận yếu kém, hư hỏng, song đang rất yếu, đang vận hành trên một nền tảng rất thiếu vững chắc.
Còn hệ thống doanh nghiệp nhìn chung là yếu, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp nội địa, cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân - thấp về đẳng cấp, yếu về thực lực và sức cạnh tranh. Cho đến nay, Chính phủ đã cổ phần hóa được không ít DNNN, song thực chất tái cơ cấu thông qua cổ phần hóa – phân bổ lại nguồn vốn quốc gia, chuyển một phần nguồn vốn cho khu vực tư nhân quản lý sử dụng – chỉ đạt được không đáng kể - có thể chỉ 10-15% tổng số vốn của các DNNN được cổ phần hóa. Đó thực sự là một tỷ lệ quá ít ỏi để thay đổi hệ thống quản trị doanh nghiệp – yếu tố cốt lõi để cải thiện căn bản hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Dường như cách cổ phần hóa DNNN vẫn theo logic “hoàn thành nhiệm vụ”, được dẫn dắt bởi “chủ nghĩa thành tích” chứ không phải đi vào thực chất của sứ mệnh phải làm.
Chính vì thế, kết quả tái cơ cấu, theo ông Thiên, là khiêm tốn, cũng có nghĩa là mô hình tăng trưởng không thay đổi được bao nhiêu.
Đồng tình với ông Thiên, TS. Nguyễn Đình Cung, người chắp bút cho Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ chỉ rõ, 5 năm vừa rồi chưa tái cơ cấu gì cả! Không thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực, vẫn là hành chính xin - cho, vẫn là mở rộng tài khóa, tiền tệ như năm 2006-2007. Mô hình tăng trưởng vẫn chưa khác. Chỉ khác là chưa dẫn tới bất ổn kinh tế vĩ mô thôi.
Vì đâu nên nỗi?
“Vì sao? Phải chăng là có vấn đề trong tư duy, cách tiếp cận tái cơ cấu? Hay động lực thay đổi – thay vì hướng triệt để tới mô hình tăng trưởng mới về nguyên tắc, nỗ lực tái cơ cấu là để giữ lại mô hình cũ trên thực tế? Hay cách tái cơ cấu “có vấn đề?”, PGS, TS. Trần Đình Thiên đặt câu hỏi.
Theo ông Thiên, có hai tuyến vấn đề phải giải quyết – đều là vấn đề cốt lõi của công cuộc tái cơ cấu “thì tương lai” – mới định hướng lớn mà chưa định hình rõ nội dung và tiến độ. Hai vấn đề đó, cho đến nay, cơ bản là thách thức đặt ra cho quá trình tái cơ cấu thực chất của giai đoạn tới.
Còn ông Cung cho hay, nhiều năm trăn trở với vấn đề này, nghe nhiều người nói, nghe nhiều người phê bình, lần này tôi lấy chủ đề sắp xếp lại tư duy để tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
“Khi chúng ta nói tái cơ cấu, bắt đầu nói là lấy nguồn lực ở đâu? Dòng chính thống bắt đầu nói đến huy động nguồn lực. Song, tôi nghĩ không phải như vậy. Cùng với huy động phải là phân bổ và sử dụng lại nguồn lực, từ đó khơi thông các dòng chảy đổ về nguồn lực. Nếu không khơi thông, mà chỉ huy động thì ta sẽ xuống hố chứ không thể bay lên”, ông Cung trăn trở.
Theo lý giải của ông Cung, nguồn lực đang được phân bổ theo cơ chế xin - cho, nằm quá nhiều ở khu vực kinh tế nhà nước, ước tính theo giá trị sổ sách đạt khoảng 400 tỷ USD, chưa kể nguồn lực đất đai. Đáng tiếc là hiệu quả của khu vực này thấp dần, làm ăn theo kiểu mua đắt bán rẻ, nhiều dự án đầu tư thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng hoặc đội vốn gấp 2-3 lần làm xói mòn hiệu quả tiềm lực và năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân đang mất đà, số doanh nghiệp đi vào hoạt động và đăng ký mới ngày càng giảm hơn.
Cũng đề cập tới vấn đề tư duy, theo GS, TS. Nguyễn Quang Thái, thì Việt Nam đang thiếu một chính sách được thiết kế hệ thống, vẫn “dò đá qua sông” là chính. Nguyên nhân là vì tư duy cũng chưa theo kịp thực tiễn.
“Mấy nghị quyết đều nói vừa quảng canh (phát triển chiều rộng), vừa thâm canh (phát triển chiều sâu) thì làm sao đi đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hóa, đang tiến hành cách mạnh công nghệ và cạnh tranh gay gắt”, vị chuyên gia này thẳng thắn.
Nghiên cứu về 10 năm WTO, vị chuyên gia đến từ Trường Đại học Fulbright, TS. Huỳnh Thế Du thẳng thắn, chúng ta đã thua trên sân nhà.
“Căn bệnh Hà Lan” là tên gọi nguy cơ kinh tế xảy ra khi nguồn thu ngoại tệ tăng vọt làm tăng giá đồng tiền, làm suy giảm ngành công nghiệp chế tạo hàng xuất khẩu – một hiện tượng giảm công nghiệp hóa. Thuật ngữ Căn bệnh Hà Lan đôi khi được dùng để chỉ nguy cơ xảy ra khi sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài dẫn tới sự suy giảm của nguồn lực trong nước. |
Ông Du chỉ rõ, một trong những vấn đề chính là khu vực trong nước đã từ bỏ việc tận dụng lợi thế, tập trung cho sản xuất kinh doanh sang đầu cơ tài sản trong bối cảnh “căn bệnh Hà Lan” đã làm tổn hại nghiêm trọng sức cạnh tranh của khu vực sản xuất.
Trước khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã chí thú làm ăn, tận dụng được lợi thế của Việt Nam để tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra của cải cho xã hội. Kết quả là các doanh nghiệp ăn nên làm ra, tăng trưởng kinh tế cao và tạo tâm lý lạc quan, hồ hởi cho toàn xã hội. Ngược lại, sau khi gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã quay sang đầu cơ tài sản, bỏ bê các hoạt động sản xuất kinh doanh chính, dẫn đến thua lỗ và nợ xấu tăng cao.
Việc một số ít có thể giàu có rất nhanh, để lại hiệu ứng rất tiêu cực vì nó tạo ra tâm lý muốn giàu sổi và những nỗ lực tạo ra giá trị thực sự cho xã hội bị triệt tiêu. Thêm vào đó, những bất ổn và đạo đức xuống cấp đang làm cho cả xã hội rơi vào trạng thái bất an. Không biết lúc nào mình có thể gặp bất trắc.
Hơn thế, biến đổi khí hậu và những vấn đề môi trường khác cũng đang gây ra những vấn đề hết sức khó lường.
Cần phải làm gì?
Hội nhập đã chuyển sang một giai đoạn mới về chất. Chỉ trong năm 2015, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán và đi vào thực thi hàng loạt Hiệp định Hội nhập thế hệ mới, có trình độ rất cao. Nhiều đối tác trong các Hiệp định là những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới – Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, 27 nền kinh tế EU, Nga và Hàn Quốc. Các điều khoản cam kết của các Hiệp định đều đòi hỏi về trình độ và tiêu chuẩn rất cao, điều kiện thực thi rất nghiêm ngặt.
Vì thế, theo các chuyên gia tham dự hội thảo, Việt Nam phải thay đổi căn bản thực lực của mình mới “bám” vào được các cấu trúc hội nhập này, qua đó, hưởng lợi ích hội nhập để vượt lên.
“Nghĩa là chúng ta phải ráo riết tái cơ cấu, nhưng là tái cơ cấu theo hướng hội nhập hiện đại, bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập. Chỉ có như vậy, nền kinh tế mới tránh khỏi lặp lại tình thế “hậu WTO”, để có năng lực thực thi hội nhập và thật sự dựa vào hội nhập để tiến lên”, PGS, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Còn theo GS, TS. Nguyễn Quang Thái, nếu cơ cấu lại thì không thể vừa chiều rộng và chiều sâu, mà phải kiên quyết đi vào hướng “thâm canh”; không thể chấp nhận công nghệ lạc hậu và gây ô nhiễm tràn lan. Như vậy, mới có thể tạo ra nền kinh tế có sức cạnh tranh cao trên phạm vi toàn cầu, nhờ vào việc tạo ra được sự khác biệt và không ngừng đổi mới công nghệ, lao động có việc làm với năng suất cao…
Đồng tình với quan điểm của ông Thái, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần chọn một thứ để đột phá. Cụ thể là chọn thể chế về thị trường và phân bổ lại nguồn lực.
Ông Cung đề xuất, thành lập đội đặc nhiệm do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để tái cơ cấu nền kinh tế vì đây là sự thay đổi cấu trúc quyền lực, quyền lợi nên nhiều người không muốn thực hiện. Xu hướng là ai cũng chỉ muốn làm những gì có lợi nên không có động lực để tái cơ cấu.
Ở góc độ khác, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, Nhà nước chỉ nên tập trung ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo sân chơi bình đẳng thay vì có sự tham gia một cách chủ động như thời gian qua. Nói chung đây là lúc Nhà nước cần phải xác định rất rõ vai trò của mình và phân định rạch ròi những vấn đề Nhà nước cần có vai trò, tránh việc làm thay thị trường và cần thiết tạo môi trường cho xã hội dân sự phát triển nhằm kiềm chế sự cấu kết giữa các doanh nhân (những người có tiền) và một số quan chức nhà nước (những người có quyền), tạo ra các quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm./.
Bình luận