Tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình làm Trưởng ban chỉ đạo

Đề án tập trung vào hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra thuộc phạm vi thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp và doanh nghiệp nhà nước, trong thời gian 5 năm, từ 2021-2025.

Đề án đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật. Thứ hai, tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba, kiện toàn tổ chức; nâng cao đạo đức công vụ, năng lực chuyên môn và trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước. Thứ tư, thực hiện minh bạch, trách nhiệm giải trình và ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước. Thứ năm phát huy vai trò của xã hội trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.

Theo Đề án được ban hành cùng Quyết định số 695/QĐ-TTg, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước có trách nhiệm công khai kịp thời, đầy đủ thông tin về hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật, trong đó, phải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình về giám sát, kiểm tra, thanh tra tài chính - trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước - bao gồm: Báo cáo tự giám sát của doanh nghiệp nhà nước; kết quả giám sát đầu tư và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước; kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.

Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra kịp thời công khai thông tin về hoạt động kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật, trong đó phải công khai trên cổng thông tin điện tử chính thức của cơ quan mình gồm: Kế hoạch, quyết định kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước (trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước).

Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm giải trình về kết luận, kiến nghị, quyết định, hành vi của mình khi có yêu cầu của doanh nghiệp nhà nước và các chủ thể có liên quan bị tác động bởi kết luận, kiến nghị, quyết định, hành vi đó. Việc giải trình được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước với các tổ chức chính trị-xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí về những nội dung liên quan đến hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.

Được biết, tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng.

Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Tổ công tác liên ngành xây dựng Kế hoạch tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và ban hành Kế hoạch, phân công các thành viên Ban Chỉ đạo thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong phạm vi các bộ, ngành, lĩnh vực mình quản lý và theo sự phân công của Trưởng ban Chỉ đạo./.