7 lý do khiến các doanh nghiệp nhà nước chậm được sắp xếp, đổi mới
Quý I/2017: chỉ 8 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa
Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, tính đến hết quý I/2017 mới cổ phần hóa được 8 doanh nghiệp nhà nước (6 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, 1 doanh nghiệp Hưng Yên và 1 doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế) và 1 đơn vị sự nghiệp của Bắc Giang.
Cũng trong quý I/2017, cả nước đã công bố giá trị doanh nghiệp, nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa 41 doanh nghiệp; đang tiến hành xác định giá trị của 108 doanh nghiệp; 1 doanh nghiệp được phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa (Công ty Cấp thoát nước tỉnh Lâm Đồng).
Quý I/2017, cả nước cổ phần hóa được 8 doanh nghiệp |
Về thoái vốn nhà nước, đến hết ngày 25/03/2017, cả nước đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 10 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 71,8 tỷ đồng (bằng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016) thu về 72,8 tỷ đồng (bằng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016). Trong số 10 doanh nghiệp này, có 6 doanh nghiệp phải thoái vốn dưới mệnh giá.
Để chuẩn bị cho việc thoái vốn tại 12 doanh nghiệp quy mô lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 11/12 doanh nghiệp đã niêm yết, còn Công ty Cổ phần Hạ tầng bất động sản Việt Nam (thuộc SCIC) chưa niêm yết.
Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn tư vấn thực hiện thoái vốn, Văn phòng Chính phủ đang trình Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xem xét, quyết định. Đối với Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xử lý vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác với Carlsberg Breweries A/S.
Đối với Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk, trong quý I/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm việc bán cổ phần Công ty Vinamilk năm 2016 và triển khai bán tiếp năm 2017. Hiện SCIC đã trình Thủ tướng 2 phương án bán vốn nhà nước tại Công ty này.
Về thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán, đến hết quý I/2017 có 13 bộ, ngành, 36 địa phương và 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước gửi báo cáo và kết quả thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa.
Còn 11 bộ, ngành, 27 địa phương và 65 tập đoàn, tổng công ty chưa gửi báo cáo. Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp đầy đủ danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán để báo cáo Thủ tướng, nhưng đến nay Bộ Tài chính chưa có báo cáo.
Nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân của những tồn tại trong việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp đưa ra, đó là:
Nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước chưa tập trung, chưa chủ động và quyết liệt thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Trong số doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa có nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính, công nợ phức tạp, phải xử lý trước khi cổ phần hóa. Một số doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng khi cổ phần hóa phải thực hiện kiểm toán giá trị doanh nghiệp, nên cần thêm thời gian. Nhiều đơn vị lúng túng trong việc thực hiện xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Còn nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa trình Thủ tướng phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước trực thuộc thực hiện cổ phần hóa theo từng năm. Bên cạnh đó, Thủ tướng chưa phê duyệt lộ trình cụ thể chô doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn và lộ trình sắp xếp theo năm cho từng công tu nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, nên chưa có cơ sở cho việc kiểm tra, đôn đốc và giám sát kết quả.
Dư luận, báo chí có nhiều ý kiến trái chiều về cổ phần hóa, gây tâm lý e ngại, sợ thất thoát tài sản nhà nước, lợi ích nhóm, không muốn làm hoặc quá thận trọng, đùn đẩy lên cấp trên, không dám nhận trách nhiệm.
Nghị định thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần chưa được ban hành. Việc phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa của địa phương quá chậm. Việc phải tính giá trị lợi thế vị trí địa lý đất thuê khi cổ phần hóa doanh nghiệp không thực hiện được.
Việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa niêm yết không thực hiện được do Quyết định 41/2015/QĐ-TTg về bán cổ phần theo lô bị vô hiệu, Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp trái với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp chưa được sửa đổi.
Chưa có hướng dẫn để thực hiện chue chương đóng cửa rừng tự nhiên. Xác định giá trị vườn cây khó khăn, mất nhiều thời gian. Phân tách giá trị vườn cây giữa nông lâm trường và người nhân khoán khó vì một số đơn vị khoán trắng.
Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước!
Để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp đưa ra các giải pháp cụ thể, đó là:
Trong quý II/2017, các bộ khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và đề án về sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Trong tháng 4/2017, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đến thời điểm 31/3/2017. Trong đó tách riêng số doanh nghiệp đủ điều kiện, nhưng chưa đăng ký giao dịch.
Trong tháng, 05/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.
Các bộ, ngành, địa phương khác, thì cần quán triệt sâu sắc các chính sách về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trong tháng 4/2017, trình Thủ tướng danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo từng năm…
Các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và xã hội, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn các công ty lớn./.
Bình luận