8 nhiệm vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đặt mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Du lịch đặt mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đồng thời, mục tiêu của Nghị quyết cũng đặt ra là thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, số khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 9.448.331 lượt khách, tăng 28,4% so với cùng kỳ 2016. Số khách du lịch nội địa đạt 57,9 triệu lượt khách, trong đó có 27,8 triệu lượt khách lưu trú; Tổng thu từ khách du lịch đạt 376.000 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016. |
Theo đó, nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 08-NQ/TW đề ra, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW. Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ. Cụ thể là:
Một là, cần nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Cụ thể, tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết 08-NQ/TW đến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Đảng các cấp, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các quan điểm mới của Đảng về bản chất ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng; vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện báo chí để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch trong xã hội; quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, bảo đảm du lịch là một trong những nội dung thường xuyên, tập trung trong chương trình truyền thông của các cơ quan thông tin đại chúng.
Hai là, cơ cấu lại ngành du lịch, cụ thể, xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới vận hành theo quy luật kinh tế thị trường. Các địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển du lịch xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch của địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch, chú trọng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch; bổ sung, hoàn thiện công tác thống kê du lịch để xác định rõ vị trí ngành du lịch trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân và của các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch 2017; ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch; ưu tiên bố trí vốn cho công tác xây dựng quy hoạch, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá du lịch; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch; sửa đổi bổ sung danh mục ưu đãi đầu tư, trong đó có các dự án du lịch tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch; rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Đầu tư 2014 và các quy định pháp luật liên quan, tạo sự phát triển đột phá cho ngành du lịch.
Bốn là, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch; xây dựng, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển và đường thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch.
Xây dựng các đề án, dự án cải thiện chất lượng dịch vụ, hạ tầng đường sắt, cảng biển, cảng thủy nội địa chuyên dùng phục vụ du lịch; đầu tư xây dựng các điểm dừng nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ; bảo đảm an toàn giao thông; tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch.
Thực hiện thương quyền 5 về vận tải hàng không và chính sách "mở cửa bầu trời"; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới kết nối Việt Nam với thị trường nguồn khách du lịch, tăng cường tần suất các đường bay có sẵn; giải quyết các điểm nghẽn và tình trạng quá tải tại các cảng hàng không; khuyến khích đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn du lịch trọng điểm.
Năm là, đổi mới cách thức, nội dung, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Sáu là, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch như xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch.
Bảy là, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng và triển khai Đề án đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch, chú trọng tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Tám là, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch. Theo đó, rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững./.
Bình luận