CPI tháng 9 giảm 0,62% so với tháng trước

Cơ quan thống kê quốc gia cho biết, giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm; thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là các nguyên nhân chính làm CPI tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020.

9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% - mức thấp nhất kể từ năm 2016
Mức lạm phát cơ bản tháng 9 và 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011

Cụ thể, so với tháng trước, CPI tháng 9/2021 giảm 0,62% (khu vực thành thị giảm 0,6%, khu vực nông thôn giảm 0,64%). Tháng Chín, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 5 nhóm (Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, Nhóm giáo dục, Nhóm giao thông, Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, Nhóm bưu chính viễn thông) giảm giá so với tháng trước; 6 nhóm (Nhóm đồ uống và thuốc lá, Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, Nhóm thuốc và dịch vụ y tế, Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép, Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác) tăng giá.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9 tăng 2,06%; CPI bình quân quý III/2021 tăng 2,51% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%. Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 9 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,82%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 9 và 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Mục tiêu lạm phát 4% năm 2021 là khả thi

Tổng cục Thống kê kiến nghị, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế.

Như vậy, với diễn biến CPI 9 tháng năm 2021 như trên, thì mục tiêu Quốc hội đặt ra cho năm 2021, lạm phát ở mức 4% là hoàn toàn khả thi. Nhiều tổ chức và các chuyên gia cũng đều có chung nhận định về mức lạm phát năm nay đều ở mức khoảng 4% và dưới 4%.

Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021 của ADB, kinh tế Việt Nam dự kiến ​​đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm 2021 và 6,5% vào năm 2022. Đồng thời, ADB cũng dự báo lạm phát sẽ được kiềm chế trong năm 2021 và 2022 do tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Báo cáo Cập nhật vĩ mô của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT với tiêu đề “Tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng từ đại dịch” vào tháng 8/2021 cũng đã hạ dự báo lạm phát bình quân năm 2021 xuống còn 2,4%, từ mức 2,9% trước đó, với nguyên nhân được đề cập là do nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp và giảm, kéo theo giá các dịch vụ thiết yếu cũng giảm.

VNDIRECT dẫn diễn biến giá cả và chỉ số CPI thực tế trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 7 và chỉ ra nguyên nhân là do chỉ số giá nhóm lương thực thực phẩm thấp hơn dự kiến trong bối cảnh giá thịt lợn giảm mạnh; nhu cầu tiêu dùng cũng giảm sau khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát; và tác động từ chính sách giảm giá, phí các dịch vụ thiết yếu như điện, nước sạch, viễn thông cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Từ đó, VNDIRECT cho rằng, điều này sẽ tiếp tục kiềm chế lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021.

Ở phía các chuyên gia kinh tế, dự báo về mức lạm phát của năm 2021, trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho rằng, lạm phát trung bình trong năm 2021 sẽ không thể cao, nhất là khi kinh tế trong năm 2021 sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn. TS. Nguyễn Đức Độ nhận định, lạm phát trung bình trong năm nay nhiều khả năng sẽ vẫn ở mức dưới 3%.

Trong khi đó, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại Bộ Công Thương cũng đánh giá, nếu đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, kinh tế thế giới chưa phục hồi, mặt bằng giá của Việt Nam khó tăng cao, CPI bình quân năm 2021 sẽ ở mức 3,8% đến 4%.

Tuy nhiên, không vì vậy mà kiểm soát lạm phát lơ là. Để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong những tháng còn lại của năm 2021, Tổng cục Thống kê cũng đã đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, phân biệt kỹ các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.

Tổng cục Thống kê kiến nghị, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế.

Bộ Công Thương cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đặc biệt, thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch gây ra./.

.