Bước ngoặt từ “bà đỡ” khoa học

Theo Công ty TNHH chế biến Dừa Lương Quới -Vietcoco (Bến Tre), từ thực tế hoạt động tại Công ty, cũng như các cơ sở chế biến dừa ở tỉnh Bến tre, nước dừa già là phụ phẩm của chế biến dừa lên tới hàng trăm ngàn lít/ngày rất cần được nghiên cứu để giúp chế biến thành sản phẩm thương phẩm, qua đó vừa nâng cao chuỗi giá trị từ quả dừa, vừa xử lý ô nhiễm môi trường cho các nhà máy chế biến dừa.

“Bà đỡ” khoa học đã nâng tầm giá trị quả dừa Việt
Sản phẩm của Vietcoco có mặt tại Hội chợ trái cây và rau quả quốc tế - Macfrut 2021, diễn ra ở Italia. Ảnh: Vietcoco

Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty chế biến dừa Lương Quới cho biết, nỗ lực đổi mới đã giúp nâng cao giá trị cho trái dừa. Bình quân mỗi năm doanh nghiệp tiêu thụ 75 triệu trái dừa, nhưng sẽ mở rộng quy mô và tăng công suất lên gấp đôi để tiêu thụ 150 triệu trái dừa/năm từ năm tới. Riêng sản phẩm nước dừa giải khát đóng hộp đã đóng góp hơn 250 tỷ đồng vào doanh thu của doanh nghiệp.

Từ đòi hỏi đó của doanh nghiệp, cũng như người trồng dừa, cộng với xuất phát từ mong muốn của Vietcoco, tỉnh Bến Tre nói chung là cần thiết phải đổi mới công nghệ tiên tiến, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường cao cấp như: Mỹ và EU, UBND tỉnh Bến Tre đã có Công văn số 3436/UBND-VHXH ngày 2/8/2012 gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị: giúp đỡ khắc phục khó khăn cho người trồng dừa và các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ dừa tại tỉnh Bến Tre.

Xuất phát từ mong cầu chính đáng trên, đồng thời qua thực tiễn khảo sát, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hỗ trợ Vietcoco triển khai Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói Tetra – Pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng Đồng bằng sông cửu Long”. Đây là bước đột phá trên hành trình nâng tầm giá trị cho quả dừa Việt.

Nhờ bước ngoặt trên, mà theo Vietcoco, năng suất thiết kế ban đầu của Dự án là 4.000 lít/giờ, nhưng đến năm 2020 đã tăng lên gấp 3 lần (12.000 lít/giờ). Dây chuyền chế biến được đầu tư tại Vietcoco hiện đại, tự động hóa từ khâu thu gom nước dừa già tới khâu hoàn thiện đóng gói thành phẩm. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm nước dừa đóng hộp của Dự án được chứng nhận US FDA (Mỹ), BRC food (Anh) và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Úc.

Dự án kết thúc và được nghiệm thu vào tháng 12/2020. Sau khoảng một năm đưa vào hoạt động sản xuất, Dự án đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực như: chất lượng nước dừa đóng hộp đảm bảo 95% so với nước dừa tự nhiên, bao bì hộp giấy thân thiện môi trường; sản phẩm nước dừa được thị trường Mỹ, EU, Úc và thị trường trong nước đón nhận; doanh thu đạt gần 900 tỷ đồng/năm (xuất khẩu 40 triệu USD/năm); hiệu quả kinh tế tăng khoảng 10 lần so với trước khi thực hiện Dự án; giải quyết việc làm ổn định cho 1.200 lao động…

Mang lại hiệu quả cho cả 3 nhà

“Bà đỡ” khoa học đã nâng tầm giá trị quả dừa Việt
Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietcoco trước và sau khi đổi mới công nghệ. Ảnh: Vietcoco

Theo Vietcoco, nhờ sự liên kết hiệu quả của “4 nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp - Nhà nông đã hỗ trợ rất nhiều cho Công ty trong đổi mới công nghệ, qua đó mang lại hiệu quả thiết thực, tạo nên sự phát triển bền vững cho cả “3 nhà”: Nhà doanh nghiệp - Vietcoco, Nhà nông - người dân trồng dừa và Nhà nước - tỉnh Bến Tre.

Cụ thể, với doanh nghiệp, đổi mới công nghệ đã mang lại hiệu quả rõ nét thể hiện trên 3 chỉ tiêu: số lượng nhân viên, lương bình quân và doanh thu được thể hiện theo bảng kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietcoco trước và sau khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (12/2017 – 12/2020).

Còn với nhà nông, nếu như giá dừa năm 2012-2013 khoảng 40.000 đồng/12 quả, thì đến nay dao động từ 80.000 đồng - 100.000 đồng/12 quả, mang lại niềm vui cho người dân Bến Tre (70% người dân Bến Tre sống nhờ cây dừa)

Đối với tỉnh Bến Tre, kết quả tích cực của Dự án đã góp phần hoàn thành nội dung về “Xây dựng dự án sản xuất dầu dừa tinh khiết” trong Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020 theo Quyết định số 2300/QĐ–UBND ngày 13/12/2013 của UBND tỉnh Bến Tre.

“Đặt bài” cho giải pháp khoa học mới

Từ hiệu quả rõ nét, thiết thực của giải pháp khoa học trên, Vietcoco đề xuất một số công nghệ cao cần được nghiên cứu, giải mã trong thời gian tới, để sớm triển khai và mang lại hiệu quả trên thực tế.

Sản phẩm dầu dừa hydrogen đang được ưa chuộng tại thị trường Mỹ, Canada và EU, nên cần nghiên cứu đầu tư cho Công nghệ sản xuất dầu dừa hydrogen. Một thực tế là Hà Lan, quốc gia nhập khẩu dầu dừa thô đứng đầu châu Âu, nhưng lại là nước xuất khẩu dầu dừa tinh khá lớn, câu hỏi là họ đã làm gì? Các nhà khoa học Việt Nam cần giải mã câu hỏi này.

Cùng với nghiên cứu công nghệ tách và thu nhận axit lauric từ dầu dừa làm thực phẩm chức năng, cũng cần nghiên cứu để triển khai công nghệ sản xuất Nanocellulose Fiber từ nước dừa làm vật liệu mới trong ngành công nghệ thông tin./.