Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: GRDP bình quân 2016-2020 dự báo đạt 6,8-7%/năm
Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị trực tuyến Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021, giai đoạn 2021-2025 vùng miền Trung và Tây Nguyên, ngày 26/8/2020.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: Minh Trang
GRDP của Vùng đến năm 2020 gấp 1,6 lần so với năm 2015
Trên cơ sở đánh giá 6 tháng đầu năm, dự báo khả năng thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu năm 2020 của các tỉnh thuộc vùng và vùng kinh tế trọng điểm như sau:
- Nhóm các tỉnh có tăng trưởng đạt khá: Thanh Hóa (12,5%); Ninh Thuận (11,5%); Nghệ An (7,45%); Quảng Trị (7,22%).
- Nhóm các tỉnh có tăng trưởng từ 2,5-5%: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận.
- Nhóm các tỉnh tăng trưởng dưới 2,5%: Đà Nẵng (1,25%), Quảng Ngãi (0,14%), Khánh Hòa (0,05%).
- Nhóm các tỉnh có tăng trưởng từ 5-7% và dự kiến tăng trưởng âm: không có tỉnh nào.
Về chỉ tiêu GRDP và tốc độ tăng trưởng GRDP các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, Tổng cục Thống kê đang phối hợp với cục thống kê các địa phương để tính toán tăng trưởng GRDP từng địa phương. Dự kiến tháng 9 mới công bố số dự kiến năm 2020.
Dự kiến quy mô GRDP của Vùng năm 2020 gấp khoảng 2,2 lần năm 2010; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 9%/năm. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 53,0 triệu đồng, tương đương 2.500 USD bằng khoảng 76% mức bình quân đầu người của cả nước, trong đó GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 của vùng KTTĐ miền Trung đạt khoảng 80 triệu đồng, tương đương 3.600 USD bằng khoảng 1,1 - 1,2 lần mức bình quân chung của cả nước.
Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu GRDP đến năm 2020 gồm: khu vực công nghiệp 41,9%; khu vực dịch vụ 39,9%; khu vực nông nghiệp 18,2%7; trong đó cơ cấu kinh tế Vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2020 khu vực công nghiệp 45%; khu vực dịch vụ 43%; tỷ trọng nông nghiệp 12%; Đến năm 2020 đóng góp của vùng KTTĐ trong thu ngân sách của cả nước 7,5%.
Kim ngạch xuất khẩu của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và vùng KTTĐ miền Trung giai đoạn 2016-2020 trên mức 20%/năm; tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20%-25%/năm.
Giai đoạn 2016-2020: GRDP của Vùng tăng bình quân 6,8-7%/năm
Tính đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia 13/14 dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố trong vùng, Dự thảo các Báo cáo đã được Ban Thường vụ tỉnh ủy/thành ủy xây dựng công phu, ngắn gọn, súc tích, mang tính khoa học và thực tiễn cao, đã đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan, về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, những thành tựu, ưu điểm nổi bật và những hạn chế chủ yếu trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đồng thời đã dự báo những thuận lợi, khó khăn và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025 có cơ sở khoa học, thể hiện quyết tâm với tinh thần đổi mới của Đảng bộ và Nhân dân các địa phương.
Đồng thời, các địa phương đã tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó đã đánh giá thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2016-2020, cụ thể là:
- Tỉnh Thanh Hóa: đạt và vượt 26/27 chỉ tiêu Đại hội đề ra, trong đó 01 chỉ tiêu chưa đạt là GRDP bình quân đầu người (đạt 2.670USD so với chỉ tiêu 3.600 USD).
- Tỉnh Nghệ An: đạt và vượt 23/31 chỉ tiêu Đại hội đề ra; trong số 8 chỉ tiêu không đạt thì có 3 chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người.
- Tỉnh Hà Tĩnh: đạt và vượt 11/33 chỉ tiêu, trong số 22 chỉ tiêu không đạt thì có 7 chỉ tiêu kinh tế quan trọng là Tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế, GRDP bình quân đầu người, thu nhập bình quân đầu người, tổng thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, giá trị sản xuất nông nghiệp.
- Tỉnh Quảng Bình: 14/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch của Nghị quyết đề ra. 04 chỉ tiêu dự kiến không đạt, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người; Thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn và Tỷ lệ che phủ rừng.
- Tỉnh Quảng Trị: Có 16/23 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra có 7 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng GRDP, GRDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, tổng thu NSNN, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, diện tích cây công nghiệp dài ngày và tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp.
- Tỉnh Thừa Thiên Huế : Có 14/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra ; có 7 chỉ tiêu không đạt tổng thu NSNN, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giá trị xuất khẩu trên địa bàn.
- Thành phố Đà Nẵng: Có 4/11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội ước thực hiện đạt Nghị quyết (không kể 03 chỉ tiêu về giá trị sản xuất) và 4 chỉ tiêu dự kiến không đạt, bao gồm: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP); Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và Tổng vốn đầu tư phát triển.
- Tỉnh Quảng Nam: Có 17/21 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết, trong đó có 02/5 chỉ tiêu kinh tế, 10/10 chỉ tiêu xã hội, 5/6 chỉ tiêu môi trường; có 04 chỉ tiêu không đạt gồm: tốc độ tăng trưởng (xấp xỉ đạt), thu NSNN, cơ cấu các ngành trong GRDP, tỷ lệ các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường đều không đạt mục tiêu.
- Tỉnh Quảng Ngãi: Có 20/26 chỉ tiêu đạt, trong đó vượt 7 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; có 6 chỉ tiêu dự kiến không đạt là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP); Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân đầu người; Tỷ lệ lao động nông nghiệp đến năm 2020; Tuổi thọ bình quân đến năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân;
- Tỉnh Bình Định: Có 11/16 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra, trong đó vượt 5 chỉ tiêu, có 4 chỉ tiêu không đạt là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ; Tỷ lệ dân cư đô thị được dùng nước sạch; Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom.
- Tỉnh Phú Yên: Đạt và vượt 14/18 chỉ tiêu so Nghị quyết Đại hội đề ra; 4 chỉ tiêu dự kiến không đạt, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người; Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và Tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
- Tỉnh Khánh Hòa: Đạt và vượt 16/20 chỉ tiêu so Nghị quyết Đại hội đề ra, trong đó 4 chỉ tiêu về kinh tế không đạt gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; thu ngân sách nhà nước; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
- Tỉnh Ninh Thuận: Đạt 19/21 chỉ tiêu đề ra, trong đó vượt 7 chỉ tiêu, có 4 chỉ tiêu không đạt là: Giá trị kim ngạch xuất khẩu và Trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng;
- Tỉnh Bình Thuận: Đạt và vượt 24/31 chỉ tiêu; trong số 7 chỉ tiêu không đạt thì có 3 chỉ tiêu quan trọng là GRDP bình quân đầu người, Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo, Tỷ lệ thu hút vốn đầu tư xã hội so với GRDP.
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 2016-2020 của Vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tăng trưởng GRDP của Vùng bình quân đạt khoảng 6,8-7%/năm, đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước, tăng trưởng đều cả 3 khu vực.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp và xây dựng 5 năm là 10,68%/năm, ngành dịch vụ tăng bình quân tăng khoảng 10%/năm và ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 3,58%/năm. Quy mô GRDP của Vùng đến năm 2020 đạt mục tiêu gấp 1,6 lần so với năm 2015.
Kinh tế Vùng chuyển biến tích cực và dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Công nghiệp chiếm tỷ trọng 35,4%, tốc độ tăng trưởng cao nhờ phát huy vai trò các khu kinh tế ven biển, thu hút các công trình, dự án công nghiệp động lực: dầu khí, luyện thép, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo.
Ngành dịch vụ của vùng chiếm tỷ trọng 46,2% kinh tế vùng, trong đó ngành du lịch đang là động lực tăng trưởng của các tỉnh vùng miền Trung.
Ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,4%, đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng tiêu chuẩn, hiệu quả và bền vững.
Đến nay, đã hình thành vùng kinh tế vùng Bắc Trung Bộ với ngành công nghiệp hóa dầu, luyện kim, thép, điện, vật liệu xây dựng là chủ lực; vùng Nam Trung Bộ du lịch, dịch vụ, công nghiệp hóa dầu, thép, lắp ráp ô tô, cơ khí, vận tải biển chiếm tỷ trọng lớn.
Kinh tế biển đã có bước phát triển khá, vai trò các Khu kinh tế ven biển ngày càng tăng, thu hút được nhiều dự án công nghiệp động lực trong lĩnh vực dầu khí, luyện thép, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo.
Ngành du lịch vùng miền Trung đã và đang trở thành động lực tăng trưởng, ngành công nghiệp không khói của vùng, tăng trưởng bình quân hàng năm 2016-2019 về du lịch đạt khoảng 17-18%/năm, doanh thu toàn ngành du lịch tăng bình quân 20%/năm, khách du lịch tăng bình quân 19%/năm. Đánh bắt, chế biến hải sản tiếp tục là thế mạnh của vùng, số tàu công suất lớn ngày càng tăng, chủ yếu đánh bắt xa bờ, kết hợp đánh bắt và hậu cần nghề cá.
Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 đạt 882.198 tỷ đồng, trong đó từ 2016-2019 đều đạt và vượt dự toán các năm, tăng thu nội địa bình quân 5 năm đạt 14,2%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước là 9,66%/năm. Riêng năm 2020, ước tổng thu ước đạt 165.894 tỷ đồng, bằng khoảng 87% so với dự toán Trung ương giao đầu năm.
Theo số liệu của Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm của vùng miền Trung đạt 57,344 tỷ USD, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tốc độ tăng bình quân xuất khẩu của Vùng giai đoạn 2016-2020, đạt 13,7%, cao hơn bình quân cả nước là 10,5%.
Số doanh nghiệp thành lập mới 2016-2020, tăng bình quân 7,4%/năm cao hơn mức bình quân cả nước (cả nước 3,6%), chiếm 14,34% số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn của cả nước. Số vốn đăng ký chiếm 12% cả nước; Tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của Vùng so với cả nước tăng liên tục duy trì ở mức bình quân trên 18%. Nhìn chung doanh nghiệp trong Vùng có quy mô nhỏ và vừa, mức vốn đăng ký bình quân 8,8 tỷ/doanh nghiệp.
Vốn FDI của Vùng trong giai đoạn 2016 - 2020 đã thu hút được 908 dự án FDI với tổng vốn huy động đạt 16,126 tỷ USD, chiếm 28% tổng vốn huy động của cả nước.
Tổng vốn đầu tư phát triển trong 5 năm 2016-2020 của vùng: giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, số vốn thực hiện đạt khoảng gần 2.366 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 45% GRDP vùng, chiếm khoảng 14,3% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cả nước.
Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động liên kết vùng đã được thực hiện trong hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội của Vùng.
“Hiện không có tình trạng chia cắt về thị trường tiêu thụ và sản xuất hàng hóa, thị trường lao động, thị trường vốn, đất đai... Các doanh nghiệp được tự do lựa chọn địa bàn đầu tư, phát triển sản xuất”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Sự liên kết rõ nét nhất là trong tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, xúc tiến du lịch, bảo vệ môi trường, kiểm soát dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vùng hiện vẫn còn nhiều khó khăng trong phát triển, đó là:
Một là, động lực tăng trưởng của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có 4 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông-Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn hầu như chưa có.
Mặc dù có lợi thế về cảng nước sâu lượng hàng thông qua cảng đạt khối lượng khá lớn, tuy nhiên, hàng hóa thông qua cảng chưa đa đạng, chủ yếu là xăng dầu, xi măng, thép (cảng chuyên dụng), dệt may, gia giày, gỗ và đồ gỗ, còn lại chủ yếu là dăm gỗ. Hàng container rất ít; dịch vụ vận tải biển chậm phát triển; chưa tận dụng lợi thế cảng nước sâu để phát triển logistic, vận tải biển cho vùng và các địa phương thuộc hành lang kinh tế Đông – Tây với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Chi phí vận tải còn cao hơn các vùng khác.
Hai là, Kinh tế biển và ven biển của 14 tỉnh miền Trung phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tính đến năm 2020, GRDP của 28 tỉnh giáp biển bằng 73,8% tổng GDP cả nước, trong đó GRDP của 14 tỉnh miền Trung chỉ chiếm 19,3% GDP cả nước, và chiếm khoảng 26,1% (1/4) tổng GRDP của 28 tỉnh giáp biển; Tổng kim ngạch xuất khẩu năm của 28 tỉnh có biển chiếm 32,24% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, xuất khẩu của vùng miền Trung chỉ chiếm khoảng 4,37% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 13,57% của 28 tỉnh, thành phố giáp biển.
Thu ngân sách năm 2020 của 28 tỉnh có biển chiếm 58,2% tổng thu cả nước, thu ngân sách của vùng miền Trung chỉ chiếm 12,9% tổng thu cả nước và 22,33% của tổng 28 tỉnh, thành phố.
Ba là, xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo số liệu của Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng miền Trung chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Ngoại trừ Đà Nẵng và Khánh Hòa xuất siêu, các tỉnh còn lại trong vùng chủ yếu là nhập siêu. Hàng hóa xuất khẩu (trừ một số dự án lớn) còn lại chủ yếu hàng dệt may, gia giày, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ còn lại là dăm gỗ, giá trị nhìn chung thấp
Bốn là, vùng KTTĐ miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế Vùng. Việc hình thành cực phát triển theo Vùng và nhóm các tỉnh lân cận chưa rõ nét, thiếu sức hút xét trên yếu tố vùng, lãnh thổ làm ảnh hưởng tới khả năng phát triển Vùng một cách đồng bộ, toàn diện. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đến năm 2019 còn thấp, quy mô dân số đô thị 5,7 triệu người, chiếm 28,8%/tổng dân số, dự kiến đến 2020 đạt khoảng 32% thấp hơn mục tiêu kế hoạch 2016-2020 (Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42% vào năm 2020; Quy mô dân số đô thị của Vùng sẽ đạt khoảng 9 triệu người vào năm 2020).
Năm là, thu ngân sách chưa bền vững, mặc dù tăng cao, nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, chiếm tỷ lệ từ khoảng 22-25%.
Sáu là, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%, thuộc vùng có tỷ lệ thấp của cả nước. Đào tạo và sử dụng lao động chưa có trọng tâm, chưa đáp ứng quy mô của vùng.
Ngành nghề đào tạo còn chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Một số ngành nghề được tập trung đào tạo nhiều nhưng nội dung, chương trình đào tạo chưa mang tính đột phá và chất lượng đào tạo còn thấp nên dẫn đến tình trạng thiếu lao động, mất cân đối cung cầu trong phân bổ nguồn lao động và hiệu quả đào tạo còn thấp.
Bảy là, chưa có cơ chế về việc liên kết nghiên cứu, đầu tư, hợp tác, điều phối để thực hiện những nhiệm vụ khoa học - công nghệ có tính chất liên tỉnh, liên vùng. Chưa thực sự có những chính sách đủ mạnh để thu hút đội ngũ tri thức trẻ, những nhà khoa học, những nhà quản lý giỏi và nhà đầu tư để phát triển các trung tâm đào tạo nhà quản lý và đào tạo nghề chất lượng cao cung ứng cho cả vùng. Chưa có những tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ lớn mang tính dẫn dắt, đầu tàu trong vùng làm động lực huy động các địa phương cùng thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ mang tính phức tạp. Công tác xã hội hóa hoạt động khoa học, công nghệ chưa được đẩy mạnh, nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước chi cho khoa học, công nghệ còn khá thấp.
Tám là, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với các vùng khác của cả nước; ô nhiễm môi trường, nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn và hạn hán, đặc biệt tại các tỉnh Nam trung Bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn cao; vấn đề rác thải nhựa đại dương và quản lý ô nhiễm môi trường biển cần được quan tâm.
Kế hoạch 2021-2025: Tăng trưởng bình quân trên 7%
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến nay, 14/14 tỉnh, thành phố đã gửi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025.
Trong đó, các tỉnh, thành phố đề xuất giữ nguyên nhóm các chỉ tiêu của Đại hội XIX, chia các chỉ tiêu chủ yếu thành 04 nhóm: (1) Chỉ tiêu về kinh tế; (2) Chỉ tiêu về văn hóa, xã hội; (3) Chỉ tiêu về môi trường; (4) Chỉ tiêu về quốc phòng, an ninh; Một số tỉnh bổ sung một số chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng như: Chỉ tiêu về tăng năng suất lao động; số doanh nghiệp tăng thêm, thu hút vốn đầu tư FDI...
Cụ thể, các địa phương đều đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm cao trên 7%, trong đó có nhiều tỉnh tính toán tăng trưởng bình quân 5 năm đạt rất cao, như: Thanh Hòa 11%; Nghệ An 10,37%; Đà Nẵng 9-10%; Ninh Thuận 10-11%. Có hai tỉnh tính toán tăng trưởng bình quân 5 năm thấp là Quảng Nam là 6,5% và Quảng Ngãi là 6-7%.
Cơ cấu kinh tế của các địa phương trong Vùng được chia ra 3 nhóm: Nhóm các địa phương dự kiến cơ cấu kinh tế công nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao: Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam; Nhóm các địa phương dự kiến cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng cao: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa; Các địa phương còn lại thuộc nhóm chuyển dịch không thay đổi nhiều cơ cấu kinh tế.
Tổng thu ngân sách 5 năm 2021-2025, dự kiến đạt 900 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với 5 năm 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến khoảng 3.575 nghìn tỷ đồng.
Các địa phương đều đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 trên 7%
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh/thành và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; năm tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; kế thừa những kết quả đã đạt được trong kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng kế hoạch 2021-2025, tạo bước đột phá trong chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, dự báo tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tác động bất lợi của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; bảo vệ môi trường bền vững còn khó khăn, thách thức. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hạn chế, năng suất lao động thấp; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.
Vì vậy, mục tiêu tổng quát của các địa phương trong năm 2021 là phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập tung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng hoá các hình thức thu hút đầu tư và loại hình đầu tư để phát triển khu vực công nghiệp và dịch vụ du lịch; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp. Xây dựng đô thị văn minh. Quan tâm phát triển văn hoá xã hội, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng. Đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Điều đáng mừng là các địa phương đều đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 trên 7%, trong đó có nhiều tỉnh tính toán tăng trưởng rất cao, như: Hà Tĩnh (10,95%), Thanh Hóa (9,4%), Nghệ An (10,37%); Quảng Ngãi (12,62%), Ninh Thuận (10%). Có hai tỉnh tính toán tăng trưởng bình quân 5 năm thấp là Quảng Nam là 6,5%, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định và Phú Yên đặt mục tiêu là 7%./.
Bình luận