Báo chí góp phần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển
Nhận định nói trên của TS. Vũ Tiến Lộc được đưa ra tại Diễn đàn: Đối thoại Doanh nhân với nhà báo chủ đề “Báo chí và doanh nghiệp thời hội nhập” diễn ra sáng này (10/06) tại Hà Nội. Diễn đàn do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhân kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6//2016).
Báo chí – người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, báo chí cũng không ngừng phát triển, không ngừng đổi mới theo hướng năng động và sáng tạo hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Diễn đàn
Ngoài các hình thức báo chí mang tính chất truyền thống, báo chí đã từng bước đổi mới để thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, các hình thức báo điện tử giúp tăng khả năng tương tác trực tiếp với người dân, cung cấp thông tin nhanh chóng, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, góp phần củng cố, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
“Có thể khẳng định rằng, doanh nhân và nhà báo là hai lực lượng đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, vừa là người bạn đồng hành thân thiết, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển”, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Cũng có cùng nhận định trên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, báo chí đã tư vấn, quảng bá, góp phần bảo vệ doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách thể chế.
“Trong thời gian qua, cải cách thể chế đã có những bước tiến quan trọng và báo chí là một trong những lực lượng có công đầu. Thông qua báo chí, những sáng kiến, ý kiến từ phía doanh nghiệp trở thành áp lực và động lực thúc đẩy cải cách thể chế”, TS. Lộc nói.
“Cũng như bảo vệ doanh nghiệp, với những vụ việc đơn lẻ tưởng chừng không quan trọng, nhưng qua báo chí đã trở thành “tiếng chuông” cảnh báo rất quan trọng để thúc đẩy cải cách thể chế ví dụ như thông qua vụ quán cà phê Xin chào”, TS Vũ Tiến Lộc đánh giá.
Chủ tịch VCCI cho biết, Đại hội Đảng lần thứ XII cũng như các Nghị quyết gần đây của Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều điểm tựa, khẳng định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phát triển kinh tế xã hội.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35, song hành với Nghị quyết 19 và Nghị quyết 36a tạo ra những đột phá hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên một trong những điểm yếu hiện nay kỷ luật thực thi.
Ông Lộc nhấn mạnh: “Chủ trương đúng nhưng công chức, cán bộ không làm, công việc ách tắc. Vì vậy việc tăng cường sự giám sát của doanh nghiệp và báo chí đối với cải cách thể chế là quan trọng”.
Chủ tịch VCCI chia sẻ thêm, để có thể đạt được mục tiêu đất nước có 1 triệu doanh nghiệp thì chúng ta không chỉ khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới mà còn cần phải duy trì số lượng doanh nghiệp hiện có. Vì vậy, vai trò của báo chí trong việc cổ vũ phong trào khởi nghiệp, động viên, khuyến khích, bảo vệ doanh nghiệp rất quan trọng.
Ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân chia sẻ, doanh nghiệp cần báo chí truyền thông và có thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh. Từ đó, đưa thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình động viên, khích lệ những thành quả lao động sáng tạo. Ngược lại, báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, da dạng, là nguồn cảm hứng dể sáng tạo tác phẩm.
Theo nhiều đại biểu tham gia diễn đàn, báo chí chính là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và cộng đồng. Thông qua cơ quan báo chí, các doanh nhân đã phản biện một cách kịp thời về các chính sách, giúp cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn; Báo chí hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin về thị trường, quản bá sản phầm, dịch vụ của mình và giúp doanh nghiệp khắc phục những hạn chế, yếu kém của mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Doanh nghiệp và báo chí: hướng tới chuyên nghiệp để chia sẻ
Đều khẳng định vai trò không nhỏ của báo chí trong thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và mong muốn trở thành bạn đồng hành, song các doanh nhân tại buổi đối thoại cũng nêu ra không ít "nỗi đau" mà báo chí đã gây ra cho họ, cả vô tình và hữu ý.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt
Vị khác dẫn câu nói “lời nói gói vàng” nhưng cũng có câu khác là “lời nói đọi máu” để nói về mối quan hệ đầy nhạy cảm giữa nhà báo và doanh nhân.
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn cho rằng, trong khi doanh nhân làm kinh doanh phải “lạng lách” rất nhiều như khi tham gia giao thông, thì báo chí nên hỗ trợ và động viên nhiều hơn, nói nhiều hơn về cái tốt và bớt nói về cái xấu. Nêu thực tế là nhiều doanh nghiệp rất sợ gặp báo chí, ông Đoàn đặt vấn đề sòng phẳng trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nhân. Nếu báo chí đưa thông tin sai gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì cũng cần phải chịu trách nhiệm, kể cả là trách nhiệm vật chất.
Nói về hình ảnh làm kinh doanh như tham gia giao thông của doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bình luận: tham gia giao thông thì có khi đi lên cả vỉa hè, đi trái chiều và thậm chí có khi bất đắc kỳ tử. Theo Phó Chủ tịch Quốc hôị, những khó khăn của doanh nghiệp cũng không tránh khỏi là có tác động của giới truyền thông.
Ông Hiển cũng nhấn mạnh, rất nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt cần được tôn vinh, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp trốn thuế, gây ảnh hưởng đến môi trường…thì báo chí nêu là rất đúng đắn, cần phải khắc phục. Báo chí và doanh nhân cần đồng hành, cần là bạn nhưng là bạn thì cần góp ý những điều đúng để phát huy và chỉ ra cái sai để khắc phục.
Tuy nhiên, để thông tin trên báo chí về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng chất lượng và có hiệu quả, báo chí và doanh nghiệp đều cần hướng tới tính chuyên nghiệp trong việc cung cấp thông tin và xử lý thông tin; đồng thời cần tăng thêm sự chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau./.
Cũng trong ngày 10/06, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ đoàn nhà báo tham dự Diễn đàn Nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp. Tại buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ “Mục đích của cuộc gặp gỡ này là thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp, sự hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau giữa báo chí và doanh nghiệp vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước”, đồng thời hoan nghênh Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí – doanh nghiệp hết sức ý nghĩa này. Thủ tướng mong muốn báo chí cần làm tốt hơn vai trò là diễn đàn cổ vũ, động viên các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy sáng tạo, chia sẻ với doanh nghiệp về những khó khăn, trở ngại, phiền hà đối với quá trình sản xuất, kinh doanh; phát hiện, biểu dương những điển hình, nhân tố mới, sản phẩm tốt đồng thời phát hiện, phê phán tiêu cực, sai trái, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tốt hơn, thường xuyên hơn./. |
Bình luận