Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt trên 646 triệu USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ.

Bất chấp dịch bệnh, số vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tăng 35,1% trong 10 tháng đầu năm
10 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt trên 646 triệu USD. Ảnh minh họa

Trong đó có 48 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 218,27 triệu USD, bằng 69,4% so với cùng kỳ và 18 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm gần 427,76 triệu USD, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ.

Lý giải vì sao vốn đầu tư điều chỉnh tăng mạnh trong thời gian này, cơ quan quản lý cho biết, là do có dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 01 dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD.

Thống kê cho thấy, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt trên 270,8 triệu USD, chiếm 41,9% tổng vốn đầu tư.

Ngành bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư gần 152 triệu USD, chiếm 23,5%; tiếp theo là các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo,…

Tính đến 20/10/2021, đã có 22 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Dẫn đầu là Hoa Kỳ với 3 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 305,3 triệu USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ hai là Campuchia với tổng vốn đầu tư gần 89,4 triệu USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Israel, Lào… với vốn đầu tư đạt gần 66,6 triệu USD và trên 47,8 triệu USD.

Lũy kế đến 20/10/2021, Việt Nam đã có 1.435 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 21,9 tỷ USD.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (36,2%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,3%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (23,7%); Campuchia (13 %); Nga (12,8%)…/.