Lỗi hệ thống doanh nghiệp vẫn bị phạt

Cụ thể, theo phản ánh của nhiều đơn vị logistics, từ ngày 30/1 hệ thống khai hải quan điện tử thông quan tự động bị trục trặc kéo dài sang ngày 31/1 khiến các doanh nghiệp logistics “khóc ròng” vì không khai báo hải quan được, ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian và tiến độ làm thủ tục khai thông quan cho hàng hóa.

Các doanh nghiệp cho biết, không chỉ hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS mà ngay cả cổng thông tin 1 cửa quốc gia VNSW cũng có hiện tượng bị lỗi trục trặc khiến các nhân viên không thể vào khai được. “Sự cố trục trặc hệ thống kéo dài từ hôm qua, tàu của đơn vị chúng tôi chạy hôm nay rồi mà đến giờ còn chưa đẩy lên được”, một đại diện doanh nghiệp bức xúc lo lắng cho biết. Đáng chú ý, không chỉ các doanh nghiệp logistics phía Bắc mà đơn vị phía Nam cũng gặp trục trặc tương tự.

Thừa nhận sự cố trục trặc này, sáng 31/1, thông tin với báo chí, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan cho biết, do Hệ thống thông quan tự động gặp sự cố vào khoảng 0 giờ ngày 31/1, do vấn đề kỹ thuật.

“Hiện nay Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đang nỗ lực khắc phục và sẽ thông báo ngay khi hệ thống hoạt động bình thường. Chúng tôi rất mong sự cảm thông và chia sẻ của các đơn vị hải quan và cộng đồng doanh nghiệp”, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan nói.

Việc xảy ra sự cố trục trặc kỹ thuật đối với hệ thống khai báo điện tử là nguyên nhân khách quan, song vấn đề rất đáng nói ở đây theo các doanh nghiệp là họ vẫn bị “đè ra” phạt lỗi khai báo muộn dù trong nhiều trường hợp lỗi không phải do từ phía doanh nghiệp mà là từ sự cố trục trặc của hệ thống hải quan như tắc nghẽn, không ổn định. Đáng chú ý, mức phạt này rất cao theo quy định tại Nghị định 128/2020/NĐ- CP (Nghị định 128) ban hành và tháng 10/2020 vừa qua, lên đến 5-10 triệu đồng cho 1 lỗi vi phạm, cao hơn nhiều so với mức phạt thực tế khoảng 1 triệu đồng theo quy định trước đây. “Chúng tôi hoàn toàn thấu hiểu và chia sẻ với các cơ quan thực thi về lỗi trục trặc hệ thống do nguyên nhân khách quan, song đến khi đè doanh nghiệp ra phạt thì có cơ quan nào thấu hiếu và thông cảm cho chúng tôi”, đại diện một doanh nghiệp bức xúc nêu vấn đề.

Các doanh nghiệp logistics cho rằng, việc khai báo muộn vận đơn và sửa vận đơn trên E-Manifest đã từng xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan mà nguyên nhân khách quan phần lớn là do hệ thống hải quan thường xuyên bị lỗi, không ổn định, có khi kéo dài tới nửa ngày làm việc. Thậm chí như sự cố hôm vừa rồi thì thực tế kéo dài gần như từ hôm trước sang hôm sau khiến doanh nghiệp đành chịu trận.

Ngoài ra, còn chưa kể hàng loạt nguyên nhân khách quan khác nữa như tàu biển đã khởi hành từ cảng đi nhưng hệ thống E- Manifest tại Việt Nam đã đóng hồ sơ tàu, không cho khai báo vận đơn. Hay chênh lệch múi giờ khiến nhân viên chứng từ của các công ty đại lý vận tải/ giao nhận hoàn toàn bị động về mặt thời gian để kịp thời nhận thông tin chứng từ bên đại lý nước ngoài do múi giờ làm việc các nước khác nhau. “Nếu sau đó một vài tiếng chúng tôi khai bổ sung ngay vận đơn trên hệ thống thì phải chờ cán bộ hải quan E-Manifest phê duyệt thì hồ sơ mới được thông quan, nên vẫn bị coi là chậm”, một nhân viên chuyên thực hiện việc khai chứng từ cho biết.

Lỗi sơ suất do đánh máy có đáng bị phạt nặng?

Đối với các lỗi chủ quan, theo phản ánh của các doanh nghiệp chủ yếu là do lỗi của nhân viên chứng từ gửi, nhận hồ sơ muộn hoặc đánh máy sai trên máy tính do thao tác thủ công.

Lý giải cụ thể, đại diện một số doanh nghiệp cho biết trên con tàu container chờ hàng vào Việt Nam có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn vận đơn gom hàng trong một hồ sơ tàu biển xuất nhập cảnh, tỉ lệ khai báo bổ sung và sửa vận đơn sau khi tàu vào tính bình quân khoảng 2,5% đến 4% tổng số lượng vận đơn trong hồ sơ tàu. Phần lớn sai số vận đơn hoặc sai số lượng xảy ra là do lỗi của nhân viên chứng từ đánh máy sai vì thao tác bằng tay. Lỗi này hoàn toàn không do ý muốn chủ quan của con người.

Vì vậy, các doanh nghiệp logistics cho rằng, Nghị định 128/2020/NĐ- CP quy định mức phạt từ 5-10 triệu đồng cho một hành vi khai báo muộn, hoặc khai sai số lượng như vậy là quá cao so với lỗi nhỏ không cố ý của người lao động, chưa kể lỗi này còn do trục trặc hệ thống khiến người khai nhiều khi bị phạt “oan”. Đây là điều rất bất hợp lý nếu so với thông lệ quốc tế. Thậm chí, so với các nước phát triển như Nhật Bản, mức phạt này của Việt Nam cao gấp gần 10 - 20 lần mức trong khi GDP thu nhập bình quân trên đầu người còn thua xa GDP nước Nhật.

Lao động túng quẫn nghỉ việc, doanh nghiệp khóc ròng

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp logistics, đối với việc khai báo này, họ đã thuê những người lao động có trình độ chuyên môn về khai báo chứng từ thực hiện. Những lỗi nhỏ do thao tác công việc, nhân viên chứng từ phải tự giải quyết và chịu trách nhiệm. Do vậy tiền phạt hành chính do khai báo thiếu hoặc sai vận đơn phần lớn do cá nhân chịu trách nhiệm chi trả. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ việc bị phạt nặng khi Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện Nghị định 128 sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi gián tiếp trừng phạt người lao động, khiến người lao động nghỉ việc ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

“Mức lương trung bình doanh nghiệp chúng tôi trả cho nhân viên chứng từ khoảng từ 6 đến 7 triệu đồng. Nghị định trên đi vào thực hiện thì vô tình đã đẩy người lao động vào hoàn cảnh túng quẫn. Với mức phạt mỗi lỗi sai 5-10 triệu đồng thì người lao động mất đi hơn một tháng lương, họ lấy gì để mưu sinh, để nuôi con ăn học trong thời buổi nạn dịch COVID-19 đang đẩy nền kinh tế toàn cầu suy thoái như hiện nay?”, Giám đốc một doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng bức xúc đặt câu hỏi.

Phản ánh về tình trạng này, đại diện một Hiệp hội nhóm DN ngành logistics tại Hải Phòng chia sẻ “chúng tôi thấy một số chủ doanh nghiệp và lãnh đạo công ty đang phải đối phó với việc nhân viên chứng từ xin thay đổi công việc, xin nghỉ việc vì mức phạt của Nghị định 128 liên quan đến việc khai báo vận đơn. Hơn nữa, mức phạt từ 5-10 triệu đồng cho một vận đơn gấp 10 đến 20 lần phí dịch vụ thu được của một lô hàng là rất bất hợp lý. Chúng tôi đồng ý với chủ trương của Đảng và nhà nước là tăng cường giám sát việc chống lậu để chống thất thu cho ngân sách nhà nước, nhưng tại sao cơ quan quản lý nhà nước không tăng cường việc giám sát một lô hàng ngay từ đầu nguồn xuất xứ, thẳng tay trừng trị những kẻ chủ mưu trong đường dây buôn lậu, mà lại đè doanh nghiệp giao nhận ra phạt vừa không đúng đối tượng, phạt oan mà lại chỉ phạt được phần ngọn, không giải quyết được triệt để việc đảm bảo quản lý nhà nước”, vị này bức xúc nêu vấn đề.

Để giải quyết tình trạng bất cập này, một lần nữa các doanh nghiệp logistics thống nhất đề xuất Tổng cục hải quan sớm cải thiện chất lượng hệ thống khai báo hải quan thông quan điện tử để đảm bảo vận hành thông suốt, tránh để xảy ra tình trạng thường xuyên lỗi mạng, tắc nghẽn trục trặc như hiện nay khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại do khai báo chậm, thậm chí là bị phạt oan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tha thiết nhắc lại kiến nghị Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý cần xem xét cân nhắc lại đối tượng chịu phạt cũng như mức phạt hiện nay tại Nghị định 128, đảm bảo đúng đối tượng và hợp lý, xem xét các tình tiết giảm nhẹ và những lỗi nhỏ không cố ý để có thể giảm thiểu việc phạt vi phạm hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

...

Doanh nghiệp logistics kiến nghị Thủ tướng xem xét lại Nghị định 128

Tại kiến nghị mới đây gửi tới Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) để tổng hợp báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp logistics thống nhất kiến nghị xem xét lại mức phạt đối với vi phạm do cá nhân thực hiện tại Nghị định 128 để phù hợp với thu nhập của người lao động hiện nay, đồng thời có văn bản hướng dẫn chi tiết cho cán bộ Hải quan ở tất cả các Chi cục Hải quan thống nhất khi thực thi các quy định tại Nghị định 128, và có góc nhìn hợp lý về hành vi vô tình hay cố ý để có mức xử phạt hợp lý.

Theo đánh giá của Ban 4, các vấn đề bất cập của công tác Hải quan và Kiểm tra chuyên ngành, qua phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, hiện đang nằm cả ở khâu quy định lẫn thực thi. Về mặt quy định, còn có sự chồng chéo hoặc thiếu hụt các hướng dẫn rõ ràng dẫn tới quá trình áp dụng trong thực tiễn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và các bên liên quan. Về mặt thực thi, cũng vẫn còn những hiện tượng có yếu tố “lạm dụng quy định để gây khó” hoặc sự cứng nhắc trong quá trình xử lý thủ tục hành chính, đẩy rủi ro cho doanh nghiệp.