Biến tướng trong cắt giảm ĐKKD: Các bộ “chia phần” quản lý, gây khó cho DN!
Đó là thông tin được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố tại Hội thảo Môi trường Kinh doanh Việt Nam 2016 - 2019 qua xếp hạng Doing Business: Kết quả và một số gợi ý cải cách.
Toàn cảnh Hội thảo
Tăng điểm, nhưng lại tụt bậc: Vì sao?
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất nỗ lực cải cách và quyết liệt thúc đẩy cải cách, nhưng thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều dù điểm số có tăng.
Cụ thể, theo bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh của WEF, năm 2019, Việt Nam tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67), là nước có tốc độ cải thiện ấn tượng nhất.
Thế nhưng theo bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của WB, Việt Nam đạt 69,8 điểm trên 100, cao hơn năm ngoái (68,6), nhưng lại tụt một bậc xuống thứ 70 trên 190 nền kinh tế được khảo sát.
Báo cáo rõ ràng hơn, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, giai đoạn 2016-2019, Việt Nam cải cách tích cực nhất là vào năm 2017, với điểm số tăng rất mạnh, nhưng từ năm 2018 và 2019 thì điểm số tăng chậm lại và thứ hạng giảm mỗi năm 1 bậc.
Điều đáng quan ngại là số cải cách lại đang giảm dần. Năm 2017 được đánh giá là thành công nhất với 05 chỉ số được ghi nhận cải cách, gồm: Tiếp cận điện năng, Tiếp cận tín dụng, Nộp thuế và BHXH, Giao dịch thương mại qua biên giới, Giải quyết tranh chấp hợp đồng (nhờ thực thi Bộ luật tố tụng dân sự và áp dụng hoà giải tự nguyện).
Năm 2018, chỉ số được ghi nhận cải cách giảm còn 3 với: Khởi sự kinh doanh, Nộp thuế và BHXH, Giải quyết tranh chấp hợp đồng (nhờ công khai bản án).
Thế nhưng, năm 2019, Việt Nam chỉ có 02 chỉ số được ghi nhận cải cách (gồm Nộp thuế và Tiếp cận tín dụng), và đây cũng là 02 trong 03 chỉ số tăng hạng (Chỉ số Giải quyết phá sản DN mặc dù giảm 0,1 điểm, nhưng tăng 11 bậc. Điều này có thể lý giải là do một số nước khác có bước lùi về chỉ số này).
Theo bà Thảo, sau 4 năm, hai lĩnh vực cải thiện vượt trội là tiếp cận điện tăng tăng 69 bậc (từ 96 lên 27), nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 58 bậc (từ 167 lên 109).
Ba chỉ số tăng hạng nhờ cải cách gồm tiếp cận tín dụng tăng 7 bậc, khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng 1 bậc. Trong đó, khởi sự kinh doanh và giải quyết tranh chấp hợp đồng còn nhiều dư địa cải cách.
Còn 1 chỉ số tăng hạng bởi các nước khác giảm bậc, đó là chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp.
“Lĩnh vực này trong nhiều năm không có cải cách, thời gian kéo dài, tỷ lệ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh thấp. Trong ASEAN, chỉ số này của Việt Nam chỉ đứng trên Lào”, bà Thảo cho biết.
Đặc biệt, có tới 4 chỉ số giảm bậc. Cụ thể, giao dịch qua biên giới giảm 11 bậc, bảo vệ cổ đông thiểu số giảm 10 bậc, đăng ký tài sản giảm 5 bậc, cấp phép xây dựng giảm 1 bậc.
Lý giải về việc giảm bậc này, bà Thảo cho biết việc cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu còn rất chậm và ngày càng có khoảng cách xa với các nước trong khu vực, mặc dù đã được chỉ đạo quyết liệt. Thậm chí, có những lĩnh vực còn tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp.
Về cấp phép xây dựng, còn có sự khác biệt lớn giữa quy định và thực thi. Theo bà Thảo, mặc dù thứ hạng chỉ số này tương đối tốt, nhưng thời gian cấp phép kéo dài và thực tế vẫn là trở ngại với doanh nghiệp.
Tính chung, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang đứng thứ 5 trong ASEAN và còn khoảng cách xa so với Singapore (xếp số 2), Malaysia (12) và Thái Lan (21).
Về năng lực cạnh tranh quốc gia theo xếp hạng của WEF, bà Thảo nhận định tuy năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện, thể hiện nỗ lực liên tục gần đây của Chính phủ, nhưng còn nhiều thách thức. Có tới 8/12 trụ cột có thứ hạng thấp hoặc rất thấp.
Đang có sự “chia phần quản lý” giữa các bộ, ngành
Bà Thảo cũng chỉ rõ, môi trường kinh doanh còn nhiều trở ngại. Ví dụ như trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không chỉ chậm cải cách mà ngày càng có khoảng cách so với các nước trong khu vực. Chưa kể, một số văn bản mới được ban hành đang đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất.
“Thậm chí có những văn bản mới được ban hành đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt, có xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự “chia phần quản lý” giữa các cơ quan quản lý nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Thảo thẳng thắn chỉ rõ.
Ví dụ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (nghị định 44/2016), trước đây các doanh nghiệp chỉ xin cấp phép tại đầu mối duy nhất là Bộ Lao động, thương binh và xã hội, nhưng bây giờ, các doanh nghiệp phải xin ở 9 bộ với cùng một nội dung công việc.
Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu… về kiểm định an toàn lao động giống nhau, nhưng các bộ không thừa nhận kết quả của nhau, vẫn yêu cầu doanh nghiệp tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. Chi phí đào tạo doanh nghiệp phải trả chính thức là khoảng 10 triệu đồng/người.
Một minh chứng khác cũng được bà Thảo đưa ra là Các thiết bị áp dụng cùng quy chuẩn, tiêu chuẩn (TCVN 4244:2005 và QCVN 7:2012), nhưng thẩm quyền của Bộ Xây dựng là “cần trục tháp,” thẩm quyền của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội là “ thiết bị nâng, các cẩu trục còn lại” và thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải là “các phương tiện, thiết bị xếp dỡ có yêu có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chuyên dùng trong cảng hàng không, cảng thủy, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy, phương tiện đường sắt.”
Về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, bà Thảo đánh giá, quá trình chậm cải cách, thậm chí có những văn bản đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất.
Ví dụ, trước đây, Bộ Lao động, thương binh và xã hội thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên sau khi Chính phủ yêu cầu các bộ rà soát, sửa đổi các quy định nhằm cắt giảm 50% danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành và quản lý danh mục các mặt hàng theo mã HS, thì Bộ Lao động thương binh và xã hội dường như “khai thác” cơ hội này để ban hành quy định về danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ với việc bổ sung danh mục nhiều hàng hóa (Thông tư 22/2018).
“Điều này là phản cải cách và đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng”, bà Thảo mạnh mẽ.
Một vấn đề khác được bà Thảo bức xúc chỉ ra, đó là tình trạng cắt giảm một cách hình thức, chạy theo thành tích trong cắt giảm kiểm tra chuyên ngành.
Cụ thể, như trường hợp của Bộ Công Thương. Ngày 29/3/2019, Bộ Công Thương ban hành quyết định số 765/QĐ-BCT về việc công bố danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Trong quyết định này, hàng trăm mặt hàng sắt thép và sản phẩm dệt may đã được liệt kê vào danh mục.
“Tuy vậy, nội dung trong quyết định này chỉ là không kiểm tra trong giai đoạn thông quan còn vẫn kiểm tra sau thông quan. Vậy, có hay không bệnh thành tích? Số liệu báo cáo sẽ là hàng trăm mặt hàng kiểm tra chuyên ngành được cắt bỏ”, bà Thảo đặt câu hỏi?
Những thủ tục “hậu đăng ký DN” cũng đang trở nên nhức nhối
Bên cạnh đó, đại diện của CIEM cũng chỉ rõ, chi phí không chính thức còn phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực, cùng một quy định chính sách nhưng cách thực thi khác nhau, có tình trạng tùy tiện trong áp dụng pháp luật và phần thua luôn thuộc về doanh nghiệp.
Ví dụ nghị định 15/2018, điểm 5, điều 13 nêu rõ các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó bao gồm “sản phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân”.
Tuy nhiên các lô hàng phi mậu dịch, hàng mẫu, đặc biệt là qua Chi cục hải quan CPN luôn bị yêu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm hoặc xác nhận miễn kiểm từ cơ quan quản lý chuyên ngành, trong khi ở các cửa khẩu khác như sân bay hoặc cảng biển không bị như vậy.
Một ví dụ khác là tất cả doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều phải chi trả chi phí không chính thức với mức cao cho các tổ chức kiểm định. Các tổ chức này thường yêu cầu doanh nghiệp phải chi ngoài với mức 25 – 30 đồng/kg gạo, tương đương 25 – 30 triệu đồng/tấn.
Đồng tình với báo cáo của CIEM, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khảo sát ý kiến từ phía doanh nghiệp cũng cho thấy, môi trường kinh doanh còn gặp nhiều phiền hà về thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, doanh nghiệp rất khó tiếp cận thông tin về quy hoạch và thiếu quỹ đất sạch.
“Những thủ tục “hậu đăng ký doanh nghiệp” cũng đang trở nên nhức nhối, khi mà 16% doanh nghiệp cho biết họ phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ các giấy tờ cần thiết để chính thức hoạt động, 31% doanh nghiệp tiết lộ phải trả chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp và 29% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật”, ông Tuấn nêu số liệu minh chứng.
Dẫn số liệu một khảo sát thực hiện năm 2018 cho thấy, chưa tới 50% doanh nghiệp cân nhắc sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, ông Tuấn chỉ rõ, niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp còn thấp.
TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ, hai từ khóa là giảm chi phí, giảm rủi ro và phía sau đó là giảm rào cản, tăng mức an toàn trong hoạt động kinh doanh. Nhưng nhìn vào hoạt động xây dựng luật pháp thì lại có tình trạng một cải cách, nhưng lại có hai ba điểm không cải cách khác kéo lại, ví dụ Bộ luật Lao động sửa đổi vẫn đang có những tranh cãi về việc tăng giờ làm thêm.
“Việc tăng giờ làm thêm sẽ giúp thị trường lao động linh hoạt hơn, người lao động vẫn có thể tự bảo vệ mình với sự hỗ trợ của nhà nước”, ông Cung nói và cho rằng, điều này cho thấy chúng ta vẫn chưa nhất quán trong các nỗ lực cải cách, các nỗ lực cải cách vẫn “trồi sụt” ở các lĩnh vực.
Với thực trạng trên, bà Thảo cho rằng, cải cách trước hết phải đến từ tư duy quản lý của các bộ, ngành, địa phương, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ.
“Rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua thực thi dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất, tránh hô hào, hình thức”, bà Thảo nhấn mạnh.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, ngành hải quan cần làm tốt hơn kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, cần nâng cao hiệu quả cổng thông tin một cửa quốc gia và cần đặt niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp…
Ở góc độ của cơ quan thuế, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục thuế cho biết, cần cải cách về thể chế, chính sách, thủ tục hành chính; thực hiện công khai minh bạch các thủ tục hành chính thuế, hỗ trợ người nộp thuế; tăng cường chấn chỉnh và giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ thuế; đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế./.
Bình luận