Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại với Anh và Bắc Ai-len
Theo Thông tư số 14/2021/TT-BCT, Bộ Công Thương quyết định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu dựa trên các thông tin sẵn có trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra kết luận rõ ràng rằng, việc áp dụng biện pháp không phù hợp với lợi ích kinh tế - xã hội.
Khi đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội, dựa trên các thông tin có liên quan được cung cấp, Cơ quan điều tra sẽ xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước, các nhà nhập khẩu, các hiệp hội có liên quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, tiêu dùng hàng hóa bị điều tra.
Bộ Công Thương cũng hướng dẫn, thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp không được cao hơn biên độ bán phá giá hoặc mức trợ cấp.
Căn cứ vào kết luận của Cơ quan điều tra, Bộ Công Thương sẽ xem xét áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thấp hơn biên độ bán phá giá hoặc mức trợ cấp nếu mức thuế thấp hơn này đủ để loại bỏ thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Về nguyên tắc áp dụng biện pháp tự vệ song phương, tại cùng một thời điểm, không áp dụng đồng thời biện pháp tự vệ song phương và biện pháp tự vệ theo quy định tại Điều XIX Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan 1994 đối với cùng một hàng hóa nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định UKVFTA.
Biện pháp tự vệ song phương không được áp dụng ngoài giai đoạn chuyển tiếp, trừ trường hợp có sự thống nhất với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Doanh nghiệp cần coi phòng vệ thương mại là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu |
Năm 2020, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp. |
Việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ song phương đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len phải phù hợp với các quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật Việt Nam về phòng vệ thương mại.
Bộ Công Thương cũng cho biết, thời hạn điều tra áp dụng biện pháp tự vệ song phương là 01 năm kể từ ngày Quyết định điều tra được ban hành.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ song phương khi kết luận điều tra của Cơ quan điều tra có các nội dung sau đây:
a) Có sự gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối của hàng hoá nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định UKVFTA so với khối lượng, số lượng của hàng hóa tương tự và hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;
b) Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa thiệt hại nghiêm trọng;
c) Việc gia tăng nhập khẩu quy định tại điểm a khoản này là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước.
Các biện pháp tự vệ song phương được áp dụng gồm:
a) Đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định của Hiệp định UKVFTA; hoặc
b) Tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất thuế nhập khẩu cơ sở quy định tại các biểu thuế tại Phụ lục 2-A (Xoá bỏ thuế hải quan) theo Điều 2.7 (Giảm hoặc xoá bỏ thuế hải quan với hàng nhập khẩu) của Hiệp định EVFTA (đã được đưa vào Phần 2 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn Hiệp định EVFTA trong Hiệp định UKVFTA), tùy mức thuế suất thuế nhập khẩu nào thấp hơn.
Thông tư này cũng quy định, thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ song phương không được vượt quá 02 năm. Trong trường hợp Cơ quan điều tra kết luận răng cần tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ song phương để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước, thời hạn áp dụng có thể được kéo dài thêm tối đa 02 năm.
Trong trường hợp thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ song phương dài hơn 02 năm, biện pháp tự vệ song phương phải được giảm dần mức độ trong suốt quá trình áp dụng biện pháp.
Sau khi hết thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ song phương, mức thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng hóa liên quan thực hiện theo quy định của Hiệp định UKVFTA có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ song phương đó.
Năm 2020, công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam được triển khai toàn diện, đạt kết quả nổi bật, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng với việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng nhanh, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay với 37 vụ việc, tăng 2,3 lần so với năm 2019.
Nhờ đó, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp (kể cả đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản), duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Ca-na-đa… Công tác áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước cũng được chú trọng đẩy mạnh, đặc biệt đối với một số mặt hàng có ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người nông dân như mía đường, sorbitol…/.
Bình luận