Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Luật Phòng, chống thiên tai được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, ngày 19/06/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2014. Luật đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước và từng địa phương trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, qua thời gian thi hành Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thiên tai hiện nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi, bổ sung 3 đạo luật

Bên cạnh đó, Luật Đê điều được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, khoá XI ngày 29/11/2006. Trong suốt 10 năm từ khi Luật được ban hành chưa địa phương nào để xảy ra vỡ một tuyến đê sông, đê biển quan trọng, mặt khác hệ thống đê điều ngày càng được củng cố nâng cấp, nhờ đó tính mạng, tài sản của nhân dân, của nhà nước được an toàn; môi trường được bảo vệ tốt, góp phần bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, một số quy định tại Luật Đê điều trong quá trình thực hiện nảy sinh vướng mắc gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Luật Thủy lợi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, khoá XIV ngày 19/06/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, thay thế Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001. Liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật Thủy lợi quy định 4 điều về quy hoạch thủy lợi và một số nội dung liên quan đến quy hoạch thủy lợi gồm: Điều 11 Quy hoạch thủy lợi; Điều 12 Nguyên tắc lập quy hoạch thủy lợi; Điều 13 Nội dung quy hoạch thủy lợi; Điều 14 Lập, phê duyệt, điều chỉnh, công bố, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch thủy lợi và Điều 57 Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Để đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch, cần sửa đổi, bổ sung 1 số điều của 3 luật trên nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý phòng, chống thiên tai, đê điều, thủy lợi thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với quy hoạch tổng thể, đồng thời không để phát sinh khoảng trống về pháp lý trong công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai, đê điều, thủy lợi.

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi một số điều của 3 luật. Cụ thể là:

Tại Điều 1 dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật Phòng, chống thiên tai như sau: Bổ sung 2 Điều về quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi quốc gia; quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai; nội dung quy hoạch; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với Luật Quy hoạch; sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại 13 Điều để khắc phục vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai.

Tại Điều 2 dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các nội dung của Luật Đê điều như sau: Sửa tên phù hợp với Luật Quy hoạch; sửa nội dung liên quan đến thẩm quyền lập, phê duyệt, thời hạn, hình thức công bố quy hoạch phù hợp với Luật Quy hoạch; sửa tên cơ quan (Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) phù hợp với Luật Phòng, chống thiên tai; sửa đổi, bổ sung nội dung để khắc phục vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Đê điều; sửa 1 Điều về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Tại Điều 3 dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các nội dung của Luật Thủy lợi như sau: Sửa đổi 5 Điều quy định về quy hoạch thủy lợi, nguyên tắc lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, lập, phê duyệt, điều chỉnh, công bố, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch thủy lợi; bãi bỏ điểm a, khoản 2, Điều 14./.