Bộ trưởng Bộ KH&ĐT giải trình về những điểm chưa rõ trong Luật Hỗ trợ DNNVV
Chính sách hỗ trợ được thiết kế dựa trên nhu cầu của DNNVV
Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các chính sách hỗ trợ DNNVV được đề xuất trong Dự thảo Luật là được thiết kế dựa trên nhu cầu của các DNNVV, chứ không phải là “có gì thì hỗ trợ nấy”.
“Chúng tôi đã khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc, các tồn tại, hạn chế hiện nay; tại sao các doanh nghiệp của ta không lớn lên được, tại sao không thành lập được, thành lập lên rồi tại sao hoạt động khó khăn… Những nhu cầu đó được tổng hợp và khái quát hóa lên thành những nội dung, và chúng tôi đã đưa vào thành 7 nội dung hỗ trợ chung và 3 nội dung hỗ trợ có mục tiêu. Tinh thần lần này là hỗ trợ dựa trên xác định nhu cầu của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu trước Quốc hội |
Về 7 nội dung hỗ trợ chung trong Dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tinh thần chung là sẽ hỗ trợ cho các tổ chức trung gian để từ đó hỗ trợ lại cho các DNNVV, chứ không phải là hỗ trợ trực tiếp cho các DN, bằng ngân sách hay bằng các hình thức khác.Cũng theo Bộ trưởng, thì Dự thảo Luật chính là một sự “chuyển hóa” tinh thần xây dựng một Nhà nước kiến tạo, tức là đã chuyển doanh nghiệp từ đối tượng quản lý thành đối tượng phục vụ, để đồng hành cùng phát triển.
“Thế nên tất cả các DNNVV nếu đáp ứng được các điều kiện, các tiêu chí thì đều được sử dụng các hỗ trợ trung gian này, trừ 3 nội dung hỗ trợ có mục tiêu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định hỗ trợ ưu đãi thuế chưa được đề cập cụ thể trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, Dự thảo Luật sẽ không quy định các mức thuế cụ thể, mà chỉ đưa nguyên tắc chung là sẽ “thấp hơn mức thuế phổ thông quy định tại luật thuế”.
“Tinh thần chung là sẽ kiến nghị để sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó sẽ quy định các DNNVV sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Băn khoăn về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khoản 1, Điều 4 của dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định: doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí: Tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng; Doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) cho rằng, tiêu chí nguồn vốn chưa thể hiện được kết quả hoạt động cuối và không phản ánh thực chất việc phân loại doanh nghiệp, vì vậy không nên đưa ra tiêu chí tổng nguồn vốn để chọn.
Đại biểu Cao Thị Giang lấy ví dụ, có một số doanh nghiệp vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng, nhưng tổng vốn huy động để sản xuất, kinh doanh nhỏ hơn 100 tỷ đồng nên doanh nghiệp phải vay thêm vốn ngân hàng để hoạt động.
“Như vậy, chỉ tiêu này luôn biến động theo nguồn vốn vay ngân hàng. Do đó, đề nghị nên bỏ tiêu chí tổng nguồn vốn. Ngoài tiêu chí lao động, thì chỉ nên xác định thêm tiêu chí doanh thu là phù hợp”, đại biểu nêu quan điểm.
Quang cảnh buổi họp |
Còn theo ý kiến của đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh), tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng là chưa thực sự phù hợp.
Đại biểu này giải thích, quy mô vốn của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực có sự khác nhau, nên rất nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ với tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng, doanh thu trên 300 tỷ đồng vẫn có thể được coi là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Hơn nữa, với sự thay đổi và diễn biến khó lường của nền kinh tế hiện nay, việc quy định cứng các tiêu chí về tài chính trong luật sẽ khiến Chính phủ gặp khó khăn, khi cần hỗ trợ các DN Việt Nam hoạt động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đang có quy mô nhỏ và vừa so với quốc tế. Đặc biệt là sự hỗ trợ về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, đại biểu Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng cho rằng, dự thảo Luật quy định tiêu chí về doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lao động bình quân của năm trước liền kề và đáp ứng một trong 2 tiêu chí tổng nguồn vốn của năm liền kề hoặc doanh thu của năm liền kề. Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu rất thấp, chủ yếu là vốn vay, vốn huy động khác, từ đó sẽ mang tính rủi ro rất cao trong sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, quy mô vốn từng lĩnh vực có khác nhau ở các lĩnh vực như nông nghiệp sẽ khác với xây dựng cũng như dịch vụ. Do đó, tiêu chí xác định nên quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quy định tổng vốn đầu tư của năm liền kề không quá 100 tỷ đồng, cần quy định thêm vốn sở hữu chiếm ít nhất là 30%. Đồng thời tiêu chí lao động, tổng nguồn vốn hoặc doanh thu của năm liền kề, nên quy định theo từng lĩnh vực khác nhau.
Giải trình, tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại Hội trường, thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định thống nhất tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 3 tiêu chí là lao động, nguồn vốn và doanh thu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các tiêu chí này cũng đã trải qua quá trình được nghiên cứu, phù hợp với thông lệ, các chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Có quá nhiều loại quỹ trong Luật
Một nội dung khác cũng được thảo luận sôi nổi trong phiên họp chiều nay, đó là về các loại quỹ trong dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,
Góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, dự thảo này có tới 3 loại quỹ: Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là quá nhiều.
“Quy định như vậy liệu có nhiều quá không? Vì lập quỹ liên quan đến tổ chức bộ máy hoạt động, trong điều kiện cải các thủ tục hành chính như hiện nay cần cân nhắc, xem xét”, đại biểu Tô Văn Tám nêu quan điểm.
Đại biểu Tô Văn Tám cũng đặt vấn đề, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 9) do UBND cấp tỉnh thành lập, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 20) do Chính phủ thành lập. Vậy Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (Điều 18) cũng cần quy định rõ chủ thể thành lập, quản lý, hoạt động ra sao...
Bên cạnh đó, tại Khoản 3, Điều 18 quy định: UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định tham gia vào Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Nhưng, theo Khoản 2 điều này thì vốn của Quỹ được hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư tư nhân. Vậy Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là một loại quỹ hay hai loại quỹ?
Đại biểu Tô Văn Tám cũng đề nghị làm rõ hơn quy định về việc cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vụ trang không được tham gia góp vốn vào Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Góp ý sâu hơn về Quỹ bảo lãnh tín dụng, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 9 không có gì ưu đãi hơn quy định hiện hành.
“Trên thực tế, chính sách bảo lãnh tín dụng không khả thi, thậm chí phức tạp hơn việc gõ cửa các tổ chức tín dụng, bởi vì có rất nhiều quy định, rất nhiều yêu cầu làm khó doanh nghiệp”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh. Theo đó, đại biểu này đề xuất nên xem xét bỏ bớt điều kiện như tài sản đảm bảo.
Giải trình trước quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, tại bản dự thảo đầu tiên, Luật đã đưa vào 4 loại quỹ hỗ trợ, tuy nhiên sau khi tiếp thu ý kiến từ các đại biểu thì đã rút xuống chỉ còn 3 quỹ, trong đó 2 quỹ đang hoạt động. "Thực chất chỉ bổ sung 1 quỹ mới là đầu tư khởi nghiệp sáng tạo", Bộ trưởng Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Dũng, trong bối cảnh cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo đang được khuyến khích như hiện nay, thì việc có thêm quỹ khởi nghiệp sáng tạo là rất cần thiết.
"Quỹ này sẽ tạo thêm kênh cấp vốn, tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng như các quỹ hỗ trợ", Bộ trưởng Dũng nói và tha thiết "3 quỹ là phù hợp, xin Quốc hội chấp thuận cho".
Các quy định hỗ trợ còn chung chung
Thảo luận về các hỗ trợ trong dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, quy định hỗ trợ về thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong dự thảo Luật còn mang tính hình thức, chưa dẫn chiếu đến các quy định liên quan, nên thiếu khả thi trong thực tế. Bên cạnh đó, nội dung liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo còn chung chung, dẫn đến cách hiểu không thống nhất, thiếu tính minh bạch.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho biết, dự thảo Luật quy định về điều kiện hỗ trợ, nhưng không nói rõ về trình tự, thủ tục, cơ quan nào có thẩm quyền quyết định doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ. Bên cạnh đó, đối với chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, để dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khả thi cần sửa đổi các Luật về đất đai, thuế và những quy định có liên quan.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Dũng cho biết, hiện có hai luồng ý kiến là: (1) ủng hộ luật khung, vì cho rằng Luật quy định chi tiết sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của Luật; (2) ủng hộ là luật chi tiết vì cho rằng dự thảo còn chung chung.
“Nếu là luật khung thì tùy thuộc vào tình hình thực tế, mục tiêu hỗ trợ trong từng thời kỳ và nguồn lực của ngân sách nhà nước, Chính phủ sẽ linh hoạt hơn và sẽ có những quy định phù hợp hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Luật còn 7 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, như về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc diện được hưởng hỗ trợ, 3 nội dung quy định về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của 3 quỹ… Điều này là nhằm bảo đảm linh hoạt phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế từng thời kỳ. Luật chỉ đưa ra những quy định khung và nguyên tắc để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.
"Cũng chính vì lý do này, cùng với việc trình thông qua Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ có 4 nghị định được ban hành kèm theo. Và Luật sẽ đi vào cuộc sống bằng các nghị định của Chính phủ", Bộ trưởng Dũng thông tin.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi đọc báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật cũng khẳng định, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thiết kế theo hướng những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp mà các luật khác đã quy định thì luật này chỉ quy định nguyên tắc chung hoặc dẫn chiếu để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.
“Nội dung của Luật mang tính khung chính sách và để triển khai thực hiện sẽ cần tiếp tục quy định cụ thể hoá trong văn bản hướng dẫn thi hành. Một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng quy định theo hướng như vậy. Không quốc gia nào có Luật quy định chi tiết toàn bộ nội dung cụ thể về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, đối với Việt Nam, lần đầu tiên ban hành luật hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thể quy định cụ thể toàn bộ nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cần phải có các văn bản hướng dẫn dưới luật. Trong điều kiện cho phép có thể từng bước pháp điển hóa những văn bản này như kinh nghiệm của các nước.
Thêm nữa, theo ông Thanh, để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, Luật này chỉ nêu nguyên tắc, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc hỗ trợ cụ thể sẽ do các luật khác quy định. So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu bỏ các quy định liên quan có thể dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo hoặc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đấu thầu, các luật về khoa học công nghệ.../.
Bình luận