Vẫn còn chồng chéo, trùng đối tượng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam

Tiếp tục Phiên họp thứ 36, ngày 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Đề cập về về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia (Điều 8a), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là một nội dung mới, quan trọng được đưa vào dự án Luật. Theo Tờ trình của Chính phủ, báo cáo tổng kết thi hành Luật về tiêu chuẩn hóa quốc tế, có giá trị chiến lược trong chính sách kinh tế của mỗi quốc gia. Còn tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2018, Tiểu ban tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp, đã khuyến khích các quốc gia thành viên xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thời gian qua chưa được hoạch định và thực hiện một cách tổng thể, đủ tầm chiến lược. Các bộ, ngành hiện nay xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam theo kiểu thiếu đâu thì bù đó hoặc nếu có yêu cầu của Chính phủ, thì đưa vào kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam. Do đó, dẫn đến tình trạng có một số bộ đưa ra kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam bổ sung còn nhiều hơn kế hoạch tiêu chuẩn Việt Nam hàng năm...

Các bộ, ngành xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam theo kiểu thiếu đâu thì bù đó
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, đôi khi vẫn còn chồng chéo, trùng đối tượng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam

Từ bất cập trên, bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị làm rõ sự cần thiết ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và lý giải việc không ban hành chiến lược quy chuẩn là như thế nào. Bởi trong dự án Luật có xây dựng chiến lược về tiêu chuẩn hóa, nhưng chiến lược về quy chuẩn thì không đặt ra.

Khẳng định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế phục vụ cho nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tham gia vào hội nhập kinh tế, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có phản ánh là một số tiêu chuẩn chuẩn kỹ thuật Việt Nam vẫn còn có những quy định thiếu thống nhất, dẫn đến việc triển khai còn vướng mắc nhất định. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét bất cập này để có những sửa đổi kịp thời.

“Ngoài ra, khi xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam cũng phải phù hợp và dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, tránh việc xây dựng tốn kém về kinh phí và không thể áp dụng hiệu quả. Vì nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác cũng phải tuân theo quy chuẩn, quy định của nước đó đề ra.”, ông Thanh đề xuất.

4 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lưu ý

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của cơ quan thẩm tra; đồng thời lưu ý tập trung một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng. Bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, hội nhập quốc tế dựa trên nền tảng kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và mô hình quản trị thông minh, phục vụ tốt cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất và đời sống. Kiện toàn tổ chức hoạt động cơ quan Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; thống nhất, hiệu quả, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, giảm thiểu thủ tục hành chính.

Các bộ, ngành xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam theo kiểu thiếu đâu thì bù đó
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra chính thức dự án Luật, để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Hai là, tiếp tục rà soát phạm vi sửa đổi và để xử lý triệt để các bất cập hiện nay. Tiếp tục đánh giá đầy đủ tác động của việc thực hiện các cam kết quốc tế, cụ thể thêm các quy định để đáp ứng các cam kết quốc tế về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quy định về nghĩa vụ minh bạch hóa trong các hiệp định. Rà soát kỹ sự cần thiết, tính cụ thể, rõ ràng và sự phù hợp, thống nhất với các luật khác đối với các khái niệm giải thích từ ngữ bổ sung thêm cho với luật hiện hành. Nghiên cứu thêm về bảo vệ, bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật để quy định cho phù hợp và chặt chẽ. Nghiên cứu, cụ thể hóa tối đa các chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Hoàn thiện các quy định về chiến lược, tiêu chuẩn quốc gia và kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế khai thác, cơ sở dữ liệu, cơ chế phân cấp trong xây dựng, khai thác và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Ba là, nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung theo ý kiến của cơ quan thẩm tra về trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia về việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Căn cứ xây dựng Tiêu chuẩn, ban hành kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia xây dựng áp dụng tiêu chuẩn cơ sở của cơ quan Nhà nước và của doanh nghiệp. Xuất bản, phát hành tiêu chuẩn xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương; lập báo cáo đánh giá tác dụng xây dựng, quy chuẩn Việt Nam, các quy định về xã hội hóa hoạt động xây dựng phổ biến áp dụng tiêu chuẩn. Quy định đánh giá sự phù hợp, phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước đảm bảo nguồn lực cho hoạt động, lĩnh vực về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các nội dung khác nêu trong báo cáo thẩm tra và lưu ý tránh phát sinh chi phí, xung đột lợi ích, quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn.

Bốn là, tiếp tục rà soát để đảm bảo thống nhất trong nội tại của Luật và xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là 4 bộ luật và 98 luật có liên quan, trong đó có Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Khoa học công nghệ; Luật Cạnh tranh; Luật Đầu tư; Luật Ngân sách nhà nước và các luật đang trình Quốc hội sửa đổi như: Luật Điện lực; Luật Dược; Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Phòng không nhân dân. Cụ thể hóa tối đa trong những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức thêm các hội thảo, tham khảo ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội.../.