Đây là nội dung được công bố tại tọa đàm Thúc đẩy việc làm bền vững tại các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam do Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 31/01/2018 tại Hà Nội.

80% doanh nghiệp khó khăn khi tuyển dụng lao động kỹ thuật

Những năm gần đâu, ngành công nghiệp điện tử đã phát triển nhanh trở thành một trong những ngành quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam. Nếu như năm 2006 chỉ có 307 doanh nghiệp thì đến năm 2015, năm 2015 đã tăng lên 1.165 doanh nghiệp. Trong đó, quy mô doan nghiệp nhỏ (từ 10-200 lao động) chiếm tỷ lệ cao nhất, còn doanh nghiệp quy mô lớn (trên 300 lao động) đang có xu hướng tăng.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử tăng mạnh từ 7,4% năm 2011 lên 32,5% năm 2015. Sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.

Ông Vinh nhấn mạnh, đây là ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 22,9 tỷ USD vào năm 2012 lên hơn 71 tỷ USD năm 2017, gấp 2,5 lần dệt may và gấp gần 5 lần da giày. Tuy nhiên, 95% kim ngạch xuất khẩu điện tử Việt Nam là nhờ các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI cũng vượt trội về công nghệ và quy mô lao động, bình quân một doanh nghiệp FDI có 807 lao động, doanh nghiệp nhà nước là 212 lao động, trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ có 25 lao động”.

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Chử Thị Lân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Điều kiện lao động (Viện Khoa học Lao độ và Xã hội) cho biết, số người lao động làm việc trong các doanh nghiệp điện tử trong những năm qua cũng tăng nhanh. Cụ thể, nếu năm 2009 chỉ có 141.780 người, thì đến năm 2016 đã tăng lên 453.181 người. Trong đó có nhiều lao động nữ và lao động trẻ dưới 35 tuổi.

Đáng chú ý, trình độ chuyên môn kỹ thuật của các lao động làm việc trong các doanh nghiệp điện tử không cao, 68,75% chưa có bằng cấp, chứng chỉ. Ở các doanh nghiệp FDI, thì tỷ lệ này là 70.11%.

Lao động trong ngành điện tử chủ yếu làm việc trong nhóm nghề thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị là 57,11%; thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ thuật khác chiếm 18,9%; lao động có chuyên môn kỹ thuật bậc cao và bậc trung chỉ chiếm 11,05%. Đáng lưu ý, một hiện tượng khá phổ biến trong ngành điện tử là người lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm các công việc giản đơn.

Cùng với đó, hiện tại có đến 80% doanh nghiệp điện tử gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động kỹ thuật. Phần lớn là lao động làm nghề vận hành máy móc, thiết bị trong đó có khoảng 76% không có bằng cấp, chứng chỉ.

100% doanh nghiệp điện tử có làm thêm giờ

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Lân cho biết, qua khảo sát khoảng 80% lao động đang làm việc trong nghành điện tử tham gia làm thêm giờ.

Liên quan đến việc làm thêm giờ, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2017, qua thanh tra tại 216 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, phát hiện 1.794 sai phạm. Như vậy, bình quân là 8,3 sai phạm/doanh nghiệp. Trong đó, đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 27 doanh nghiệp và báo cáo người có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt hành chính. Tổng số tiền xử phạt hành chính là hơn 1,4 tỷ đồng (Trung ương xử phạt 401,5 triệu đồng, các địa phương xử phạt hơn 1 tỷ đồng).

Khoảng 80% doanh nghiệp khó khăn khi tuyển dụng lao động kỹ thuật

Ông Tùng cho biết thêm, qua thanh tra đã phát hiện 100% doanh nghiệp có làm thêm giờ, trong đó có khoảng hơn 60% doanh nghiệp vi phạm quy định về làm thêm giờ. Cùng với việc làm thêm quá thời gian quy định, các chế độ làm thêm giờ tại nhiều doanh nghiệp chưa được thực hiện đầy đủ, như: Trả lương không đủ hay chế độ ăn ca chưa đảm bảo..., khiến nhiều lao động bị kiệt sức, do đó chủ sử dụng lao động cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.

Ngoài ra, ông Tùng đã thẳng thắn chỉ ra các phạm gặp nhiều nhất trong quá trình thanh tra tại các doanh nghiệp điện tử là nội dung hợp đồng không đảm bảo quy định, chưa thể hiện được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động, với 132 doanh nghiệp vi phạm; huy động người lao động làm thêm giờ quá thời gian quy định với 130 doanh nghiệp vi phạm…

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trên, ông Tùng nhận định, nguyên nhân của những sai phạm trên có thể kể đến là do người sử dụng lao động, người lao động chưa nhận thức hết được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện pháp luật lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; Trình độ chuyên môn của cán bộ nhân sự, cán bộ về an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế, nhiều cán bộ an toàn vệ sinh lao động cho rằng, môi trường làm việc trong lĩnh vực điện tử là sạch, không có nguy cơ nào gây mất an toàn vệ sinh lao động…

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của cán bộ nhân sự, cán bộ an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế; Người sử dụng lao động không thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động để giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, chế tài xử lý vi phạm hành chính của cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa đủ sức răn đe.

Thúc đẩy việc làm bền vững tại các doanh nghiệp điện tử

Theo ông Đào Quang Vinh, trong những năm qua, làn sóng công nghệ mới đã và đang có những tác động nhanh và mạnh đến các doang nghiệp trong ngành điện tử trên nhiều phương diện, như: đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, thu hút nhân lực chất lượng cao... qua đó đã có những ảnh hưởng nhất định đến người lao động.

Chính vì vậy, phát trền bền vững đã trở thành chiến lược hàng đầu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đầu tư phát triển sản xuất, thì đảm bảo việc làm bền vững là nội dung quan trọng không thể bỏ qua. Bởi, việc làm bền vững chính là những khát vọng của con người trong cuộc sống.

Ông Vinh dẫn chứng, Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO ), việc làm bền vững bao gồm 06 nội dung, gồm: Cơ hội có việc làm: Sự cần thiết phải bảo đàm khả năng có việc làm cho tất cả người lao động có nhu cầu làm việc; Người lao động được làm việc trong điều kiện tự do: Người lao động không bị ép buộc làm việc, nếu như họ không muốn; Việc làm có năng suất: Nhằm có được thu nhập, bảo đảm mức sống có thể chấp nhận được trong điều kiện cụ thể; Được bình đẳng trong công việc: Mọi người đều được đối xử như nhau trong công việc, không phân biệt màu da, sắc tộc, giới tính; An toàn tại nơi làm việc: Người lao động được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động...; Được bảo đảm nhân phẩm tại nơi làm việc: Người lao động được tôn trọng, được tham gia vào các quá trình ra quyết định liên quan đến tiền lương, điều kiện lao động tại nơi làm việc…

Bổ sung quan điểm, bà Chử Thị Lân, cho rằng, các doanh nghiệp điện tử cần thực hành trách nhiệm xã hội doanh nghiệp về lao động bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn lao động và thực thi pháp luật lao động để góp phần thúc đẩy việc làm bền vững. Cụ thể, các doanh nghiệp điện tử cần loại bỏ sử dụng lao động cưỡng bức, lao động trẻ em; đảm bảo an ninh việc làm, việc làm ổn định tránh sa thải tùy tiện lao động sau 35 tuổi; chống phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp; tham gia đào tạo phát triển kỹ năng nhất là kỹ năng phù hợp với kỷ nguyên công nghệ mới; đảm bảo tiền lương, phúc lợi cho người lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa./.

Những sai phạm thường gặp tại các doanh nghiệp điện tử

- Nội dung hợp đồng không đảm bảo quy định, chưa thể hiện được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động (132 doanh nghiệp vi phạm).

- Không thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 03 tháng/lần (92 doanh nghiệp).

- Huy động người lao động làm thêm giờ quá thời gian quy định (130 doanh nghiệp).

- Không thống kê số lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (54 doanh nghiệp).

- Không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động hoặc huấn luyện không đầy đủ (74 doanh nghiệp).

- Không lập kế hoạch an toàn vệ sinh lao động hoặc xây dựng không đầy đủ nội dung (56 doanh nghiệp).

- Không quan trắc môi trường lao động (50 doanh nghiệp).

- Không xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động phù hợp với từng loại máy, thiết bị, nơi làm việc (49 doanh nghiệp).

- Không khám sức khỏe cho người lao động (44 doanh nghiệp).

- Không đặt bảng chỉ dẫn về an toàn vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc (47 doanh nghiệp).

- Không xây dựng thang lương, bảng lương (31 doanh nghiệp).