Cải cách thủ tục gia nhập thị trường của hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh là một mô hình kinh doanh dành riêng cho các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. |
Hộ kinh doanh là gì và những hoạt động kinh doanh nào phải đăng ký kinh doanh?
Hộ kinh doanh là một mô hình kinh doanh dành riêng cho các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. Theo định nghĩa hướng dẫn tại khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”
Tuy nhiên, pháp luật cũng nêu rõ, không phải bất kỳ hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ nào cũng cần thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thì “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương”.
Thủ tục gia nhập thị trường đối với hộ kinh doanh vẫn còn vướng mắc
Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 87 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP: “Đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh”. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Có thể thấy, quy trình thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo quy định được đánh giá là khá đơn giản, tuy nhiên, có một vướng mắc cơ bản là thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế vẫn phải thực hiện riêng rẽ, không có sự liên thông, phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Về việc cấp đăng ký kinh doanh, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp giao cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện) thực hiện việc cấp đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh. Theo đó, hộ kinh doanh nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Mã số đăng ký hộ kinh doanh do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp theo cấu trúc được quy định tại Nghị định này. Hiện nay, việc cấp đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh được thực hiện hoàn toàn thủ công. Do vậy, việc quản lý, lưu trữ hồ sơ thông tin về hộ kinh doanh còn nhiều bất cập, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và theo dõi hộ kinh doanh.
Về việc cấp đăng ký thuế, theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 33 Luật Quản lý thuế năm 2019, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ phải nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu tại cơ quan thuế (đối với hồ sơ điện tử: hộ kinh doanh khai, nộp trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đối với hồ sơ giấy: hộ kinh doanh nộp cho Chi cục Thuế) để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế. Mã số thuế cấp cho hộ kinh doanh là mã số thuế cấp cho cá nhân người đại diện hộ kinh doanh.
Có thể thấy, thủ tục gia nhập thị trường đối với hộ kinh doanh vẫn còn vướng mắc khi chưa có sự liên thông giữa các cơ quan, dẫn đến việc người dân vẫn phải đến nhiều đầu mối, hồ sơ, giấy tờ trùng lặp; việc đăng ký hộ kinh doanh hầu như chưa có sự ứng dụng công nghệ thông tin, nên chưa hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về hộ kinh doanh, từ đó, dẫn đến thiếu thông tin về khu vực này, gây khó khăn trong công tác quản lý và xây dựng các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.
Thủ tục gia nhập thị trường của hộ kinh doanh hiện nay chưa có những cải cách mang tính đột phá như lĩnh vực đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và hợp tác xã. Nguyên nhân là do chưa có sự liên thông, kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nên người dân vẫn phải đi lại liên hệ với nhiều cơ quan khác nhau để thực hiện thủ tục, hồ sơ, giấy tờ có những nội dung trùng lắp; hầu như chưa có sự ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ kinh doanh, chưa hình thành cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, dẫn đến sự thiếu thống nhất trong các số liệu về khu vực này, tạo nên những khó khăn trong công tác quản lý và xây dựng các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.
Cải cách bắt đầu từ bước đầu tiên là gia nhập thị trường
Để hỗ trợ sự phát triển của hộ kinh doanh, một khu vực kinh tế năng động và quan trọng trong nền kinh tế, Nhà nước cần tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch và công bằng cho hộ kinh doanh, bắt đầu từ bước đầu tiên là gia nhập thị trường. Theo đó, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cần được nghiên cứu, cải thiện theo hướng minh bạch hóa, đơn giản hóa, nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước và phục vụ công tác tổng hợp thông tin để xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hộ kinh doanh trong quá trình gia nhập thị trường, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần xây dựng cơ chế phối hợp liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, với những nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, tổ chức một cơ quan là đầu mối duy nhất tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh. Theo đó, người có nhu cầu thành lập hộ kinh doanh chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại một cơ quan hành chính duy nhất là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện). Việc này giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, đồng thời giảm tải đáng kể công việc cho cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ hai, sử dụng một mẫu đơn hợp nhất để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Theo đó, người thành lập hộ kinh doanh chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ khi đăng ký hộ kinh doanh thay vì phải nộp 2 bộ hồ sơ (gồm: 1 bộ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và 1 bộ hồ sơ đăng ký thuế) như hiện nay. Điều này sẽ giúp loại bỏ những nội dung kê khai và giấy tờ trùng lặp hoặc không hợp lý.
Thứ ba, sử dụng một mã số chung duy nhất. Theo đó, sử dụng một mã số chung thống nhất để quản lý về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, gọi là mã số hộ kinh doanh. Mã số hộ kinh doanh sẽ được cấp duy nhất một lần khi hộ kinh doanh đăng ký thành lập và được duy trì cho đến khi chấm dứt hoạt động.
Thứ tư, hợp nhất Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế thành Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Theo đó, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh./.
Bình luận