Nhằm đánh giá tác động của cải cánh môi trường kinh doanh đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đề xuất các khuyến nghị, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, ngày 13/6, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với sự phối hợp và hỗ trợ của Chương trình Đối tác Chiến lược Australia – Nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2 tổ chức Tọa đàm “Thay đổi cách thức tiếp cận nhằm nâng cao hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh”.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua. Đó là một trong những giải pháp then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, muốn tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn cần tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh.

Đồng quan điểm, ông Đoàn Hồng Quang, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt nam cho rằng, môi trường kinh doanh là vấn đề then chốt, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh ở Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân, làm sao cho kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của phát triển kinh tế. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong cải cách môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, xếp hạng của Việt Nam trên trường quốc tế còn thấp. Chính vì vậy, Việt Nam cần thay đổi cách thức tiếp cận để tăng hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh, cũng như đưa ra những khuyến nghị, bằng chứng hỗ trợ soạn thảo văn kiện chiến lược của Việt Nam.

Trong nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về vấn đề biến khu vực tư nhân thành động lực tăng trưởng quan trọng ở Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu, bà Trần Thu Trang, Chuyên gia Kinh tế, Ngân hàng Thế giới cho biết, khu vực doanh nghiệp của Việt Nam đã mở rộng với tốc độ phát triển nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp của Việt Nam có thể sánh được với Mêhico và Canada, đồng thời, năng suất lao động cũng có nhiều cải thiện. Trong 10 năm trở lại đây, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng ở hầu hết các ngành kinh tế, trừ ngành dịch vụ. Tuy nhiên, bà Trang cho rằng, với xu hướng tích cực như vậy, nhưng tại sao sự tự tin của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cao? Xu hướng tăng trưởng đầu tư giảm, đầu tư thuần chậm lại ở tất cả các quy mô doanh nghiệp? Theo bà Trang, nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng tài chính và do sự đầu tư quá đà của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bổ sung thêm về kết quả nghiên cứu, bà Sylvia Solf, Chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới cho biết, so sánh môi trường pháp lý của Việt Nam với toàn cầu cho thấy, Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực trong những năm vừa qua. Xét về các chỉ số cạnh tranh toàn cầu, thì Việt Nam đạt trên mức trung bình. Những cải cách về môi trường pháp lý gần đây là nhằm mở cửa về thương mại và FDI, giảm chi phí kinh doanh, thúc đẩy tiếp cận tín dụng.

Tuy nhiên, bà Sylvia Solf cho rằng, môi trường pháp lý của Việt Nam vẫn còn những điểm cần cải thiện. Cụ thể, trong quản trị pháp lý còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Việt Nam vẫn còn những hạn chế, như: tham nhũng và hối lộ, thiếu minh bạch, chất lượng thể chế, hệ thống tư pháp, quản lý đất đai.

Do đó, bà Sylvia Solf khuyến nghị, Việt Nam cần tăng cường sự tham gia của các tỉnh trong quá trình cải cách; tăng cường sự tham gia của người dùng để tăng khả năng dự đoán và trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, đảm bảo sự phối hợp và thống nhất với các chương trình cải cách liên quan; xây dựng lộ trình để hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 2.0…/.