Cần gói hỗ trợ “to” cỡ nào cho hồi sinh kinh tế?
Nên tăng gói hỗ trợ tài khoá lên gấp đôi
Giữa tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, để chuẩn bị nội dung trình tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV (dự kiến tổ chức vào tháng 12 tới), trong đó có Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Liều lượng của gói hỗ trợ về tài khoá và tiền tệ ở mức nào là điều khiến các nhà hoạch định chính sách “đau đầu”, bởi cách nào tìm lời giải tối ưu trong thời gian ngắn, dư địa chính sách không còn nhiều?
Nhìn nhận các gói hỗ trợ tài khóa là rất cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, theo ADB, điều quan trọng là cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn. Gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới chưa đến 3% GDP, nên có thể nâng lên khoảng 5% - 7% GDP theo hướng đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi.
Theo ADB, trong ngắn hạn Việt Nam có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp thiết lập lại kỷ luật tài khóa, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. |
Liên quan đến hướng đi của dòng vốn ngân sách, ADB khuyến nghị Việt Nam, trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế, nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân và người lao động (đặc biệt là lao động tự do, lao động không chính thức); hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp, trong đó hướng vào các ngành lan tỏa và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về dài hạn, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững…
Từ bài học của các nước châu Á, ADB cho rằng, do khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19, mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, nên về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo, song vẫn cần có sự kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, để tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển.
Tổng hợp các gói hỗ trợ năm 2020 và kết quả thực hiện. Nguồn: Viện Đào tạo và Nghiên cứu của BIDV tổng hợp theo GDP đã điều chỉnh |
Bên cạnh gói hỗ trợ hiện tại, liên quan đến dư địa và triển vọng chính sách tài khoá trong năm 2022 và dài hạn, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm nghiên cứu ở Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng, về gói hỗ trợ tài khóa, cần xem xét một số chính sách gồm: (i) Giảm thuế giá trị gia tăng (khoảng 1-2%) nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước (trong năm 2022); (ii) Thúc đẩy bảo lãnh vay doanh nghiệp nhỏ và vừa qua các quỹ bảo lãnh vay vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương; (iii) Gói tín dụng hỗ trợ lãi suất (thấp hơn khoảng 2-3% so với lãi suất thị trường): điều kiện tiếp cận là các đối tượng đủ điều kiện tín dụng hoặc các đối tượng không đủ điều kiện tín dụng nhưng có khả năng phục hồi (cần lưu ý đây không phải là hạ mức chuẩn tín dụng) hoặc lĩnh vực ưu tiên phát triển thời gian tới (kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục…); (iv) Tiếp tục giảm một số loại thuế, phí như đã thực hiện năm 2021; (v) Hỗ trợ một phần chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (như giảm phí bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, hỗ trợ chi phí xét nghiệm…); (vi) Đầu tư nâng cao năng lực y tế; (vii) Thiết lập quỹ phòng chống dịch bệnh, tiến tới có quỹ khẩn cấp quốc gia; (vii) Tăng đầu tư cho giáo dục, đào tạo nghề, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo… Tổng các gói hỗ trợ này ước tính khoảng 400.000 tỷ đồng, ước thực chi khoảng 240.000 tỷ đồng (3% GDP); chưa kể phần hỗ trợ an sinh xã hội, phần tăng đầu tư cơ sở hạ tầng…
Cần sự hợp sức của các chính sách khác
Ngoài chính sách tài khoá và tiền tệ, theo ông Lực, cần triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khác như: xem xét giảm 10% tiền điện, cước viễn thông trong năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (hỗ trợ 50% chi phí tư vấn chiến lược, tư vấn triển khai chuyển đổi số, chi phí mua giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…); tài trợ (20-30%) cho các dự án nâng cấp đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo…
“Với các gói hỗ trợ trên, theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, nợ công/GDP chỉ tăng khoảng 1-2 điểm %, thâm hụt ngân sách/GDP tăng và có thể khoảng 5,5-6% GDP năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm khá nhanh khi kết thúc Chương trình phục hồi và kinh tế lấy lại đà tăng trưởng tích cực (6,5-7%) sau đó…”, ông Lực phân tích./.
Bình luận