Doanh nghiệp vận tải “oằn mình” gánh phí BOT

Đến thời điểm hiện tại, nước ta có 71 dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT với số tiền đầu tư lên tới vài trăm nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án BOT đã giúp rút ngắn thời gian đi lại của người dân, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí khấu hao phương tiện. Tuy nhiên, gần đây, việc bố trí một số trạm thu phí BOT còn chưa hợp lý, giá thu phí chưa phù hợp đã gặp phản ứng của người dân và đặc biệt là từ doanh nghiệp.

Các trạm BOT đang bủa vây doanh nghiệp vận tải

Ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Vận tải container Hoàng Hà cho biết, một chuyến xe container 30 tấn đi quãng đường Hà Nội - Hải Phòng mất 800.000 đồng phí nếu đi Quốc lộ 5, còn đi cao tốc là 1.200.000 đồng. Trong khi trước đây, một xe chỉ mất 320.000 đồng phí. Thực tế, phí đường bộ còn đắt hơn cả chi phí xăng dầu vì đi Hà Nội - Hải Phòng, xe container chỉ mất 700.000 đồng tiền dầu. Đồng thời, ông Ngọc cho rằng, doanh nghiệp đang không có quyền lựa chọn. Với mức phí cầu đường quá cao như hiện nay, doanh nghiệp buộc phải tăng cước vận tải trong khi Bộ Giao thông Vận tải lại chủ trương yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước (Phan Trang, 2016).

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, chủ Doanh nghiệp Vận tải Đức Anh ở Hải Phòng cho biết: Một năm doanh nghiệp này phải nộp khoảng 17 triệu đồng phí bảo trì đường bộ, cộng với phí đã được tính trên một lít xăng dầu, nay đi đến đâu lại phải trả phí BOT, nên doanh nghiệp vận tải hiện chỉ làm cầm chừng, đủ tiền trả lãi ngân hàng và nuôi lái xe. So với cách đây 5 năm, hiện giá cước tăng gấp đôi, tất cả các chi phí tăng rất nhiều ảnh hưởng cước vận tải, người dân phải chịu. Người làm vận tải thì phải có lãi, chỉ có lãi ít hay lãi nhiều (Mạnh Phương, 2016)

Xem xét lộ trình tăng phí BOT

Hiện nay, những đề xuất tăng phí đường bộ từ hầu hết các dự án BOT đều xuất phát từ lý do, mức chi phí đầu tư cao, trong khi thời gian thu phí ngắn khiến cho các doanh nghiệp này thu không đủ bù chi. Tuy nhiên, vấn đề minh bạch các khoản chi phí trong đầu tư lại được không nhiều các doanh nghiệp đề cập đến.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, chủ trương BOT là đúng, tuy nhiên, hiện nay xuất hiện nhiều bất hợp lý, như đường Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ nâng cấp, mở rộng lan can, thảm mặt đường chưa xong đã thu phí, vừa làm vừa thu là không đúng.

“Từ Hà Nội đi Thái Bình có 100 km mà có tới 4 trạm thu phí. BOT là tốt phải có kiểm soát từ khâu đầu, có đấu thầu kiểm soát của nhà nước, thậm chí quốc tế. Cần phải minh bạch hơn về chi phí mà các nhà đầu tư bỏ ra và khoản thu vào”, ông Liên kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề minh bạch hóa chi phí đầu tư các dự án BOT, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 04/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần khắc phục thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu, rà soát, đánh giá, minh bạch và công khai hóa chi phí đầu tư các dự án BOT, xác định mức phí và thời hạn thu phí theo hình thức BOT.

Bên cạnh đó, để giảm bớt các khoản phí đường bộ không cần thiết hiện nay, tại Hội nghị bàn giao quý 1, triển khai nhiệm vụ quý 2 của Bộ Giao thông Vận tải ngày 12/04/2016, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, Chính phủ nên xét lại giá lộ trình về tăng phí BOT. Hiện nay, ở một số tuyến vận tải ngắn, phí đường bộ đã cao hơn chi phí nhiên liệu, nên nó gây xáo trộn trong chi phí giá cước vận tải: “Đặc biệt xem xét khoảng cách các trạm BOT, tìm cách gom các trạm để cố gắng tiếp cận với quy định 70 km/trạm. Như hiện nay có tuyến đường Hà Nội – Thái Bình chỉ 100 km nhưng có đến 4 trạm thu phí là quá ngắn…”.

Tham khảo từ:

Phan Trang (2016). Phí BOT: Vấn đề nóng vào Nghị quyết của Chính phủ, truy cập từ http://canhtranhquocgia.vn/Box-canh-tranh/Phi-BOT-Van-de-nong-vao-Nghi-quyet-cua-Chinh-phu/253733.vgp

Mạnh Phương (2016). Doanh nghiệp vận tải đang phải 'oằn mình' vì phí BOT, truy cập từ http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-van-tai-dang-phai-oan-minh-vi-phi-bot-508055.vov