“Sân chơi” đầy hứa hẹn

Việc AEC chính thức được thành lập đánh dấu bước tiến quan trọng của ASEAN trên con đường tiến tới một thị trường duy nhất. Bước sang năm 2016, kinh tế ASEAN sẽ được tiếp thêm động lực mới, đồng thời tiềm năng của khu vực này cũng được bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết. AEC hướng tới mục tiêu tự do hóa các dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động lành nghề, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cũng như thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Về bản chất, AEC được hiểu như một khuôn khổ hội nhập kinh tế với mức độ sâu sắc hơn giữa các thành viên, đưa ASEAN trở thành một cơ sở sản xuất và thị trường chung với sự lưu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động và lưu chuyển tự do hơn của dòng vốn.

Nếu các nước ASEAN có thể hoàn thành các bước tiếp theo trong tiến trình thúc đẩy hội nhập khu vực sau khi AEC được thành lập, GDP của ASEAN ước tính có thể sẽ tăng 5% vào năm 2030. Điều đó có ý nghĩa đáng kể vào thời điểm sự giảm sút giá hàng hóa nguyên liệu gây thiệt hại cho nhiều nước trong khu vực, trong khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Thêm vào đó, mặc dù còn phải mất nhiều năm nữa trước khi có thể đạt được mục tiêu hội nhập khu vực và hội nhập nền kinh tế toàn cầu, song triển vọng AEC có thể giúp ASEAN viết nên câu chuyện thành công trong dài hạn là rất “hứa hẹn”, dựa trên ba yếu tố sau:

Thứ nhất, ASEAN ngày càng trở nên hấp dẫn trong vai trò là trung tâm chế tạo của thế giới. Ưu thế này trước đây thuộc về Trung Quốc, nước vốn được mệnh danh là công xưởng chế tạo của thế giới, song tình thế này đã thay đổi khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang hướng dựa vào sự phát triển của ngành chế tạo có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao và lĩnh vực dịch vụ. Điều này có nghĩa là các hoạt động chế tạo truyền thống, sử dụng nhiều lao động tại Trung Quốc trước đây đang được chuyển sang các quốc gia ASEAN.

Thứ hai, chi tiêu tiêu dùng tại khu vực này đang gia tăng nhanh chóng. Dân số ASEAN hiện bằng một nửa của Trung Quốc hay của Ấn Độ, song 15 năm nữa, khu vực này sẽ có thêm 120 triệu dân. Điều đáng nói là các nước Đông Nam Á có sức ảnh hưởng ngày càng lớn. Năm 2010, GDP trên đầu người của các nước thành viên ASEAN là khoảng 3.000 USD. Tuy nhiên, các nước này đang nhắm tới mục tiêu nâng GDP trên đầu người lên trên 9.000 USD vào năm 2030. Sức tiêu thụ ngày càng tăng đang đưa khu vực này trở thành thị trường chủ chốt cho mọi mặt hàng, từ ô tô, máy bay đến nước gội đầu và điện thoại di động.

Thứ ba, ASEAN có trung tâm tài chính quốc tế lớn đó là Singapore. Sự tự do hóa tài chính ngày càng gia tăng cũng góp phần làm giảm chi phí giao dịch, đồng thời thúc đẩy dòng vốn đầu tư chảy vào ASEAN, qua đó hỗ trợ các nền kinh tế như Singapore, Malaysia và Thái Lan. Các nước khác như Indonesia và Philippines cũng có thể được lợi nhiều nhất từ sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà ASEAN đang mong mỏi và vốn là điểm yếu trong câu chuyện tăng trưởng nói chung của hiệp hội này.

Để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ AEC

Ở Việt Nam, vẫn còn rất nhiều trăn trở được chính các nhà điều hành, quản lý của chính phủ đưa ra khi nói đến AEC. Việt Nam và Singapore được đánh giá là hai nước đi dầu trong thực hiện các cam kết trong AEC. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lại bày tỏ nỗi lo lắng khi dẫn ra con số đáng giật mình về sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về AEC.

Theo đó, Việt Nam lại là một trong những nước nhận thức về ASEAN còn hạn chế, khi có tới 60-80% các doanh nghiệp chưa hiểu biết nhiều và chỉ 10% doanh nghiệp Việt Nam đang tranh thủ được những cam kết trong cộng đồng AEC.

“Khi AEC được hình thành thì nhân tố thụ hưởng chính là doanh nghiệp, nhưng nếu nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế như vậy thì những cam kết của ta, với trên 90% cam kết và các chính sách đưa ra, sẽ không thể tận dụng được” – Phó Thủ tướng lo ngại.

Cũng theo Phó Thủ tướng, hiện các nước ASEAN trong nội khối rất quan tâm để tranh thủ điều kiện thuận lợi từ Cộng đồng AEC mang lại. Song với doanh nghiệp Việt Nam lại không tập trung đến thị trường này mà chỉ quan tâm các thị trường phía xa, nên chưa tận dụng được những điều này.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thì lại lo ngại rằng cùng với việc hình thành AEC, thị trường sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn vì chúng ta tham gia nhiều FTA. Dẫn chứng thực tế, có rất nhiều hàng hóa mà trong nước sản xuất được như thép xây dựng, phân bón… song hàng hóa các nước trong khu vực và Trung Quốc vẫn “tràn” vào Việt Nam rất nhiều, cạnh tranh không lành mạnh với hàng nội địa và có nguy cơ “giành” sân nhà.

Do đó, để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh sắp tới, doanh nghiệp Việt phải chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm…

Song song với đó, cần chủ động nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp… để giữ vững thị phần trong nước đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển.

Quan trọng nhất là cần chủ động tiếp cận nguồn thông tin để tận dụng tốt việc lưu thông hàng hóa từ việc cắt giảm thuế quan trong ASEAN, chủ động tìm hiểu các thị trường trong khu vực ASEAN./.

Cộng đồng ASEAN được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính gồm:

(i) Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hóa ; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.

(ii) Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.

(iii) Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

(iv) Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu.