Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm vừa được Chính phủ ban hành; trong đó quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nghị định nêu rõ, người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ:

- Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết gồm: Học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; tiền ăn trong thời gian thực tế học; chi phí đi lại (1 lượt đi và về) từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo cho người lao động ở cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên hoặc từ 10 km trở lên đối với địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Riêng người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở và trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu.

- Hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, visa, khám sức khoẻ, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.

- Hỗ trợ rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.

- Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu.

Hộ cận nghèo được vay 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài

Nghị định nêu rõ, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định hiện hành.

Còn người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức vay tối đa là 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

Thời hạn vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động ghi trong hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Lãi suất vay vốn ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn theo quy định nêu trên.

Hỗ trợ 3 tỉnh khắc phục thiệt hại mưa, lũ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định trích 20 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 để hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế 5 tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam 5 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ngãi 10 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như: sạt lở khu dân cư, công trình thủy lợi và giao thông nông thôn... Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin và số liệu báo cáo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) từ nguồn dự trữ quốc gia 790 tấn hạt giống lúa (tỉnh Thừa Thiên Huế 200 tấn, tỉnh Quảng Nam 400 tấn, tỉnh Quảng Ngãi 190 tấn); 30 tấn hạt giống ngô (tỉnh Thừa Thiên Huế 5 tấn, tỉnh Quảng Nam 15 tấn, tỉnh Quảng Ngãi 10 tấn) và 5 tấn hạt giống rau cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 675 tấn gạo hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi để cứu cho nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ của tỉnh Quảng Ngãi.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng số vốn được ngân sách trung ương hỗ trợ và nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương, các nguồn hợp pháp khác để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số kinh phí, lương thực, giống cây trồng trên bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và theo quy định hiện hành; báo cáo việc phân bổ và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai để tổng hợp báo Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản vùng bị thiệt hại do thiên tai theo các Quyết định số: 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009, 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời báo cáo kết quả thực chi hỗ trợ giống vùng bị thiên tai gửi Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm căn cứ hỗ trợ địa phương theo chế độ quy định.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh, từ đêm 24/3 đến ngày 28/3 tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa to đến rất to và tập trung chủ yếu ở khu vực từ miền núi, xuất hiện đợt lũ ở mức báo động 1. Riêng tại trạm sông Vệ ở Quảng Ngãi đã xuất hiện lũ ở mức báo động 3.

Đây là đợt mưa, lũ trái mùa nên đã gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của nhà nước và nhân dân, đặc biệt đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp (3 người chết, 281 căn nhà bị ngập, hư hại, 8.458 ha lúa bị thiệt hại..., tổng thiệt hại về vật chất ước tính gần 275 tỷ đồng).

Hỗ trợ Đồng Tháp khắc phục sạt lở bờ sông Tiền

Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 để xử lý ngay những điểm, đoạn sạt lở xung yếu lở bờ sông Tiền khu vực xã An Hiệp, huyện Châu Thành bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư xử lý cụ thể theo quy định.

UBND tỉnh Đồng Tháp chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng số kinh phí được ngân sách trung ương hỗ trợ trên đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật; chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý dứt điểm sạt lở bờ sông Tiền nêu trên, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tỉnh Đồng Tháp về giải pháp kỹ thuật xử lý sạt lở bờ sông Tiền, bảo đảm an toàn không để xâm hại sâu vào đất liền.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình chung về sạt lở bờ sông, bờ biển của các địa phương trong cả nước, đề xuất giải pháp xử lý căn cơ phù hợp với đặc điểm của từng vùng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Được biết công trình bờ kè bảo vệ bờ sông Tiền thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành có tổng chiều dài 4.500m, gồm 7 mỏ hàn và hơn 1.400m kè bờ. Tuy nhiên thời gian gần đây, liên tiếp nhiều đoạn bờ kè bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Việt Nam trở thành quan sát viên Hiến chương Năng lượng quốc tế

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Việt Nam trở thành quan sát viên của các Hội nghị Hiến chương Năng lượng thông qua việc chấp thuận nội dung Hiến chương Năng lượng Quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan hoàn tất các thủ tục đối ngoại cần thiết theo quy định; làm đầu mối quốc gia tham gia các hoạt động của Hiến chương; tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức vào thời điểm phù hợp.

Để thực hiện tiến trình mở rộng và hiện đại hóa, kế thừa những giá trị của Hiến chương Năng lượng châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi xướng xây dựng Hiến chương Năng lượng quốc tế.

Bản Hiến chương Năng lượng quốc tế được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng (La Hay II) ngày 21/5/2015 tại Hà Lan. Nội dung Hiến chương là một tuyên bố nêu ra các nguyên tắc và nội dung cơ bản, bao quát về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng, hướng tới phát triển năng lượng bền vững, tăng cường an ninh năng lượng, phù hợp với chính sách và pháp luật của Việt Nam.

Việc thông qua và chấp thuận Hiến chương năng lượng quốc tế sẽ tạo cho Việt Nam tư cách quan sát viên trong các Hội nghị Hiến chương năng lượng; tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng mối quan hệ trực tiếp với các đối tác, tăng cường đối thoại, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng.

Thành lập chi nhánh ngân hàng SCB tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc Ngân hàng thương mại Siam Thái Lan (SCB) thành lập chi nhánh tại Việt Nam trên cơ sở mua lại, tiếp nhận tài sản, công nợ của Ngân hàng liên doanh Việt-Thái (VSB).

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét quyết định cụ thể theo thẩm quyền.

Được biết, VSB là ngân hàng liên doanh được Ngân hàng Nhà nước cấp phép ngày 20/4/1995 với sự góp vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), SCB và Tập đoàn Charoen Pokphand (Tập đoàn CP). Hiện VSB là ngân hàng liên doanh yếu kém toàn diện trong tổ chức và hoạt động, không đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ theo quy định.

Theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, SCB cơ bản đáp ứng các điều kiện để được cấp phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam theo quy định. Việc SCB tiếp nhận lại VSB sẽ giải quyết nhanh gọn 1 ngân hàng liên doanh yếu kém trong hệ thống ngân hàng Việt Nam; không gây áp lực gia tăng thêm ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước.

Sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa DN thuộc Bộ Quốc phòng

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý cho sử dụng số tiền thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng để chi giải quyết chế độ chính sách ra quân, xuất ngũ cho quân nhân tại công ty cổ phần.

Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội xử lý cụ thể.

Đối với khoản chi liên quan đến nghỉ chờ hưu của quân nhân tại các doanh nghiệp cổ phần hóa, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trước khi quyết toán tài chính bàn giao sang công ty cổ phần.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng nộp các khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định; trước mắt, nộp toàn bộ ngay số tiền thu từ cổ phần hóa còn lại đến ngày 31/12/2013 là 59.599 triệu đồng về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Bộ Quốc phòng có trách nhiệm đảm bảo nguồn vốn để bổ sung vốn điều lệ còn thiếu cho các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng. Trường hợp không đủ nguồn để bổ sung, Bộ Quốc phòng chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Chấm dứt nghiên cứu đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu của BVEC

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến về việc đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Dự án).

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý việc chấm dứt nghiên cứu đầu tư Dự án của Công ty cổ phần đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xem xét hoàn trả cho BVEC những chi phí mà BVEC đã thực hiện theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; đồng thời, rà soát sử dụng kết quả đã nghiên cứu của BVEC trong quá trình nghiên cứu tiếp theo.

Bộ Giao thông vận tải quyết định việc tách Dự án và phân kỳ đầu tư theo thẩm quyền, trong đó lưu ý ý kiến của các địa phương liên quan về lựa chọn phương án giải phóng mặt bằng; chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Chuyển dự án Bệnh viện 50 giường về UBND tỉnh Bắc Kạn quản lý

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý về chủ trương việc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) chuyển giao Dự án "Di chuyển Bệnh viện, nâng cấp phòng khám đa khoa thành Bệnh viện 50 giường - xã Bản Thi - huyện Chợ Đồn - tỉnh Bắc Kạn" về UBND tỉnh Bắc Kạn quản lý, sử dụng.

Phó Thủ tướng yêu cầu TKV đề xuất cụ thể phương án xử lý, hạch toán tài sản và vốn đã đầu tư của Dự án trên báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành./