Chớ vội thông qua khi còn nhiều lúng túng
Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi 2017 còn nhiều bất cập
Trong Nghị quyết 08 Bộ chính trị xác đinh du lịch là ngành Kinh tế mũi nhọn, đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, phát triển du lịch hàng năm phải đạt 25%. Như vậy, trong năm 2017 chúng ta phải đón được 12,5 triệu khách du lịch quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết đã chỉ ra, định hướng, yêu cầu phải nghiên cứu, đưa ra Các cơ chế chính sách đặc thù, các giải pháp có tính đột phá (thì may ra mới đạt được mục tiêu tăng trưởng 25%).
Đa số các đại biểu tham gia tọa đàm đều kỳ vọng Quốc hội sẽ chưa thông qua Dự thảo Luật Du lịch trong ngày 29/05/2017 tới đây
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, muốn du lịch phát triển cũng cần gắn với xúc tiến du lịch là Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Văn phòng Xúc tiến du lịch đã được ghi vào Luật 16 năm không ai triển khai, nay dự Luật không ghi có phải do lo ngại vướng Luật về Văn phòng ngoại giao ở nước ngoài?
Cần xem lại điều này bởi không nước nào du lịch phát triển mà không mở văn phòng đại diện du lịch quốc gia ở nước ngoài cả. Có nước như Thái Lan mở 28 văn phòng, Singapore mở 23 văn phòng đại diện tại các nước và muốn sánh vai với họ, sao không học tập rút kinh nghiệm từ những việc như thế này. Mở Văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, theo chúng tôi, không trái với Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vì Đại sứ quán có nhiệm vụ tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch là rất cần thiết, chứ không ghi là duy nhất, ông Từ nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Phạm Từ cho rằng, cần rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch. Cần phát huy thế mạnh của ngành du lịch là xuất khẩu tại chỗ.
Hiện tại, chúng ta đang chưa làm tốt khâu này. Tỷ lệ chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ có 20% là mua sắm hàng hóa, trong tổng số hơn 1.000 USD cho 1 chuyến đi! Con số này ở nhiều nước là 2.000 - 3.000 USD. Vấn đề quy hoạch, xây dựng trung tâm mua sắm, tạo thuận lợi trong thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, tổ chức sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm nên được đặt ra thành chương mục hoặc ít nhất 1 vài điều trong dự thảo Luật Du lịch lần này", ông nói thêm.
Ngoài ra, ông Từ cũng cho rằng, cần hạn chế doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực lữ hành. Một thực tế được ông Từ chỉ ra là, các hãng lữ hành nước ngoài đang làm rất tốt khi nhìn vào thống kê số người Việt Nam đi du lịch sang Thái gấp 3 lần, sang Lào gấp 5 lần họ sang ta. 990.000 người Việt sang Campuchia mới có 212.000 người ngược lại… .
Theo ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam đánh giá về Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi 2017, ông cho rằng, Dự thảo Luật Du lịch hiện nay còn nhiều lúng túng. Trước mắt nên thay đổi cách làm để Dự thảo Luật Du lịch có thể được bổ sung, điều chỉnh phù hợp hơn. Cụ thể, một số nội dung chưa được thể hiện tại Luật như: Quy định để bảo vệ khách Việt Nam du lịch nước ngoài, quy định về đào tạo nhân lực ngành du lịch, vì Du lịch Việt Nam hiện nay thua kém các nước chủ yếu do yếu tố con người…
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Viettravel chỉ ra rằng: Chính sách du lịch của chúng ta thua cả Lào, Capuchia, Philippines. Vậy, tại sao chính sách lại nằm dưới, tại sao có lệch pha trong việc này? Thực tế, chính sách đã đưa ra có 8 đột phá, nhưng khi đi vào luật lại bị triệt tiêu. Ưu tiên cho du lịch từ năm 2015-2017 là tụt bậc, trong khi chỉ số về chính sách, khả năng cạnh tranh về giá, khả năng phát triển bền vững đều ở mức thấp so với thế giới. Bên cạnh đó, còn là sự khập khiễng cơ cấu phát triển du lịch giữa chính sách với cơ sở hạ tầng….
Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist chỉ ra những vấn đề cần sửa, những điều bất cập và bổ sung những điều còn thiếu. Cụ thể, ông Kế cho rằng, nên giữ 3 điều Luật Du lịch 2005, gồm: điều kiện kinh doanh lữ hành; trách nhiệm xúc tiến; thanh tra du lịch. Bởi lẽ, về điều kiện kinh doanh lữ hành: trong 10 năm có trên 1.500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, quá lớn so với nhu cầu. Trong khi chỉ có 10% doanh nghiệp “làm ăn” thật sự. Do vậy, nên giữ lại điều này dẫn đến số doanh nghiệp quá nhiều sẽ phá môi trường kinh doanh; Về trách nhiệm xúc tiến du lịch, còn lấn cấn vấn đề chồng chéo Luật. Do vậy, Luật nào có lợi cho quốc gia thì phải sửa các Luật khác cho phù hợp. Thí dụ về visa, thanh tra, quỹ hỗ trợ phát triển, văn phòng đại diện…. Bên cạnh đó, dự thảo luật nên bổ sung: kinh tế mũi nhọn, cơ quan qlnn về du lịch, đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì buộc phải có đột phá trong Luật, nếu không thì khó làm được; Về yếu tố quản lý nhà nước về du lịch, không cần thiết phải ghi rõ là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà chỉ cần ghi mở là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch để phù hợp với xu hướng làm kinh tế từ du lịch.
Bổ sung quan điểm này, ông Phạm Từ cho rằng, trong số những vấn đề cần quan tâm, ngành du lịch cần hoàn thiện thể chế chính sách đột phá, tập trung nguồn lực cho du lịch phát triển.
Cần thêm thời gian để… hoàn thiện
Luật Du lịch là nền tảng quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch. Luật Du lịch đã được ban hành vào năm 2015 và đến nay, để đáp ứng sự phù hợp với tình hình thực tiễn, cũng như yêu cầu đặt ra về phát triển du lịch trong bối cảnh mới, Chính phủ và Quốc hội sẽ sửa đổi lại Luật Du lịch trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các nhà khao học, các doanh nghiệp, cơ quan lữ hành và các đơn vị tham gia và chuỗi phát triển du lịch cũng như đông đảo người dân.
Theo lộ trình, ngày 29/05/2017 tới đây, dự thảo Luật Du lịch sẽ được trình ra Quốc hội. Dự thảo này được ban hành trong bối cảnh Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Thực tế, cần thêm thời gian đề hoàn thiện Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi 2017 để có thể tạo đột phá, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp, các đại biểu tham gia tọa đàm cũng vô cùng quan ngại và đề nghị đề nghị Quốc hội lần này sẽ không thông qua dự thảo Luật Du lịch sửa đổi vì cần thêm thời gian để hoàn thiện.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Luật còn nhiều quan điểm trái chiều, chưa thể hiện được Nghị quyết phát triển du lịch của Bộ Chính trị. Do đó, chưa nên thông qua Dự thảo Luật Du lịch khi “chưa chín”, khi dự thảo luật vẫn đang xúm xít.
Đồng quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận định, hiện nay đa phần chúng ta làm luật trong một môi trường không thuận, quyền lực bị phân tán. Mỗi bên nắm một quyền lực khác nhau, việc thống nhất quan điểm là rất khó. Luật mà được thông qua thì phải 10 năm mới chỉnh sửa được, thời gian đó là không nhỏ với một lĩnh vực đang phát triển mạnh như du lịch. Trước đó, Bộ Luật hình sự đã phải hoãn gấp để sửa lại, đảm bảo đạt điều kiện mới thông qua. Vậy Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi có nên dừng lại không?
Đánh giá về dự Luật Du lịch lần này, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, Dự thảo không khác mấy so với Luật Du lịch ban hành năm 2005. Vì Dự thảo Luật Du lịch lần chỉ chạy được 65km/h, trong khi Luật Du lịch cũ đang chạy là 60km/h. Điều này rất nguy hiểm. Thậm chí ông Kỳ khẳng định, nếu thông qua Dự thảo Luật Du lịch thì những doanh nghiệp làm du lịch sẽ “không có đất sống”. Cụ thể, khi định vị du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng không định lượng rõ và trong khi mũi nhọn là tổng hợp có rất nhiều ngành cần sự phát triển tổng hợp thì lại bỏ qua vai trò của ban chỉ đạo quốc gia.
Chưa kể, mục tiêu du lịch đưa ra rất cao, đến năm 2030 Thủ tướng đã duyệt so với Nghị quyết 08, khách quốc tế rất lớn, tăng 190%, đóng góp 35 tỷ USD cho ngân sách. Mục tiêu rất là cao nhưng hành động cần tương xứng, Dự thảo Luật Du lịch lần này cần phải bổ sung việc thành lập Ủy ban về phát triển du lịch. Khi thành lập được Ủy ban về Phát triển Du lịch thì mới hi vọng đưa ngành du lịch mới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi, để làm được điều này cần có sự vào cuộc của Chính phủ, vì du lịch là một ngành tổng hợp và một Bộ trưởng Văn hóa khó có thể “điều khiển” được các bộ, ngành liên quan khi vướng các thủ tục, vấn đề khác./.
Bình luận