Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: “Nâng lô lên 1.000 là giải pháp bớt xấu nhất”
Không thể để chỉ số Việt Nam tiếp tục méo mó
Hệ lụy nghiêm trọng nhất của tình trạng nghẽn lệnh, theo Chủ tịch SSI, là việc chỉ số chứng khoán Việt Nam bị méo mó. Nhiều phiên giao dịch buổi chiều, các công ty chứng khoán lớn gần như không vào được lệnh, nhưng hệ thống giao dịch vẫn chấp nhận lệnh của một số công ty chứng khoán nhỏ, do tính chất của thuật toán chuyển lệnh vào sàn HOSE cho phép. Thực trạng này dẫn đến việc chỉ cần một lệnh nhỏ đặt tại công ty chứng khoán nhỏ được nhập vào sàn HOSE lúc hệ thống gặp trục trặc, cũng đủ khiến giá cổ phiếu biến động mạnh, làm thay đổi chỉ số chứng khoán Việt Nam. Những người muốn tác động lên chỉ số có thể lợi dụng tình cảnh này để hành động, từ đó, làm méo mó tính thị trường cũng như méo mó hình ảnh TTCK Việt Nam. Khi chỉ số bị làm méo, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó đánh giá tốt về TTCK Việt Nam và mọi phân tích, nhận định, khuyến nghị đầu tư cũng trở nên giảm tính tin cậy trên thị trường.
Chủ tịch SSI cho rằng, nâng bước giá, chuyển một phần giao dịch từ HOSE sang HNX, kể cả nâng lô lên 1.000 cổ phiếu, đều không phù hợp với mục tiêu phát triển thị trường về dài hạn, nhưng “bối cảnh cấp bách cần có giải pháp cấp bách”
Thị trường đang đặt ra yêu cầu ngành chứng khoán phải có giải pháp xử lý tình trạng trên, trong đó, ông Hưng cho rằng, cốt lõi nhất cần giữ là chỉ số chứng khoán phải phản ánh đúng cung – cầu thị trường. Trong khi chờ hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành, đánh giá về các giải pháp ngắn hạn mà nhà quản lý đưa ra, Chủ tịch SSI cho rằng, việc nâng lô từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu là bớt xấu nhất và có tính khả thi cao nhất lúc này. Thống kê từ sàn HOSE cho biết, từ năm 2018 đến nay, số lệnh dưới 1.000 cổ phiếu vào sàn HOSE dao động từ 40-50% tổng số lệnh. Như vậy, nếu áp dụng giải pháp nâng lô này, sàn HOSE sẽ giảm mạnh áp lực lệnh vào hệ thống.
Cụ thể hơn, đánh giá về giải pháp chuyển một bộ phận cổ phiếu từ sàn HOSE sang giao dịch trên sàn HNX, ông Hưng cho rằng, không thể trông chờ vào sự tự nguyện của doanh nghiệp. Nếu muốn thực thi giải pháp này, thị trường cần có một quy chuẩn pháp lý chung, một nguyên tắc rõ ràng, chẳng hạn các cổ phiếu thị giá nhỏ (dưới 10.000 đồng chẳng hạn) đều phải chuyển sang HNX giao dịch. Như vậy, đây cũng là giải pháp mất nhiều thời gian, ít nhất cũng vài tháng.
Giải pháp khác là “đổi vai”, sử dụng nền tảng công nghệ của HNX cho giao dịch toàn bộ cổ phiếu tại sàn HOSE và ngược lại, hoặc chuyển toàn bộ cổ phiếu tại sàn HOSE sang giao dịch cùng trên hệ thống HNX. Bài toán kỹ thuật này chỉ có thể làm được nếu bài toán nhân sự, quy trình, quy chế và rất nhiều yếu tố khác phải được xử lý. Như vậy, đây cũng là giải pháp để bàn, không có tính khả thi trong ngắn hạn. Đó là chưa kể hệ thống công nghệ tại sàn HNX khi giao dịch chưa nhiều thì vận hành trơn tru, nhưng nếu giao dịch tăng gấp nhiều lần, có bị tắc nghẽn không, cũng là câu hỏi ngỏ.
“Bối cảnh thị trường buộc chúng ta phải có giải pháp khẩn cấp, không thể đi theo trình tự như khi mọi sự bình thường”, ông Duy Hưng nói và mong rằng, nhà quản lý sớm có lời giải ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về câu chuyện hệ thống để tránh đi tính trạng xấu hơn nữa là TTCK phải tạm dừng hoạt động một thời gian để chờ hệ thống mới vận hành.
Không có giải pháp nào hoàn hảo, cần chọn giải pháp bớt xấu hơn
Về giải pháp nâng lô lên 1.000 cổ phiếu, Chủ tịch SSI đánh giá, đây chỉ là giải pháp bớt xấu hơn và có tính khả thi nhất lúc này. Phải nhìn nhận công bằng rằng, hệ thống giao dịch trên TTCK không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư hiện nay là câu chuyện của nhiều thế hệ và có thể còn mất nhiều thời gian nữa nền tảng công nghệ khớp nối toàn thị trường mới có thể đi vào vận hành. Nếu nhìn thẳng vào thực tế này sẽ thấy, thị trường cần giải pháp cho mục tiêu chống tắc trước trong thời gian chờ đợi các giải pháp vì sự phát triển dài hạn.
Nâng bước giá, chuyển một phần giao dịch từ HOSE sang HNX, kể cả nâng lô lên 1.000 cổ phiếu, đều không phù hợp với mục tiêu phát triển thị trường về dài hạn, nhưng “bối cảnh cấp bách cần có giải pháp cấp bách”. “Thị trường cần giữ được tính thị trường và những giải pháp không hoàn hảo thì cần có các giải pháp kèm theo để giảm thiểu sự tác động tiêu cực của giải pháp phải làm”, ông Hưng chia sẻ.
Giải pháp kèm theo trong câu chuyện nâng lô lên 1.000 cổ phiếu, theo ông Hưng, đó là cần khuyến khích và tạo thuận lợi nhất cho các CTCK mua cổ phiếu lô lẻ để bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. “Đây là giải pháp tình huống vì hệ thống lớn không xử lý được phần việc mà đúng ra, đương nhiên phải làm được. Khi chia bớt áp lực về vai CTCK, mỗi CTCK sẽ phải xử lý bài toán của mình, nhưng ngành chứng khoán cần khuyến khích bằng những chính sách cụ thể về thuế, phí chẳng hạn, để tạo nên sự động viên và góp sức xây dựng, giữ gìn và phát triển của TTCK Việt Nam vì những mục tiêu quốc gia”, ông Hưng nói.
Là người dẫn dắt SSI từ số 0 đến vị thế lớn nhất trên TTCK Việt Nam, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động sau 20 năm phát triển cùng thị trường, nhưng ông Hưng cho rằng, “không có phép màu” nào, nhất là trong xây hệ thống công nghệ. Tại SSI, một hệ thống mới ít nhất cũng mất 3 năm, kể từ lúc quyết đầu tư, quyết chi tiền. Trong câu chuyện toàn thị trường, bài toán công nghệ cần một cái nhìn trung thực, minh bạch và hài hòa khi tìm giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn./.
Bình luận