Từ khóa: vai trò chuyển đổi số, ngành y tế, giải pháp

Summary

In the context of the 4th Industrial Revolution taking place worldwide, digital transformation is comprehensive, inevitable and extremely urgent for the survival and development of the country. Like other industries, Vietnam's healthcare sector needs to quickly implement digital transformation to promote the sectoral development. For that reason, the article focuses on researching and analyzing issues about the role of digital transformation in the development of Vietnam's healthcare sector, the current status of digital transformation in the sector, and thereby, proposing some policy solutions to promote effective digital transformation of the sector. The solutions are proposed with the goal of further improving operations and improving the efficiency of Vietnam's healthcare sector. Thereby, creating motivation to promote sustainable development of all sectors in general and the healthcare sector in particular.

Keywords: digital transformation role, healthcare sector, solutions

GIỚI THIỆU

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển và có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, thì chuyển đổi số là một khái niệm ngày càng quen thuộc đối với tất cả mọi người. Để tăng năng suất lao động xã hội, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nhanh, đồng thời để bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới, thì công cuộc chuyển đổi số là tất yếu và bắt buộc đối với mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Không ngoại lệ, quá trình chuyển đổi số đối với ngành Y tế Việt Nam là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp cho các cơ sở y tế trong nước tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động phục vụ; ngoài ra còn xuất hiện nhiều mô hình hoạt động mới trong ngành y tế dựa trên nền tảng công nghệ số hóa. Do đó, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thực hiện chuyển đổi số đối với ngành y tế là vô cùng cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Lý thuyết về chuyển đổi số

FSI – doanh nghiệp chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam định nghĩa: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới, như: điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IOT)…, thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty” (FSI, 2023).

Số hóa (Digitization) là việc biến đổi các thực thể (đối tượng, vạn vật) từ dạng vật lý (analog) sang dạng số, tức tạo ra phiên bản số của các thực thể. Bản chất của cấp độ số hóa là biến đổi. Số hóa cần gắn liền với công nghệ kết nối các thực thể trên internet (Internet vạn vật), lưu trữ dữ liệu (điện toán đám mây) và bảo vệ sự bất biến, toàn vẹn của dữ liệu (blockchain) (FSI, 2023).

Ứng dụng số hóa là cấp độ dùng các công nghệ số và dữ liệu đã được số hóa trước đó để tối ưu hóa các hoạt động chuyên môn, nhằm nâng cao hiệu quả của các quy trình làm việc. Chuyển đổi số (Digital transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức hoạt động trên môi trường số với các công nghệ số. Chuyển đổi số sẽ tạo ra các mô hình hoạt động mới, từ đó, tái cấu trúc nền kinh tế. Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi ở cấp độ hệ thống nhằm thay đổi hành vi trên quy mô lớn. Bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo (FSI, 2023).

Khái niệm về ngành y tế

Y tế theo nghĩa hẹp, là những hoạt động phòng chống và điều trị bệnh tật cho nhân dân, theo nghĩa rộng có thể hiểu đó là lĩnh vực hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ hoạt động vệ sinh môi trường sống và làm việc, dinh dưỡng, phòng chống bệnh tật đến việc khám và điều trị bệnh… Là một ngành đặc thù có liên quan đến tính mạng và sức khỏe của con người, hoạt động của ngành y tế có những đặc điểm là: Lao động trong ngành y rất vất vả ngay trong quá trình học tập cho đến khi làm việc chính thức; Lao động trong ngành y thường xuyên tiếp xúc với các mầm bệnh nguy hiểm, nên nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp rất cao; Hoạt động của ngành y tế mang tính thầm lặng song rất nhạy cảm, tuy hoạt động thầm lặng nhưng ngành y tế rất nhạy cảm với dư luận xã hội; Lao động trong ngành y tế đòi hỏi phải học tập nghiên cứu suốt đời; Với mục tiêu chữa lành bệnh và cứu sống mọi người, hoạt động của ngành y đặt nặng vấn đề cống hiến cho xã hội hơn là tìm kiếm thu nhập (Đào Duy An, 2023).

VAI TRÒ CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN NGÀNH Y TẾ Ở VIỆT NAM

Ngày nay, có nhiều thiết bị được kết nối với internet vạn vật, nhờ đó, các bệnh viện, cơ sở y tế có thể nhanh chóng khai thác để giúp phục vụ người bệnh, khách hàng một cách hiệu quả hơn. Dữ liệu internet vạn vật giúp các bệnh viện, cơ sở, cơ quan quản lý y tế nắm bắt được các dữ liệu về nhu cầu, thói quen khám chữa bệnh của người dân và một số đặc điểm khác, để từ đó, có thể chuyển đến họ những thông tin mà họ thật sự quan tâm. Việc khai thác các dữ liệu internet vạn vật vừa giúp các bệnh viện, cơ sở y tế tăng khả năng phục vụ công chúng tốt hơn, vừa biết rõ nhu cầu của người bệnh hơn; đồng thời, giúp họ tiết kiệm thời gian tìm kiếm và thực hiện các thao tác để sử dụng các dịch vụ y tế mà họ muốn.

Đối với các cơ sở y tế, bệnh viện có quy mô vừa và lớn, thường có rất nhiều quy trình phức tạp, như quy trình: tiếp nhận bệnh nhân, khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân hàng ngày, cấp phát thuốc, chuyển bệnh chuyển tuyến… Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ số hóa giúp các quy trình này được chuẩn hóa hơn, từ đó, nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí, giúp tương tác, chăm sóc người bệnh trực tiếp và từ xa, quy trình làm việc khoa học, nhanh gọn, hiệu suất cao.

Hơn nữa, với việc tiếp nhận hàng nghìn người bệnh mỗi ngày, việc tương tác với bệnh nhân là một vấn đề mất nhiều thời gian cho đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện. Điều này đòi hỏi cấp thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh nhân. Thông qua điện toán đám mây, giúp tăng cường tương tác giữa người bệnh với y bác sĩ; thông qua kết hợp với các mạng xã hội, như: Facebook, Zalo để truyền tải và cung cấp thông tin, tiếp nhận các ý kiến phản hồi của người bệnh một cách nhanh chóng; thông qua Blockchain tạo lập cơ sở dữ liệu an toàn cho hồ sơ y tế điện tử…

Đặc biệt trong ngành y tế, việc chuyển đổi số sẽ cho ra đời nhiều mô hình hoạt động mới, điển hình là mô hình thăm khám và chữa bệnh cho các bệnh nhân từ xa giúp xóa bỏ rào chắn khoảng cách địa lý, giảm bớt thời gian nhập viện, giảm bớt tỷ lệ tử vong; mô hình phẫu thuật từ xa; mô hình kết nối giữa nhà bào chế thuốc với công ty dược và bác sĩ.

Như vậy, việc chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành y tế, qua đó, tạo ra những thay đổi tích cực hơn không những cho các đơn vị trong ngành, mà còn đem lại lợi ích cho người dân. Mặt khác, việc chuyển đổi số trong ngành y tế Việt Nam còn nhằm bắt kịp những tiến bộ trong y học của các nước phát triển.

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NGÀNH Y TẾ Ở VIỆT NAM

Kết quả đạt được

Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản, góp phần hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý để triển khai công nghệ thông tin, làm cơ sở cho chuyển đổi số trong ngành y tế, điển hình, như: Quyết định số 2089/QĐ-BYT, ngày 09/5/2023 “Phê duyệt kế hoạch ứng dụng công tin và thực hiện nhiệm vụ triển khai đề án 06 của Bộ Y tế năm 2023”; Quyết định số 2491/QĐ-BYT, ngày 13/6/2023 “Phê duyệt đề án thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của Bộ Y tế giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030”.

Từ giữa năm 2020, Cổng dịch vụ công Bộ Y tế đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giải quyết toàn bộ các thủ tục hành chính. Cổng công khai dịch vụ y tế được khai trương để mọi người dân có thể tra cứu thông tin về giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, dịch vụ khám chữa bệnh…, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi; người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành y tế cung cấp. Ngoài ra, các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế tham khảo, lập dự toán nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.

Các cơ sở y tế cũng chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động khám chữa bệnh cho người dân. Hầu hết các bệnh viện trong nước đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 44 bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử; 23 bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS); nhiều bệnh viện triển khai khám chữa bệnh trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot trong phẫu thuật, ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện (ictvietnam.vn 2023).

Bộ Y tế phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai thành công kết nối liên thông giữa khám chữa bệnh trên cả nước với cơ quan BHXH. Công nghệ thông tin cũng đã được ứng dụng trong y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã, hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẽ dữ liệu y tế. Bộ Y tế cũng đã triển khai các hệ thống thông tin lớn: mạng kết nối y tế Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc toàn quốc, triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia. Tất cả các hoạt động trên đều hướng đến công cuộc chuyển đổi số toàn diện ngành y tế Việt Nam.

Việc chuyển đổi số trong ngành y tế ở nước ta dựa trên nền tảng công nghệ số hóa tác động sâu sắc đến hoạt động quản lý các dữ liệu y tế cả nước, đến hoạt động chăm sóc sức khỏe ở các bệnh viện, làm thay đổi cơ bản các mô hình hoạt động từ truyền thống sang trực tuyến không tiếp xúc, mang lại nhiều lợi ích, như: tăng năng suất lao động, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, hoàn thành công việc, tiết kiệm chi phí, thời gian, sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn… Đặc biệt quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế còn giúp cho các cơ sở y tế, bệnh viện tiếp cận với những tiến bộ trong y học trên thế giới, có thể vững vàng cạnh tranh với y học nước ngoài.

Thuận lợi và khó khăn của việc chuyển đổi số trong ngành y tế Việt Nam

Việt Nam có nhiều lợi thế để thực hiện công cuộc chuyển đổi số trong ngành y tế. Thứ nhất, hơn 60% người Việt Nam dưới 54 tuổi, nhóm dân số trẻ này đang nhanh chóng đón nhận các công nghệ thông tin mới. Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (đến 2022, tỷ lệ dân số sử dụng internet là 73,2% (FPT Digital, 2022), dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của Internet Việt Nam từ 2020-2025 là 29% (VTV News, 2020). Thứ ba, cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin di động đang phát triển nhanh chóng, mạng 4G hiện đã phủ sóng hầu hết các hộ gia đình và đang thí điểm mạng 5G (Lưu Quý và An Thu, 2022).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số đối với ngành y tế cũng gặp nhiều khó khăn lớn, như: Cơ sở dữ liệu y tế nằm rải rác, phân tán ở các vùng miền; Chiến lược quy hoạch, xây dựng và khai thác dữ liệu y tế chưa rõ ràng với lộ trình cụ thể; Nền tảng chuyển đổi số của ngành y tế còn rời rạc, chưa đồng bộ, chưa đạt chuẩn, mỗi nơi xây dựng một nền tảng, sử dụng phần mềm khác nhau, nên khó kết nối đồng bộ trên cả nước; Kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số trong ngành y tế còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực về công nghệ thông tin trong các bệnh viện, cơ sở y tế còn yếu và thiếu, không chuyên sâu về công nghệ chuyển đổi số trong ngành y.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH SÁCH NHẰM ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ HIỆU QUẢ TRONG NGÀNH Y TẾ VIỆT NAM

Để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số, thời gian tới, ngành y tế cần chú ý thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thay đổi nhận thức trong cộng đồng ngành y tế. Lãnh đạo ngành, cũng như các sở y tế cùng các cơ sở y tế địa phương cần tuyên truyền và quán triệt cho đội ngũ y bác sĩ và các nhân viên y tế về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số, những lợi ích to lớn của việc chuyển đổi số mang lại cho ngành y tế. Lãnh đạo ngành và các cơ sở y tế cam kết đổi mới, cho phép thử nghiệm cái mới, ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy phát triển công nghệ sáng tạo trong ngành; liên kết, hợp tác chuyển đổi số với các cơ quan nhà nước, với các hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin và hiệp hội ngành y tế.

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, thử nghiệm có kiểm soát các hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng chuyển đổi số trong việc chăm sóc sức khỏe trên nền tảng số hóa; thực hiện thí điểm các mô hình mới (khám chữa bệnh từ xa) trên nền tảng công nghệ số, internet vạn vật và không gian mạng ở các bệnh viện, cơ sở y tế có quy mô lớn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số. Khuyến khích đổi mới trong các cơ quan quản lý, cơ sở y tế công và tư nhân, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế.

Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin số. Hạ tầng hệ thống thông tin số ngành y tế đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi số của ngành này. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, hạ tầng viễn thông sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số, bao gồm: hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây. Dựa trên nền tảng công nghệ thông tin di động 5G và làm chủ hạ tầng điện toán đám mây (cloud), ngành y tế cần nhanh chóng phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông trong các cơ quan quản lý, cơ sở y tế, bệnh viện. Đây cần được coi là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.

Thứ tư, phát triển nền tảng số trong ngành y tế. Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nhanh hơn ở chỗ các nền tảng đã sẵn sàng đưa vào sử dụng, dùng chung. Giảm chi phí ở chỗ không cần đầu tư kinh phí và thời gian phát triển mới từng phần mềm. Thông qua nền tảng số trong ngành y tế, hệ thống thông tin số trong ngành được xây dựng hoàn chỉnh hơn, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế, bệnh viện và người bệnh nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí. Xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp trong một số lĩnh vực có liên quan với ngành y tế, như: BHXH, giáo dục, ngân hàng...

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ của ngành y tế. Lãnh đạo ngành yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới hiện nay, chủ động áp dụng công nghệ số hóa trong hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ của ngành; giao dịch, quản lý dịch vụ y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, ngành y tế cần thường xuyên mở các lớp tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý bệnh viện, đơn vị y tế ở các địa phương nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, Ngành cần đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ số để truyền đạt những thông tin cần thiết cho người dân, tiếp nhận nhanh chóng các phản hồi từ người bệnh; hỗ trợ người dân tìm những cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa có uy tín, các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế an toàn và cập nhật những thông tin hoạt động của ngành một cách kịp thời./.

ThS. Trần Bá Thọ - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2023), Quyết định số 2089/QĐ-BYT, ngày 09/5/2023 phê duyệt “Kế hoạch ứng dụng công tin và thực hiện nhiệm vụ triển khai đề án 06 của Bộ Y tế năm 2023”.

2. Bộ Y tế (2023), Quyết định số 2491/QĐ-BYT, ngày 13/6/2023 phê duyệt Đề án thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của Bộ Y tế giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030”.

3. Đào Duy An (2023), Đặc thù của ngành y, Y khoa Việt, truy cập từ http://ykhoaviet.vn/dac-thu-nghe-y-497.html

4. FSI (2023), Chuyển đổi số là gì? Định nghĩa chuyển đổi số, truy cập từ https://fsivietnam.com.vn/chuyen-doi-so-la-gi/.

5. Ictvietnam.vn (2023), Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, truy cập từ https://ninhthuan.gov.vn/portal/Pages/2023-3-16/Thuc-day-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-y-telhcci5.aspx.

6. FPT Digital (2022), Chuyển đổi số y tế: Nắm bắt xu hướng và giải pháp, truy cập từ https://digital.fpt.com.vn/chien-luoc/kich-hoat-nang-luc-cong-nghe/chuyen-doi-so-y-te-nam-bat-xu-huong-va-xay-dung-giai-phap.html.

7. We one (2022), Khó khăn và giải pháp chuyển đổi số trong ngành y tế, truy cập từ https://weone.vn/giai-phap-chuyen-doi-so-nganh-y-te/.

8. Lưu Quý, An Thu (2022), 25 năm phát triển Internet Việt Nam, truy cập từ https://vnexpress.net/25-nam-phat-trien-internet-viet-nam-4536367.html.

9. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030”.

10. VTV News (2020), Nền Internet Việt Nam đạt quy mô 14 tỷ USD, truy cập từ https://vtv.vn/kinh-te/nen-kinh-te-internet-viet-nam-dat-quy-mo-14-ty-usd-2020111114534437.htm