Chuyên gia WB: Nên coi Quy hoạch tổng thể quốc gia là tài liệu "sống", liên tục cập nhật
Ngày 26/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, các đơn vị tư vấn quốc tế đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, cần dành không gian đáp ứng các thích ứng mới mà chúng ta chưa lường tới được. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh "thật khó để đưa mọi thứ vào quy hoạch này" và cho rằng "vấn đề là cần dành không gian đáp ứng các thích ứng mới mà chúng ta chưa lường tới được".
Bà Carolyn Turk chỉ rõ, bản quy hoạch tổng thể không gian hiệu quả cần phản ánh được tầm nhìn phát triển của các cơ quan chức năng đối với tương lai của đất nước. Do đó, bản quy hoạch tổng thể phải dựa trên các phương pháp luận rõ ràng, căn cứ phân tích vững chắc và phải đặt ra các mục tiêu phát triển rõ ràng và ưu tiên.
"Chúng tôi hiểu rằng, không hề dễ dàng để có thể cân bằng giữa đa dạng mục tiêu phát triển, đặc biệt là khi cân nhắc giữa tính hiệu quả và sự công bằng", bà chia sẻ quan điểm của WB.
Theo bà Carolyn Turk, để thành công, bản quy hoạch tổng thể cũng cần phải trình bày rõ ràng cách thức dự tính để đạt được các mục tiêu phát triển không gian. Nói cách khác, quy hoạch tổng thể không chỉ được xây dựng tốt mà còn cần phải khả thi và hiệu quả.
"Điều này đặc biệt quan trọng do nguồn lực tài chính thì có hạn trong khi tham vọng thay đổi sự phát triển không gian của quốc gia lại đòi hỏi những quyết sách cứng rắn khi đưa ra quyết định, ưu tiên nguồn vốn và lựa chọn đầu tư", bà nói và nhấn mạnh yêu cầu, cần phải đảm bảo các kế hoạch đầu tư trung hạn được liên kết chặt chẽ, ưu tiên và theo đúng trình tự hướng tới kết quả nhằm cải thiện các quy hoạch tổng thể phát triển không gian quốc gia và khu vực, trong phạm vi dự báo đáng tin cậy về khả năng chi trả của ngân sách.
|
Về khung thể chế, pháp lý và quy định phù hợp để triển khai quy hoạch, bà Carolyn Turk nêu rõ, với lựa chọn ưu tiên phát triển không gian xung quanh một số vùng động lực và hành lang kinh tế nhất định, quan trọng là phải thực hiện một số điều chỉnh cần thiết đối với các khuôn khổ hiện tại - bao gồm pháp lý, thể chế, ưu đãi và cơ chế thực thi.
"Điều này sẽ giúp tăng cường sự phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang cũng như đầu tư khu vực giữa chính quyền trung ương với địa phương và giữa các địa phương với nhau", bà nói.
Cuối cùng, bà Carolyn Turk lưu ý, cần cải thiện quy trình đầu tư công, từ lựa chọn đến giải ngân. Cải thiện được quy trình đầu tư cũng có nghĩa là các cơ quan chức năng nắm trong tay một công cụ quan trọng để đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch tổng thể. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần quyết định cách thức giải quyết các vướng mắc về thu hồi đất theo vùng, nhằm đẩy nhanh các khoản đầu tư chiến lược và ưu tiên.
Bình luận về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam, TS. Danny Leipziger, Chuyên gia của WB nhận định, bản quy hoạch đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến môi trường, biến đổi khí hậu và hành lang kinh tế.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch giữa kỳ cũng được nhắc đến. Một số vùng kinh tế, với các dự án quy mô lớn cần được lựa chọn kỹ, đánh giá lại chất lượng đầu tư hiện tại trước khi tính tới dự án đầu tư mới.
"Vấn đề lớn với các bản quy hoạch tới 2030 trở đi là yếu tố bất định ngày càng tăng lên, cả trong điều hành kinh tế và đầu tư: từ địa chính trị, chuỗi cung ứng, an ninh mạng, đại dịch… Hàm ý của yếu tố bất định tăng lên là lợi ích đầu tư, thâm dụng vốn cần phải được cân nhắc", vị chuyên gia này nêu vấn đề và đề xuất rằng, nên hạn chế tạo ra các tài sản lãng phí, không sử dụng.
Để làm được điều này, theo TS. Danny Leipziger, Việt Nam nên coi bản quy hoạch là tài liệu sống, liên tục cập nhật, bám thực tế. "Tính bất định đòi hỏi chúng ta phải đánh giá, điều chỉnh, cân nhắc lại các yếu tố trong nước và toàn cầu", ông nói.
Vị chuyên gia này cho rằng, cách tiếp cận cơ bản theo hành lang hay tái cơ cấu lại các vùng động lực kinh tế, để phù hợp với kỳ vọng cho Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, nhằm thu hút đầu tư phải có ngành nghề mới, gắn với tập trung dân cư bằng việc phát triển các đô thị thông minh, có được các đại đô thị là phù hợp với Việt Nam.
Tuy nhiên, ông chỉ rõ, cần phải trao đổi khả năng đánh đổi du lịch sinh thái và các ngành, lĩnh vực khác. "Khi ta đề cập đến phát triển biển thì phải có đánh đổi, cân nhắc các yếu tố về môi trường”, TS. Danny Leipziger nêu rõ.
Về quan điểm xây dựng các vùng đô thị mới, vị chuyên gia đến từ WB cho rằng, cách tiếp cận kết nối giữa đại đô thị với đô thị nhỏ là hợp lý, nếu xây dựng các đô thị mới thì rất tốn kém, ngay cả Trung Quốc có nhiều tài nguyên hơn Việt Nam, cũng không thành công khi xây dựng các đô thị mới. Ông đề xuất, khi xây dựng quy hoạch, Việt Nam cần dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng vùng, có ưu thế gì, có kết nối, tài nguyên, đồng thời, nên tận dụng các lợi thế sẵn có về tài nguyên, con người…
"Bên cạnh đó, quy hoạch cũng nhìn vào rủi ro và đề phòng. Mục tiêu tăng trưởng GDP rất lạc quan, có nhưng cũng phải tính đến các yếu tố khác liên quan đến sử dụng vốn, năng suất sử dụng vốn…", ông lưu ý.
Góp ý về định hướng phát triển hệ thống đô thị trong dự thảo Quy hoạch, TS. Phó Đức Tùng, Chuyên gia của WB cho rằng, quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia cần có định hướng về những xu thế phát triển và dịch chuyển không gian lớn cấp quốc gia của hệ thống đô thị, để có những giải pháp định hướng, chứ không chỉ là những phát triển tự phát.
"Hệ thống hạ tầng mang tính định hướng quốc gia gồm những hạ tầng chiến lược nhằm hướng tới thực hiện hoá định hướng quy hoạch và tăng cường hiệu quả của hệ thống đô thị cần phải được thực hiện trước, để dẫn dắt phát triển đô thị chứ không phải chỉ là đi sau để phục vụ cho những đô thị hiện hữu", TS. Tùng đề xuất.
TS. Phó Đức Tùng cũng chỉ rõ, việc hội tụ về một lõi trung tâm nhỏ sẽ dẫn tới nhiều bất cập do quá tải mà hạ tầng khó đi theo kịp tốc độ để đáp ứng, chưa nói tới có thể đi trước. "Vì thế, điều quan trọng là cần phải kết nối nhanh từ trung tâm tới những vùng có tiềm lực phát triển thành các đô thị vệ tinh ở xung quanh để giảm tải lõi và phát huy hiệu ứng lan tỏa", vị chuyên gia này lưu ý.
Riêng về vùng cồn cát ven biển, ông Tùng khẳng định, đó là khu vực có giá trị đô thị cao cấp quốc tế, có khả năng thu hút các đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, hoặc là vùng đô thị du lịch với quy mô toàn cầu, thu hút những nguồn nhân lực cao cấp và khách du lịch tiềm năng nhất. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dân. Vì thế, "nên xác định đây là một quỹ đất để tham gia vào hệ thống đô thị sinh thái, du lịch biển toàn cầu, không phải là vấn đề nội bộ của các tỉnh hay của riêng Việt Nam", ông đề xuất./
Bình luận