Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Việt Nam lọt Top 10 nước xuất siêu sang Mỹ
Năm 2000, 6 năm sau khi Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt Nam, hai nước đã ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới của hợp tác kinh tế.
Kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 1,2 tỷ USD năm 2000 lên 36,3 tỷ USD năm 2014. Trong đó, giá trị nhập khẩu lên tới hơn 30,6 tỷ USD, tăng 24% so với một năm trước, đưa Việt Nam lên vị trí 15 trong danh sách những quốc gia có hàng hóa vào Mỹ, tăng 5 bậc so với một năm trước. Mặt khác, Mỹ xuất khẩu 5,7 tỷ USD vào Việt Nam, duy trì vị trí số 44.
Với việc đạt giá trị xuất siêu hơn 24,9 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 10 trong 234 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với nền kinh tế số một thế giới, tăng so với vị trí 11 của năm 2013 và vượt qua Ấn Độ.
So với trước đó một năm, tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng 27%, cao hơn Malaysia (17,3 tỷ USD) và Thái Lan (15,3 tỷ USD). Kết quả này khiến Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn nhất trong khu vực ASEAN cho thị trường này.
Về phía Việt Nam, số liệu của Tổng cục Hải quan cũng phản ánh Mỹ đang là đối tác xuất khẩu lớn nhất với 28,7 tỷ USD năm 2014, gần gấp đôi nước hai nước đứng sau là Trung Quốc và Nhật Bản. Con số thống kê của Việt Nam chênh lệch khoảng một tỷ USD so với phía đối tác.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, gỗ, túi xách, thủy sản (trong đó, có đến 8 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị 1 tỷ USD trở lên) và nhập khẩu máy móc, nguyên liệu cho ngành dệt may da giày, bông, chất dẻo, thức ăn gia súc...
Ngày 16-17/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã thăm chính thức Mỹ nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, nhân kỷ niệm 20 bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Hai nước cũng đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới. |
Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ (Amcham) đánh giá Việt Nam sẽ ngày càng trở thành đối tác thương mại quan trọng trong khu vực Đông Nam Á với kim ngạch thương mại song phương dự báo tăng lên 57 tỷ USD vào năm 2020, củng cố vai trò là điểm đến hàng đầu trong thương mại và đầu tư ở nước ngoài đối với các doanh nghiệp Mỹ.
Năm 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu thành công, các rào cản thương mại với Mỹ sẽ giảm đáng kể và càng thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Và khi năng suất lao động cao hơn, Việt Nam có thể trở thành đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng với Trung Quốc. Dự kiến, đến năm 2015, kim ngạch xuất - nhập khẩu hai bên có thể lên đến hơn 33 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt mức hơn 27 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là trên 6 tỷ USD.
Kể cả khi TPP chưa được ký kết, thị trường Mỹ còn rất nhiều tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam do thị phần xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mới chỉ chiếm 0,98% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này. Dự báo, nếu TPP được ký kết thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ có khả năng tăng lên mức trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Viện Nghiên cứu Peterson - một viện nghiên cứu độc lập ở Washington DC, khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận với thị trường trị giá 15.000 tỷ USD của Hoa Kỳ và những thị trường, như: Canada, Mexico và Peru, trị giá khoảng 3.000 tỷ USD.
Bà Marybeth Turner, chuyên viên kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết, Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm như dệt may, thủy sản, giầy dép, sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ, đồng thời tăng cường tiếp cận thị trường cho các sản phẩm mới như phụ tùng ô tô và thủy sản chế biến, thúc đẩy đầu tư từ Mỹ và các nước khác vào Việt Nam. Hiện nay, Hoa Kỳ áp dụng thuế lên tới 35% đối với hải sản đóng hộp khi chưa có TPP, tuy nhiên, sau khi TPP được ký kết, thuế suất nhập khẩu mặt hàng này vào Hoa Kỳ sẽ về 0%...
Phòng Thương mại Hoa Kỳ ước tính, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ có thể đạt tới 22 tỷ USD vào năm 2020 nếu TPP được thông qua. Tác động của TPP sẽ giúp may mặc và giầy dép xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng tới 45,9% vào năm 2025.
Rào cản phía trước
Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ còn đơn giản, hàm lượng gia tăng của sản phẩm còn thấp. Đến nay, chưa có sự chuyển biến về chất để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Bên cạnh đó, theo xu hướng chung, thị trường Mỹ đang gia tăng các rào cản (chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật - từ sản phẩm đến quy trình), đòi hỏi từ chất lượng sản phẩm sang tính chất quy trình sản xuất. Đây là những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Mỹ là một thị trường khó tính với nhiều luật lệ phức tạp, mỗi bang lại có quy định riêng, do đó doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu kỹ luật lệ, nếu không sẽ dễ dẫn đến những vụ kiện, tranh chấp thương mại.
Cơ hội thâm nhập thị trường Mỹ sẽ ngày càng rộng mở hơn sau khi TPP được ký kết, nhưng tính bảo hộ cho sản xuất trong nước của thị trường này rất cao, đặc biệt đối với một số mặt hàng, như: nông sản, thực phẩm...
Bên cạnh đó, những rào cản thương mại, kỹ thuật của Mỹ ngày càng khắt khe và nếu thấy có dấu hiệu làm nguy hại tới sản xuất trong nước, lập tức họ sẽ bổ sung những quy định mới, điều luật mới để đối phó. Ví dụ, các sản phẩm thủy sản Việt Nam khi vào thị trường Hoa Kỳ thường xuyên vấp phải việc bị kiện chống bán phá giá, nghĩa là sản phẩm được bán với giá rất rẻ. Điều đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải chú ý về chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu cũng như tìm hiểu thêm thông tin về thị trường...
Một cản trở nữa là hàng hóa xuất khẩu Việt Nam chỉ được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% tại thị trường Hoa Kỳ và các thị trường TTP khác với điều kiện các nguyên liệu, linh kiện của sản phẩm, hàng hóa có chứng nhận xuất xứ nội khối.
Một ví dụ cụ thể, theo quy định của TPP, tỷ lệ nội địa của sản phẩm phải trên 50% để tính xuất xứ hàng hóa, trong khi doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhất là trong ngành dệt may, chủ yếu là gia công, nên tỷ lệ này rất khó đạt. Hơn thế, nguyên liệu sản xuất trong nước phục vụ ngành dệt may cũng chưa nhiều và chưa rộng.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Đỗ Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Paroxy, doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu dệt may cho rằng, thách thức này nếu không được giải quyết bằng chính sách phù hợp thì sẽ chặn đứng các lợi ích của TPP với doanh nghiệp Việt.
Ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng cảnh báo, việc Việt Nam tham gia vào TPP sẽ gặp sức ép về mở cửa thị trường, cùng với đó là thách thức về khả năng nắm bắt cơ hội, nguy cơ bị trừng phạt thương mại, khởi kiện trong cạnh tranh.
Để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sâu hơn thị trường Mỹ
Ông Stuart Schaag, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ thị trường để hiểu biết thị trường thâm nhập và xu hướng phát triển của thị trường đó. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phát triển chiến lược, quyết định thời điểm và quy mô thâm nhập thị trường, xác định phương pháp marketing hỗn hợp của doanh nghiệp. Đồng thời, tìm và lựa chọn công ty vận tải chuyên nghiệp, hiểu biết quy định và giấy phép, thuế xuất và phí nhập khẩu, tiêu chuẩn và giấy chứng nhận của thị trường nhập khẩu.
Cần tìm hiểu biểu thuế quan hài hòa của Mỹ từ đó xác định nhu cầu cũng như đối thủ cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam là nguyên liệu đầu vào thì trước tiên doanh nghiệp cần tìm hiệp hội của ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm đó. Hầu hết tất cả các ngành/sản phẩm đều có hiệp hội doanh nghiệp và thành viên của những hiệp hội này sẽ là những khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tham gia các triển lãm thương mại công nghiệp tại Mỹ để tiếp cận khách hàng kinh doanh tiềm năng, tham gia thành mắt xích trong các chuỗi bán lẻ của nước này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể trở thành một nhà cung cấp “đạt tiêu chuẩn” đối với các doanh nghiệp Mỹ bằng cách nỗ lực đáp ứng các tiêu chí nêu tại “Cẩm nang nhà cung cấp” của các đối tác Mỹ.
Để có thể phát huy được hết những lợi thế khi tham gia TPP, ông Trần Bá Cường cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chủ động, tích cức tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng trong khu vực và toàn cầu. Cùng với đó, chủ động thực thi đầy đủ nghĩa vụ trong hiệp định, tránh vi phạm các quy định của hiệp định (đầu tư, lao động, môi trường…). Đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ cho người lao động.
Riêng đối với ngành thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), khi nhu cầu nhập khẩu tăng, lập tức các hàng rào kỹ thuật sẽ được siết chặt hơn. Ngành thủy sản luôn phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá sản phẩm tôm và cá tra từ thị trường Mỹ. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố thuế chống bán phá giá trong đợt rà soát lần thứ 10 (POR10) và áp dụng mức thuế tăng gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam.
“VASEP sẽ kiện DOC lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) để phản đối mức thuế chống bán phá giá cá tra. Song song đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần đầu tư phát triển và tiếp thị các mặt hàng giá trị gia tăng hoặc sản phẩm chế biến khác không bị áp thuế chống bán phá giá; chuẩn bị tốt để chủ động tham gia các đợt xem xét hành chính tiếp theo nhằm chứng minh doanh nghiệp Việt không bán phá giá để có cơ hội được hưởng mức thuế tốt hơn”, đại diện VASEP thông tin với báo giới.
Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin, bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP để xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất; đề ra các mục tiêu và phương thức hoạt động theo hướng xuất khẩu.
Về góc độ vĩ mô, Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh, như tinh giản các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn lao động và có chiến lược rõ ràng hơn với từng ngành công nghiệp./.
Bình luận