Không quan trọng là tăng bao nhiêu, mà là cách thức tăng thế nào?

Chia sẻ về vấn đề trật tự thị trường, Tại Hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2014: Thành quả cải cách phát triển 2014 và một số vấn đề chính sách 2015 – 2016 tổ chức sáng 11/2, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, cách thức quản lý giá hàng hóa của Việt Nam đang có sự sai lệch, “phi thị trường”.

Viện trưởng CIEM đánh giá, việc Bộ Công Thương bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện thay cho doanh nghiệp và cụ thể là EVN là có vấn đề.

Bộ đồng ý tăng giá để bù đắp thua lỗ cho doanh nghiệp thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, chẳng khác gì “Bộ lại bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”, vị chuyên gia này phân tích.

Trước đó, Bộ Công Thương cho rằng, nếu không tăng giá điện, EVN sẽ phá sản. Đồng thời, lãnh đạo Bộ này cũng đưa ra nhận định: Việc tăng giá điện sẽ giúp 3 bên – Nhà nước, doanh nghiệp và người dân - cùng có lợi.

“Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá, EVN phá sản và sụp đổ ngành điện. Có thể EVN phá sản, thì ngành điện mới phát triển được, chứ không phải kéo sụp đổ ngành điện”, TS. Nguyễn Đình Cung phản bác.

Vị chuyên gia này cho rằng, việc tăng giá điện không quan trọng là tăng bao nhiêu, mà là cách thức tăng giá thế nào?

Cách thức hợp lý trước mắt là đáng ra Bộ này phải rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện, tham vấn chuyên gia, tham vấn người tiêu dùng và các bên liên quan. Qua đó, kiểm soát giá điện bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng, sử dụng điện chức không phải bảo vệ lợi ích của EVN.

Về trung và dài hạn, ông Cung cho rằng, cần tách EVN thành nhiều phần, tách riêng phần sản xuất và phân phối với chuyển tải điện.

“Liên quan đến điện, Bộ Công Thương phải tách làm 3: Chính sách điện; sở hữu EVN và các đơn vị trực thuộc; cơ quan điều tiết điện lực quốc gia. Đồng thời, thành lập thị trường cạnh tranh về điện” – TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất.

Không nên ép doanh nghiệp vận tải giảm giá

Mặc dù chi phí xăng dầu chiếm khá lớn trong giá thành vận tải, tuy nhiên mặc cho xăng dầu nhiều lần giảm liên tiếp, nhiều doanh nghiệp vẫn tải vẫn chưa “chịu” giảm giá, hoặc điều chỉnh với mức thấp dù bị các cơ quan quản lý “ép” bằng nhiều cách như xử phạt hành chính, thậm chí giữ xe, rút giấy phép.

Đánh giá cách hành xử này, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cách thức quản lý hành chính áp đặt đó có lẽ không còn phù hợp, chỉ làm cho thị trường méo mó và kém công bằng hơn.

Việc quản lý giá xăng và giá cước vận tải hiện nay đang có sự sai lệch, xuất phát từ chính thức nhận thức các nhà quản lý. “Thay vì tìm nguyên nhân thực sự vì đâu các doanh nghiệp không chịu giảm cước thì hai Bộ Tài chính và Giao thông lại rà soát đăng ký giá rồi thanh tra doanh nghiệp, rồi ép doanh nghiệp giảm giá”, ông Cung nói.

Ông Cung cho rằng việc doanh nghiệp chây ì chưa chịu giảm cước, hoặc có giảm, thì giảm rất nhỏ giọt có nguyên nhân cơ bản là do cung cầu không có khả năng cân bằng trong ngắn hạn; thị trường kém, hoặc không có cạnh tranh.

Nguyên nhân của các nguyên nhân trên theo Viện trưởng CIEM là do các rào cản gia nhập thị trường còn quá cao, doanh nghiệp mới không thể gia nhập thị trường dễ dàng; thị trường kém linh hoạt và năng động đủ tạo sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp hiện có.

Thị trường đã không có khả năng mở nhanh nguồn cung để có thể giảm giá. Đã vậy, các cơ quan quản lý lại áp dụng nhiều hình thức làm phần cung thiếu hụt hơn, như giữ xe, giữa bằng lái xe… trong khi dân vẫn phải đi lại khiến thị trường càng thêm méo mó, thiếu hụt thêm.

Vì thế, vấn đề ở đây là cấu trúc thị trường và kiểm soát độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Công cụ quản lý là chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền chứ không phải là kiểm soát, thanh tra giá, càng không phải là can thiệp và mệnh lệnh hành chính.

“Cơ quan thực hiện đáng ra phải là Cục Quản lý cạnh tranh chứ không phải Cục Quản lý Giá, bên cạnh đó là sự đồng hành của báo chí và các tổ chức xã hội dân sự.”, ông Cung chỉ rõ.

Đồng tình với TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nếu chỉ có hai bộ Tài chính và Giao thông tăng cường giám sát thanh tra thì rất khó trong vấn đề quản lý giá.

“Chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của Cục quản lý cạnh tranh và Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”, ông Doanh kiến nghị.

Là người rất hiểu về vị trí và vai trò của Cục Quản lý cạnh tranh, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thẳng thắn: “Tại thời điểm còn làm Bộ trưởng, tôi đã nhìn ra hạn chế của Cục Quản lý cạnh tranh khi đặt tại Bộ Công Thương. Nhưng, tại thời điểm đó chưa thể đưa Cục này ra khỏi Bộ Công Thương vì vướng phải tư duy định hướng mới và chính sách của Chính phủ là hạn chế đẻ thêm tổng cục, đẻ thêm bộ mới. Hiện tại, tôi đồng ý là nên có 1 cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập”.

Ông Tuyển cũng cho rằng, cách quản lý giá hiện nay không hiệu quả, kìm giữ giá kiểu hiện nay sẽ vô phương.

Năm 2015: có cơ hội để thay đổi

“Chúng ta đang tiến hành rất chậm tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Có những điều đã nói từ lâu nhưng chẳng giải quyết được gì, quan trọng nhất là cải cách thể chế, tạo ra một thể chế thị trường, cạnh tranh mới”, ông Tuyển phân tích.

Cụ thể hơn, theo TS. Nguyễn Đình Cung, vấn đề căn bản không chỉ là thay đổi vai trò, chức năng của Nhà nước nói chung, Chính phủ nói riêng, mà còn cả cơ cấu tổ chức chính phủ và cách thức, công cụ quản lý nhà nước; Thiết lập các tổ chức, cơ quan chuyên trách, độc lập để xây dựng và duy trì trật tự thị trường, như: cơ quan giám sát điện, cơ quan kiểm soát độc quyền, ngân hàng trung ương.

Năm 2015 có cơ hội thay đổi khi chuẩn bị ban hành Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương.“Nếu bỏ cơ hội này, chúng ta phải chờ thêm ít nhất 5 năm”, ông Cung lo lắng.

Bên cạnh đó, theo ông Cung cần sửa chữa khiếm khuyết của thị trường, nâng đỡ thị trường, thuận lợi hóa và duy trì trật tự, kỷ luật thị trường; đổi mới thể chế về sở hữu và quyền sở hữu và thể chế về giao dịch thị trường (sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự…).

“Đó chính là đổi mới và nâng cao hiệu lực quản trị nhà nước”, vị chuyên gia này khẳng định./.