"Cởi trói" 14 loại phí cho gà và nỗi lo của ngành chăn nuôi trước hội nhập
14 loại phí cho gà được cởi bỏ
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 113, bãi bỏ 14 khoản thu lệ phí liên quan đến cấp giấy phép và 21 chỉ tiêu thu phí ở nhiều khâu cho thú y. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 8/8.
Việc bỏ và sửa đổi 14 loại phí kiểm dịch bất hợp lý vừa được Bộ Tài chính thực hiện sau khi có đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Trước đó, câu chuyện một con gà "cõng" 14 loại phí, lệ phí được đề cập tại diễn đàn Quốc hội đầu năm nay khiến nhiều cử tri cả nước bức xúc.
Những loại phí, lệ phí này gồm: phí kiểm dịch gà con mới nở, cấp giấy kiểm dịch xuất khẩu gà khỏi trang trại ngoài tỉnh, kiểm soát giết mổ, tiêu độc, khử trùng... Quá trình chăn nuôi, các cơ sở phải lấy mẫu nước để kiểm tra xem có bệnh gì trên gia cầm không cũng phải đóng phí.
Tình trạng quá nhiều loại phí, lệ phí gây trùng lắp, chồng chéo theo phản ánh của các doanh nghiệp, làm tăng chi phí sản xuất và lưu thông. Bản thân Bộ Tài chính lý giải sự chồng chéo này do lĩnh vực thú y có nhiều hoạt động chuyên môn thực hiện lặp đi lặp lại ở nhiều khâu, như vệ sinh, tiêu độc phương tiện vận chuyển; niêm phong phương tiện vận chuyển; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật…
"Vì vậy, khi thực hiện lặp lại các công việc này ở các khâu khác nhau thì cũng đề xuất thu các khoản phí, lệ phí tương ứng", cơ quan này cho hay.
Việc gỡ bỏ hàng loạt phí, lệ phí bất hợp lý này được thực hiện sau những yêu cầu dứt khoát của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại kỳ họp trước.
"Hủy khoản đó đã, sau đó sẽ sửa đổi cả thông tư sau. Điểm nào không hợp lý thì Bộ trưởng phải hủy ngay", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, do những bất cập trong quá trình thực hiện, trước khi văn bản được ban hành, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Bộ trưởng Tài chính ra thông báo dừng thi hành quy định này từ giữa tháng 6.
“Lao đao” trước ngưỡng cửa hội nhập?
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, chăn nuôi không phải là một ngành mà Việt Nam đang có lợi thế. Sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu sẽ buộc ngành phải tái cấu trúc mạnh mẽ để tăng hiệu quả nhằm tồn tại trên thị trường.
Nhiều hộ nông dân, các trang trại, các doanh nghiệp kém hiệu quả trong ngành như phân ngành thịt lợn và thịt gia cầm sẽ buộc phải rời khỏi thị trường trong khi những hộ, trang trại, doanh nghiệp còn tồn tại được sẽ phải tái cấu trúc để có thể cạnh tranh.
Khi đó, các chính sách hướng đến việc tái cấu trúc ngành chăn nuôi là cần thiết nhằm thỏa mãn một phần nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng và nhằm giảm bớt thua thiệt cho những đối tượng buộc phải chuyển đổi công việc hoặc buộc phải rời khỏi ngành.
Trong quá trình hội nhập, các biện pháp tạm thời như lộ trình cắt giảm thuế quan, sử dụng hạn ngạch hay các biện pháp phi thuế quan có thể được xem xét sử dụng để bảo vệ các phân ngành được ưu tiên.
Theo một số chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tái cấu trúc ngành chăn nuôi cần hướng đến ưu tiên vào các ngành không có nguy cơ chịu cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập do thói quen tiêu dùng như thịt tươi hoặc các sản phẩm mang tính đặc sản như gà đồi, lợn mán, lợn cắp nách…
Hiện nay, các loại phí còn cao, hoặc phức tạp. Đơn cử trường hợp một con gà hay quả trứng phải cõng từ 14-17 loại thuế, phí khác nhau từ thuế nhập khẩu thức ăn, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, đến thuế VAT và các loại phí kiểm dịch.
Bên cạnh đó, nhiều loại thuế và phí còn chồng chéo, không hợp lý, làm tăng chi phí cho người nông dân và doanh nghiệp.
Tại Hội thảo khoa học “Đánh giá tác động của TPP và AEC: Khía cạnh Kinh tế Vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi" được tổ chức ngày 03/08 vừa qua, TS. Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thậm chí phải thốt lên rằng: “Ngành chăn nuôi sẽ là vật hy sinh cho TPP”.
Một vài phép so sánh nhỏ cho thấy, giá thịt gà, thịt lợn trong nước hiện đều đắt gấp 2-3 lần so với giá một số nước trên thế giới. Cụ thể, giá thành sản xuất 1kg sữa tươi ở Việt Nam là 65 cent USD (khoảng 14.000đ). Trong khi đó tại New Zealand, 1 kg sữa tươi chỉ có giá bằng một nửa (khoảng 6.500đ). Giá thành 1 kg gà lông trắng của Việt Nam lên tới 32.000đ/kg cạnh tranh sao nổi với thịt gà đùi của Mỹ chỉ bán với giá 20.000 đ/kg.
Thịt lợn hơi của Việt Nam bán với giá 45-55 nghìn đồng/kg, đắt gấp 3 lần giá thịt lợn hơi bán tại thị trường Chicago (Mỹ) là 85-90 cent/kg (khoảng 15.000đ/kg). Nếu đặt lên bàn cân so sánh, ngành chăn nuôi của Việt Nam chẳng có mấy lợi thế khi TPP ký kết.
Bên cạnh đó, vấn đề thị trường đầu ra cũng là một trong những “cái khó” của ngành chăn nuôi. Hiện nay, tình trạng kinh doanh nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến, doanh nghiệp mới ngại gia nhập thị trường.
Quy mô sản xuất manh mún, công nghệ thấp, tiêu thụ gắn với sản xuất… là những đặc điểm dễ nhận thấy của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại, ngành chăn nuôi sẽ khó lòng cạnh tranh với các thị trường nước ngoài và doanh nghiệp sẽ dễ bị loại bỏ khỏi thị trường.
Lời giải nào cho ngành chăn nuôi?
Trước thực trạng đáng báo động đối với ngành chăn nuôi khi TPP đang cận kề, cũng cho biết tại Hội thảo khoa học quốc tế nói trên, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, nếu TPP được ký kết, sau khi dỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan, các ngành được bảo hộ bằng thuế quan sẽ bị tác động mạnh.
Theo TS. Thành, các chính sách về thuế trong chăn nuôi cũng nên có định hướng rõ ràng hơn về việc khuyến khích các mô hình chăn nuôi mới như các trang trại công nghệ cao, các hợp tác xã kiểu mới, hay những trang trại quy mô lớn có liên kết chặt chẽ với các hộ nông danh và nhà phân phối. Cấu trúc các loại thuế và phí cho sản phẩm chăn nuôi cũng cần được cơ cấu lại.
Còn theo TS. Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, khi TPP được hình thành, thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, thiết bị công nghệ... trong ngành chăn nuôi sẽ giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, một số phân ngành nhỏ như sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, gà chạy đồi, lợn mán, lợn cắp nách... vẫn có cơ hội phát triển trong TPP do thói quen tiêu dùng của người Việt.
“Hiện Chính phủ đã ban hành một nghị định và một quyết định để định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong đến 2020, nhưng vấn đề là đợi ngân sách bố trí để thực hiện những chính sách ấy giúp doanh nghiệp và nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, thích ứng được”, ông Chinh nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành chăn nuôi cần nhanh chóng tái cơ cấu; biến người nông dân vốn chưa quen kỷ luật lao động kỷ luật cao thành những công nhân nông nghiệp, họ phải được đào tạo, kỷ luật lao động cao.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, người nông dân trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay không thể muốn làm gì thì làm, mà cần phải tuân theo những nguyên tắc, đòi hỏi của thị trường. Chẳng hạn, đối với ngư dân cung cấp cá ngừ cho Nhật Bản, nếu có thể đáp ứng yêu cầu cung cấp cá ngừ loại 1, ngư dân sẽ bán được với giá cao gấp 3,4 lần và có thể trở nên “giàu to”.
“Khi hội nhập, thách thức sẽ đến ngay nhưng cơ hội cần nắm bắt. Hội nhập mang theo cơ hội, đồng thời cũng là thách thức rất lớn. Do đó, người nông dân cũng cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước ngưỡng cửa hội nhập”, TS. Doanh chia sẻ./.
Bình luận