Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) trong phiên họp hôm nay (ngày 15/11). Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2023.
Nội quy kỳ họp Quốc hội là văn bản quy định về thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại kỳ họp. Nội quy kỳ họp xác định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.
Một điểm mới quy định tại phiên họp toàn thể thảo luận lần đầu về dự án luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo, là Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp mời đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Tại phiên họp toàn thể thảo luận lần tiếp theo về dự án luật, dự thảo nghị quyết, mời đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Quốc hội cho phép công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội |
Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định rõ, đại diện cơ quan nhà nước, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan báo chí có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội. Căn cứ chương trình kỳ họp Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội quyết định danh sách người được mời...
Đặc biệt, công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Chế độ sử dụng tài liệu và vị trí chỗ ngồi của người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội do Tổng thư ký Quốc hội quyết định.
Nội quy kỳ họp lần này đã khẳng định tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức văn bản điện tử, trường hợp thuộc bí mật Nhà nước thì lưu hành bằng văn bản giấy. Đối với tài liệu đã lưu hành bằng văn bản điện tử, trong trường hợp cần thiết, Tổng thư ký Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Thường trực Hội đồng Dân tộc, thường trực ủy ban của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định việc lưu hành thêm văn bản giấy. Trường hợp đại biểu Quốc hội có yêu cầu, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức việc cung cấp thêm tài liệu bằng văn bản giấy…/.
Bình luận