Đại biểu quốc hội "mổ xẻ" Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế
Ngày 2/11, tại phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020, đa số ý kiến phát biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ, các nội dung được chuẩn bị công phu, nghiêm túc thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn mới.
Vẫn còn nhiều khiếm khuyết
Theo các đại biểu, qua hơn 5 năm thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế đã có những đóng góp tích cực, giúp kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn, đứng trên bờ vực suy thoái. Việc chọn 3 khâu đột phá là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng để tái cơ cấu có ý nghĩa vô cùng quan trọng và đều đạt được những kết quả tích cực. Những kết quả đạt được là tiền đề cho việc tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo của quá trình tái cơ cấu. Mặc dù vậy, tái cơ cấu vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra, còn nhiều yếu kém, hạn chế
Nguyên nhân đầu tiên của các yếu kém, theo đại biểu Phùng Văn Hùng (tỉnh Cao Bằng) là do vấn đề nhận thức; do chưa tạo được nhận thức đầy đủ từ trung ương đến địa phương về tầm quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế.
“Điều này thể hiện ở việc, mặc dù nhiều bộ, ngành và địa phương có xây dựng đề án tái cơ cấu nhưng còn mang nặng tính hình thức, triển khai chậm, đặc biệt là ở địa phương. Qua đi giám sát chúng tôi có cảm nhận 5 năm rồi nhưng tái cơ cấu vẫn chưa về tới địa phương. Tình trạng coi việc tái cơ cấu là việc của trung ương khá phổ biến”, vị đại biểu đến từ Cao Bằng chỉ rõ.
Từ đó, đại biểu Hùng đề nghị, Chính phủ cần quyết liệt, sát sao hơn trong công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về tái cơ cấu kinh tế để các cấp, các ngành và xã hội có chung một nhận thức và hiểu biết đúng về tái cơ cấu, coi việc tham gia vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế là trách nhiệm của chính mình.
Nguyên nhân thứ hai, theo đại biểu Hùng là do tái cơ cấu chưa được coi trọng, chưa thu hút được sự tham gia của cả xã hội, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đây là yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng tới sự thành công của tái cơ cấu.
“Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng năm 2013 đã chỉ ra rằng, tái cơ cấu chính là quá trình phân bổ lại các nguồn lực trên phạm vi cả nước. Nguồn lực nhà nước thì có hạn, nguồn lực của xã hội thì cực kỳ lớn nếu được tham gia vào quá trình tái cơ cấu chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước”, đại biểu Hùng lý giải.
“Đáng tiếc rằng trong thời gian qua mới chỉ có nhà nước và khu vực kinh tế nhà nước tham gia vào tái cơ cấu là chủ yếu”, vị đại biểu này chia sẻ.
Đại biểu Phùng Văn Hùng: "Đáng tiếc rằng trong thời gian qua mới chỉ có nhà nước và khu vực kinh tế nhà nước tham gia vào tái cơ cấu là chủ yếu”
Một nguyên nhân nữa khiến tái cơ cấu chưa mang lại kết quả như mong muốn, đại biểu Hùng là do công tác tổ chức thực hiện.
“Đó là chưa có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương xuống địa phương, chưa có một cơ quan chính thức có đủ thẩm quyền để chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, chưa có sự phân công cụ thể, chưa đưa ra được tiến độ, lộ trình thực hiện tái cơ cấu và một cơ chế giám sát hiệu quả”, đại biểu Hùng thẳng thắn.
Còn đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) chỉ ra những hạn chế trong suốt 30 năm tăng trưởng kinh tế là: Nền kinh tế còn thiếu tôn trọng các nguyên tắc của thị trường, vẫn có sự can thiệp hành chính vào quá trình giao lưu hàng hóa; (ii) Thiếu sự đồng bộ giữa các quy hoạch, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất; (iii) Thiếu những thể chế để tạo môi trường, điều kiện giám sát và phản biện của mặt trận, của đoàn thể, của xã hội đối với các định chế liên quan đến nền kinh tế.
Từ đó đại biểu Quốc kiến nghị, chọn kịch bản tái cơ cấu quyết liệt thay vì chọn kịch bản tái cơ cấu cơ bản hoặc là đẩy mạnh tái cơ cấu.
Đại biểu Lê Quân (TP Hà Nội) chỉ ra một số khiếm khuyết của bản Kế hoạch.
Thứ nhất, kế hoạch chưa phân tích đầy đủ về tác động của tái cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu thu nhập, rộng hơn là đời sống của người dân. Trong khi, đời sống và hạnh phúc của người dân mới là mục tiêu cao nhất của tái cơ cấu kinh tế.
Ông Quân đề xuất, trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội tôi nên cân nhắc bổ sung thêm vấn đề tái cấu trúc liên quan đến nguồn nhân lực trong giai đoạn tới mà bản thân Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chuẩn bị rất sẵn sàng.
Đại biểu Quân cũng cho rằng, kế hoạch chưa đề cập tương xứng với câu hỏi hiện nay là làm thế nào huy động được nguồn lực trong dân để phát triển kinh tế. Báo cáo gần đây cho thấy 500.000 doanh nghiệp Việt Nam có suy hướng suy giảm rõ rệt cả về tăng trưởng lẫn hiệu quả và hầu hết chúng ta chưa có các doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu và sản phẩm mang tính chất quốc tế, tầm quốc tế.
“Vậy câu hỏi là nguyên nhân từ đâu, có phải tại các doanh nghiệp Việt Nam không chịu lớn. Các câu hỏi trong đề án phải trả lời được những nguyên nhân. Bởi theo tôi khi kế hoạch tái cơ cấu chưa làm rõ được câu trả lời có phải vì do niềm tin khi đầu tư hoặc đơn thuần là vấn đề thủ tục, môi trường kinh doanh, hoặc trong bối cảnh hiện nay đang thiếu rất nhiều cơ hội đầu tư để các khu vực tư nhân có thể tham gia”, đại biểu Quân băn khoăn.
Quốc hội cần ban hành một nghị quyết riêng về tái cơ cấu
“Do vậy, tôi rất mong lần này Quốc hội sẽ ra nghị quyết riêng về tái cơ cấu và Chính phủ sẽ thành lập một cơ quan chỉ đạo chuyên trách tinh gọn ở trung ương. Tại địa phương thành lập cơ quan chỉ đạo ở cấp tỉnh. Do tầm quan trọng của tái cơ cấu nên người đứng đầu cơ quan chỉ đạo ở trung ương nên đồng chí Thủ tướng còn ở địa phương người đứng đầu nên giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh”, đại biểu Phùng Văn Hùng đề xuất.
“Để thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu này, cử tri cả nước mong Đảng, Quốc hội và Chính phủ quyết liệt hơn nữa, không khoan nhượng trong cuộc chiến chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm và lợi ích cục bộ, những vật cản đang cản trở quá trình thực hiện tái cơ cấu và sự nghiệp phát triển của đất nước”, đại biểu Phùng Văn Hùng mong muốn.
Ở một góc độ khác, đại biểu Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) lại quan ngại rằng, trong thực tế đang diễn ra một làn sóng mạnh mẽ chứa đựng những nguy cơ to lớn, nhưng tiềm ẩn những thách thức cần phải được đánh giá một cách sâu sắc ảnh hưởng của nó trong bản tái cơ cấu. Đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một kết quả tất yếu và tích cực của nền kinh tế tri thức với những đột phá về công nghệ ứng dụng internet mạnh mẽ và gần như không có giới hạn.
Theo báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế công bố tháng 7/2016 trong 2 thập kỷ tới dự báo 56% việc làm ở Đông Nam Á và riêng Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may, gia công lắp ráp có nguy cơ mất việc do ứng dụng các công nghệ tự động.
“Các lợi thế về lao động chi phí thấp, tài nguyên của nước ta cũng đang dần mất đi bởi sự ra đời của các vật liệu mới, có khả năng tái tạo. Công nghệ nano và tự động hóa những phát kiến này làm cho các nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch về những nơi có hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao, công nhân có kỹ thuật cao và các trung tâm phân phối lớn. Thách thức này có nguy cơ phá vỡ cơ cấu các ngành kinh tế”, đại biểu Nhân cảnh báo.
Trên cơ sở đó, theo vị đại biểu này, cần xem xét, đánh giá một cách cẩn trọng để xác lập các mô hình tăng trưởng cho nền kinh tế trong dài hạn. Những ngành, lĩnh vực và số lao động tham gia có nguy cơ bị thay thế cần đánh giá và định vị lại trong kế hoạch dài hạn.
Trong bối cảnh cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước nếu vẫn chạy theo đầu cơ ngắn hạn như trong giai đoạn vừa qua, theo vị đại biểu này thì sẽ không có chuyển dịch cơ cấu về mặt thực chất. Do vậy, đại biểu Quân cho rằng, cần tái cơ cấu cơ bản và quyết liệt; tại một số khâu cần phải chỉ rõ và mạnh hơn ba khâu rất quan trọng để giúp giải phóng nguồn lực trong dân.
Vị đại biểu đến từ Hà Nội yêu cầu, không coi một số doanh nghiệp nhà nước là con bò sữa của ngân sách, bởi sau thoái vốn các con bò sữa này sẽ cho sữa nhiều hơn do hoạt động thường hiệu quả hơn và đóng thuế nhiều hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu này cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác công tư. Trong kế hoạch tái cơ cấu và kế hoạch đầu tư trung hạn còn rất mờ nhạt về giải pháp này. Trong khi hợp tác công tư giúp nhanh chóng thu hút vốn xã hội vào cung ứng dịch vụ công. Có thể nhận thấy, hình thức này sẽ tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao...
“Hình thức này thời gian qua đã thu hút được rất nhiều vốn xã hội vào phát triển hạ tầng. Lỗi không phải do BOT mà lỗi do quản lý chưa tốt dẫn đến phí và giá chưa tương xứng với chất lượng”, đại biểu Quân thẳng thắn.
Cuối cùng, vị đại biểu này đề nghị, xem lại tính kết nối và lôgíc giữa các kế hoạch, như kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 và kế hoạch tài chính trung hạn.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, kế hoạch tái cấu trúc kinh tế cần bổ sung một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, xác định rõ ngành, sản phẩm ưu tiên trong tái cơ cấu kinh tế. Cần làm rõ cơ sở để xác định 11 sản phẩm nông- lâm- thủy sản, 7 ngành dịch vụ, 13 ngành công nghiệp ưu tiên. Trong đó, việc phân tích chuyển dịch cơ cấu của từng nhóm, ngành này trong cơ cấu nội bộ từng khu vực kinh tế nông- lâm- thủy sản, công nghiệp xây dựng, dịch vụ chưa được thể hiện rõ trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế. Hiệu quả sản xuất của từng nhóm, ngành đã được xác định có thể bằng giá trị gia tăng hoặc giá trị sản xuất/vốn đầu tư chưa được thể hiện. Ngay cả tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cũng chưa được tính toán đầy đủ.
Vấn đề thứ hai, tái cơ cấu đầu tư công gắn với tiềm năng phát triển vùng và địa phương. Song song với việc xác định đầy đủ những nhóm ngành sản phẩm ưu tiên chung của nền kinh tế, các nhóm ngành sản phẩm này được gắn kết với từng vùng kinh tế, cần được thể hiện rõ hơn.
Vấn đề thứ ba, nguồn nhân lực trong tái cơ cấu kinh tế cần làm rõ thêm trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế là nguồn nhân lực của các ngành kinh tế, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho những nhóm ngành sản phẩm ưu tiên, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đòi hỏi sự chuyển biến đáng kể trong lực lượng lao động giữa các ngành kinh tế.
Cuối cùng, sử dụng và phân bổ nguồn ngân sách từ cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.
“Trong thời gian tới nguồn lực nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp do địa phương quản lý cần được phân cấp cho địa phương để sử dụng, phân bổ và phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ tái cơ cấu kinh tế địa phương”, vị đại biểu này đề xuất.
Còn đại biểu Lý Tiết Hạnh (tỉnh Bình Định) thì cho rằng, trong định hướng tái cơ cấu nền kinh tế cần tập trung làm rõ hơn nữa nội dung phát triển kinh tế vùng gắn với quy hoạch và phát triển ngành, lĩnh vực của quốc gia.
Theo vị đại biểu này, thì vấn đề phát triển kinh tế vùng không phải là vấn đề mới, trong hơn 10 năm qua Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chínnh sách để thực hiện phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng kinh tế.
Để khắc phục hạn chế nêu trên, theo đại biểu Hạnh, cần có sự chỉ đạo, điều phối của Chính phủ thông qua hoạt động của các bộ, ngành.
Bên cạnh tái cơ cấu dựa trên hai trụ cột là đẩy mạnh quản lý nhà nước và tái cơ cấu ngành kinh tế, vùng kinh tế như kế hoạch đề ra, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Tp.Hồ Chí Minh) đề nghị góp thêm trụ cột thứ ba là xác lập cộng đồng doanh nghiệp là đối tác của Chính phủ, là chủ lực, nòng cốt trong việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Về trọng tâm phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu cũng đề nghị ngoài việc sáng tạo, khởi nghiệp hoặc hình thành nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ dự kiến năm 2020 có 1.000.000 doanh nghiệp, Chính phủ nên ủng hộ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có thể đảm bảo uy tín, thương hiệu, quy mô và thị phần, khẳng định vị thế doanh nghiệp Việt Nam trên thương trường quốc tế./.
Bình luận