Dân số vàng: Việt Nam nắm bắt cơ hội hay đối phó thách thức?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã đặt vấn đề như vậy tại Hội nghị Công bố báo cáo nghiên cứu Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách, được tổ chức ngày 23/11/2015.
Cơ hội nếu không nắm bắt sẽ trở thành thách thức
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, theo kết quả dự báo dân số giai đoạn 2009-2049 của Tổng cục Thống kê (công bố năm 2011), Việt Nam bước vào thời kỳ cơ hội dân số vàng từ năm 2007 và thời kỳ này có thể kéo dài đến năm 2041. Đây là tiền đề quan trọng để các quốc gia có thể tận dụng, khai thác thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững kinh tế đất nước.
“Đối với một nước đang phát triển còn rất thiếu vốn để phát triển như Việt Nam, việc nâng cao chất lượng và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực trẻ phục vụ tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng” – Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.
Đồng ý với quan điểm trên, đại diện Quỹ Phát triển Liên hợp quốc - cơ quan có nhiều hỗ trợ tích cực, hiệu quả trong triển khai nghiên cứu và thực hiện nhiều chính sách về dân số, bà Ritsu Nacken – Quyền trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhấn mạnh đến 3 yếu tố Việt Nam cần có kế hoạch ứng phó với thách thức của giai đoạn già hóa hiện nay trước khi quá muộn đó là: thế hệ trẻ, năng suất lao động và tình hình Việt Nam đang ở thời kỳ dân số già hóa với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với một số nước láng giềng.
Bằng các bằng chứng nghiên cứu cụ thể qua phương pháp NTA, PGS, TS. Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, tăng năng suất lao động là yếu tố hết sức quan trọng khi dân số ngày càng già, khiến cơ cấu tuổi lao động cũng thay đổi theo hướng tỷ trọng lao động lớn tuổi nhiều hơn; lao động trẻ càng nhiều thì năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế ngành và toàn bộ nền kinh tế càng được cải thiện; dịch chuyển lao động đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi năng suất lao động ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung; cơ chế và thể chế là yếu tố quan trọng, nhằm hiện thực hóa các chính sách đề xuất ở trên.
Nói về thực trạng cơ cấu lao động hiện nay, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Đỗ Văn Thành cho hay, tỷ trọng lao động của ngành nông, lâm, thủy sản trong tổng số lao động của nền kinh tế vẫn đang trong xu hướng giảm dần, trong khi tỷ trọng lao động của các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ có xu hướng tăng dần. Tuy nhiên, nếu coi năng suất lao động của ngành nông lâm thủy sản là 1 thì sự chênh lệch về năng suất lao động của các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ so với của ngành nông lâm thủy sản đều có xu hướng thu hẹp dần ở giai đoạn 2001-2010, nhưng thay đổi không đáng kể ở giai đoạn 2011-2014.
“Có thể nói tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của nền kinh tế ở các giai đoạn 2001-2005, 2006-2010 chủ yếu được quyết định bởi tốc độ tăng năng suất lao động của ngành nông lâm thủy sản, các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ có tốc độ tăng năng suất lao động khá thấp.
Tuy nhiên, nhấn mạnh về yếu tố năng suất, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, có 4 nhân tố về năng suất cần phải quan tâm “năng suất lao động là sản lượng đầu ra trên mỗi đơn vị lao động; năng suất của nguồn lực (hiệu suất đầu vào của sản xuất, như các nguyên liệu, năng lượng, nước…; năng suất tài sản (mức độ sử dụng trang thiết bị, như: nhà, tài sản, lợi nhuận thu về từ vốn đầu tư ban đầu…); năng suất đất đai”.
Hiện nay, các yếu tố năng suất trên đang được sử dụng rất lãng phí. Trong khí đó, việc chuyển dịch cơ cấu từ khu vực công sang khu vực tư nhân vẫn còn hạn chế. Theo nghiên cứu 2035 đã đưa ra một thông điệp đáng buồn là bản thân khu vực tư nhân trong nước của Việt Nam cũng không có năng suất cao như kỳ vọng. Năng suất vẫn thấp, kể cả trong một số trường hợp so với khối doanh nghiệp nhà nước.
“Bởi, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quá bé về quy mô, quá bé về nguồn lực không giúp cho nước ta tăng năng suất được, tạo được năng suất tốt. Vì vậy, thông điệp là từ nay đến 2035 phải tạo điều kiện cho khu vực tư nhân của Việt Nam phát triển lành mạnh, tăng năng suất lên” – Bà Phạm Chi Lan khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương chủ trì Hội nghị
Ít nhất mỗi 5 năm cần điều chỉnh nhu cầu nhân lực
Theo bà Phạm Chi Lan cần đẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung – cầu nhân lực theo nghề, ngành đào tạo trong các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động từ tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, thăng tiến… lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động.
Bên cạnh đó, các nghề, ngành đào tạo, ngành kinh tế càng phân cấp sâu càng tốt, nhưng ít nhất phải đến nghề cấp 2, ngành kinh tế cấp 2, ngành đào tạo cấp 3 (trình độ đào tạo là ngành đào tạo cấp 1). Việc dự báo nhu cầu nhân lực ở cấp độ này phải có tầm nhìn ít nhất 10 năm và điều chỉnh ít nhất là mỗi 5 năm.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Thành nói thêm, việc dự báo cung cầu nhân lực theo nghề lao động chuẩn cấp 1 (9 nghề) và theo trình độ đào tạo trong các ngành kinh tế cấp 1 phải có tầm nhìn ít nhất 20 năm, đến 2035 và được điều chỉnh ít nhất là mỗi 5 năm.
Ngoài ra, nhấn mạnh đến yếu tố hội nhập, ông Thành cũng cho rằng, Việt Nam cần chủ động nghiên cứu nhu cầu nhân lực thế giới, xác định những ngành nghề mà thế giới có nhu cầu. Từ đó, xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động./.
Bình luận