Đánh giá 5 năm thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Những thành tựu đạt được
Sau 5 năm thực hiện, Chiến lược TTX đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật thể hiện ở các nội dung xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện, huy động nguồn lực nhà nước và tư nhân… Cụ thể như sau:
Về xây dựng thể chế
Điểm nhấn quan trọng nhất sau 5 năm thực hiện Chiến lược TTX là bước đầu hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho việc triển khai thực hiện TTX, bao gồm: các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các luật, nghị định, thông tư trong các lĩnh vực.
Cụ thể, ngày 03/06/2013, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ban hành Nghị quyết số 24 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trong tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng TTX và phát triển bền vững.
Quốc hội cũng đã ban hành mới, hoặc bổ sung sửa đổi một số luật liên quan đến TTX, như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn.
Cùng với đó, một số bộ đã rà soát các chiến lược phát triển kết quả là hàng loạt các chiến lược quốc gia, chương trình quốc gia đã được điều chỉnh; một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới TTX. Đó là:
Trong công nghiệp: Quy hoạch tổng thể ngành điện, các nhà máy điện; Quy hoạch tổng thể các ngành, phân ngành công nghiệp, đặc biệt là những phân ngành và cơ sở tác động mạnh tới môi trường nhằm phát triển ngành bền vững, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải một cách hiệu quả.
Xây dựng Chiến lược Phát triển Năng lượng tái tạo ở Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050; Xây dựng khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và đời sống; và Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm tư liệu sản xuất và thiết bị tiêu dùng.
Trong nông nghiệp: Thực hiện Chiến lược TTX, ngành nông nghiệp đã ban hành Luật Thủy lợi, Luật Thủy sản và Luật Lâm nghiệp, đồng thời một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và quy định tiêu chuẩn “xanh” cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đã được ban hành ứng dụng và mang lại hiệu quả thực tế cho sản xuất, kinh doanh, như: Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho các loại nông sản chủ lực (như: rau quả, chè, lúa, cà phê), các quy trình tưới tiết kiệm nước cho lúa, cho các loại cây trồng cạn; Chương trình khí sinh học trong ngành chăn nuôi, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả năng lượng trong đánh bắt thủy sản…
Trong xây dựng: Ngành xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng đến năm 2020 và định hướng đến 2030; Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009 đến năm 2020; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; và quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.
Trong giao thông vận tải: Hưởng ứng Chiến lược TTX, cùng với các bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, ngành giao thông vận tải đang rà soát và xây dựng mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, trong đó gắn chặt nội dung phát triển với ba yêu cầu được nêu trong Chiến lược TTX là: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy chuyển giao thông vận tải đường bộ sang các phương thức giao thông vận tải tiết kiệm nhiên liệu hơn, có mức phát thải thấp hơn; và kiểm soát khí thải, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đối với thiết bị, phương tiện giao thông vận tải. Nhiều chương trình, dự án giao thông vận tải ở các địa phương và doanh nghiệp được lồng ghép ba yêu cầu trên của Chiến lược TTX trong mục tiêu và nội dung.
Xây dựng kế hoạch hành động TTX
Các hoạt động hoàn thiện thể chế và triển khai thực hiện Chiến lược TTX được thực hiện thông qua việc xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động TTX ở các bộ và địa phương. Đến năm 2018, đã có 7 bộ đã ban hành Kế hoạch hành động TTX.
Với sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, các nhà tài trợ, đến nay, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động TTX cấp tỉnh, thành phố. Ngoài ra, có 4 thành phố trực thuộc tỉnh cũng thực hiện Kế hoạch này đó là: Vĩnh Yên, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt. Trong thời gian đến năm 2020, Chính phủ sẽ hỗ trợ các địa phương thông qua Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và TTX để xây dựng Kế hoạch hành động TTX.
Thực hiện giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo
Cho đến nay, việc triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đã được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, như:
- Cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của nước ta đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần, như: ngành thép giảm 8,09%, xi măng giảm 6,33%, dệt sợi giảm 7,32%.
- Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, nhiên liệu sạch, năng lượng mới thân thiện với môi trường và giảm thiểu phát thải nhà kính, xây dựng điều chỉnh hợp lý các định mức kinh tế kỹ thuật, tái sử dụng và tái chế các loại vật liệu nhằm hạn chế chi phí tài nguyên.
Nhiều doanh nghiệp giao thông vận tải và các cơ quan chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp kinh tế, kỹ thuật, tổ chức quản lý, như: hợp lý hóa công tác quản lý và điều hành hoạt động sản xuất, rút ngắn khoảng cách và thời gian vận tải; tận dụng tối đa công suất và sử dụng đúng chức năng của máy móc, thiết bị vận tải; đảm bảo công tác duy tu bảo dưỡng; sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng…
- Đổi mới kỹ thuật canh tác và hoàn thiện quản lý để giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong nông, lâm nghiệp và thủy sản thông qua các hoạt động: (i) Áp dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ và nâng cao trình độ quản lý; (ii) Áp dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; (iii) Tái sử dụng, tái chế phụ phẩm, phế thải nông nghiệp; (iv) Trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lý tài nguyên rừng bền vững; (vi) Đổi mới công nghệ trong khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.
- Phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo: Theo Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, năng lượng tái tạo được xác định là nguồn năng lượng quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng, nhưng năng lượng tái tạo mới chỉ chiếm một tỷ trọng rất khiêm tốn. Nhận thức được tiềm năng phát triển, tác động, đóng góp tích cực của năng lượng tái tạo, Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành những văn bản chính sách cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư vào lĩnh vực này, như: Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Các chính sách ưu đãi giá mua điện của các cơ sở sản xuất điện gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, xử lý rác thải và điện mặt trời.
Những chính sách mới về năng lượng tái tạo đã có tác dụng khuyến khích không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất điện, mà còn cả các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo sử dụng cho bản thân và thậm chí bán điện dư thừa vào lưới điện quốc gia.
Các hoạt động xanh hóa sản xuất
Nội dung của xanh hóa sản xuất là thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, trang thiết bị đảm bảo nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 55% năm 2015, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn giảm được tiêu thụ năng lượng, nguyên, nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm đã tăng từ 11% năm 2010 lên 24% năm 2015.
Đổi mới kỹ thuật canh tác và hoàn thiện quản lý để giảm cường độ phát thải khí nhà kính.
Ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2612/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với nội dung chính là đến năm 2020, 100% dự án đầu tư mới thuộc các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, như: dệt nhuộm; sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu; luyện thép; khai thác, chế biến khoáng sản; nhiệt điện; sản xuất giấy; sản xuất xi măng; sản xuất mía đường phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch. Đồng thời, 60%-70% cơ sở sản xuất đang hoạt động trong các ngành công nghiệp nêu trên hoàn thành việc xây dựng, thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch.
Các hoạt động xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững
Về các hoạt động xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 84/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch Phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030. Cho đến nay, đã có 24/59 đô thị đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện đô thị TTX. Trong đó có 7 đô thị đã xây dựng Nghị quyết chỉ đạo, 15 đô thị đã xây dựng kế hoạch, 6 đô thị đã có chương trình thực hiện. Hai đô thị là Sa Pa và Sóc Trăng đã ban hành Chiến lược TTX. Một số các đô thị đang tiến hành nghiên cứu xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, như: TP. Đà Nẵng, Bắc Ninh, Tam Kỳ…
Bên cạnh đó, phong trào vận động thay đổi hành vi tiêu dùng và xây dựng lối sống phù hợp với các nguyên tắc TTX và phát triển bền vững đã được triển khai và có nhiều hoạt động với nội dung thực hiện “lối sống xanh” ở các địa phương trong cả nước, cụ thể như:
- Tổ chức các hoạt động truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức cho các nhóm xã hội về lối sống xanh.
- Ban hành và tổ chức thực hiện triệt để các quy định pháp luật về việc thực hiện lối sống văn minh và bảo vệ môi trường.
- Phổ biến phong trào 3 T (tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng) trong các cộng đồng dân cư.
- Tuyên truyền để người dân lựa chọn phương tiện giao thông hợp lý, vận động người dân đi xe đạp ở các cung đường ngắn thay cho phương tiện giao thông cơ giới, trước hết trong thanh thiếu niên.
Huy động và bố trí nguồn lực cho thực hiện Chiến lược TTX
Nhu cầu vốn đầu tư cho thực hiện Chiến lược TTX dự kiến lên tới 30 tỷ USD, trong đó 30% từ nguồn ngân sách nhà nước và 70% từ khu vực doanh nghiệp. Cụ thể:
(i) Nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước: Nguồn ngân sách này chủ yếu tập trung vào các chương trình đầu tư giao thông công cộng của ngành giao thông cho các thành phố lớn, các đường cao tốc; Các chương trình, dự án hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực, thể chế chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hỗ trợ đầu tư tư nhân, dự án thí điểm. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình mục tiêu cho biến đổi khí hậu và TTX giai đoạn 2016-2020 dự kiến phân bổ khoảng 15.800 tỷ đồng, trong đó 30% cho TTX.
(ii) Doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào TTX: Nguồn đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân mang tính quyết định đảm bảo thành công trong thực hiện Chiến lược TTX. Đầu tư tư nhân vào TTX, bao gồm: các dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước, hộ sản xuất, hộ gia đình chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo và một phần hiệu quả năng lượng. Tổng vốn đầu tư hiện đạt gần 2,5 tỷ USD.
Đặc biệt khi nguồn đầu tư công ngày càng hạn hẹp và phải trang trải cho nhiều nhu cầu chi tiêu công cấp bách, thì nguồn đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân là rất quan trọng. Trong thời gian gần đây, do thay đổi về cơ chế giá mua điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, đầu tư của khu vực tư nhân tăng nhanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, như: thuỷ điện có quy mô nhỏ và vừa, điện gió, điện mặt trời, sinh khối.
(iii) Tín dụng xanh: Với nguồn tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động lồng ghép, xây dựng các giải pháp, chương trình tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ TTX và phát triển bền vững.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành những văn bản quan trọng trong giai đoạn 2015-2017 về tín dụng xanh, gồm: Chỉ thị số 03/CT-NHNN, ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN, ngày 06/08/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về TTX đến năm 2020; Xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng đặc thù góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, tạo sinh kế và nâng cao mức sống của người dân.
Trong giai đoạn 5 năm từ 2012-2017, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đàm phán, ký kết 31 chương trình, dự án dành cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng thực hiện tín dụng xanh thông qua các chương trình, dự án, hỗ trợ kỹ thuật về thích ứng với biến đổi khí hậu như vấn đề môi trường đô thị, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng và an toàn cho sản phẩm nông nghiệp…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chiến lược TTX vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể:
- Mới chỉ có một số đơn vị trực tiếp tham gia thí điểm xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động TTX, nắm được về tinh thần và nội dung của TTX của quốc gia và đơn vị mình, nhu cầu cần phải thực hiện TTX và những hành động cụ thể.
- Còn có sự trùng lắp về mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến TTX giữa một số chiến lược và chương trình, như: Chiến lược Phát triển bền vững, Chiến lược Ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này dẫn đến tổ chức thực hiện chồng chéo, phân bổ và sử dụng nguồn lực (nhân lực, tài chính, tài nguyên) bị dàn mỏng, hiệu quả không cao.
- Trong các văn bản hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm và hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công 5 năm, hàng năm, phần hướng dẫn về TTX còn mang tính chất định hướng, chưa có nội dung hướng dẫn các mục tiêu và chỉ tiêu TTX cụ thể; thiếu hướng dẫn về các giải pháp, cân đối nguồn lực thực hiện chiến lược TTX.
- Đồng thời, những hoạt động thực hiện TTX mới chỉ dừng ở quy mô quốc gia, ngành, tỉnh, thành phố, chưa được triển khai rộng rãi ở cấp cơ sở.
- Các hoạt động thực hiện TTX mới chỉ mang tính tự nguyện, thiếu quy định bắt buộc.
- Đồng thời, các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực TTX, bảo vệ môi trường (như: hỗ trợ vốn, đất đai, miễn giảm thuế, phí) chưa cụ thể nên chưa có tác dụng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư lớn.
- Ngoài ra, tổ chức thực hiện Kế hoạch hoạt động TTX ở địa phương còn chưa được thực hiện tốt, chưa triển khai các hoạt động đã phê duyệt, chỉ có một số ít tỉnh có thực sự triển khai tiếp.
Tiếp tục thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh
Để đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược TTX, thời gian tới cần tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư. Cụ thể, cần hoàn thiện và sớm ban hành bộ chỉ tiêu đo lường TTX cấp Quốc gia của Việt Nam.
Bổ sung một số chỉ tiêu TTX vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng bộ chỉ tiêu TTX vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Thứ hai, hoàn thiện khung chính sách tài chính TTX. Xây dựng khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược TTX.
Đồng thời, hoàn thiện xây dựng khung chính sách tài chính (bao gồm: thuế, phí, trợ giá, các quỹ, chế tài, các tiêu chí xanh, phát triển bền vững với doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán) liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược TTX.
Xây dựng cơ chế hỗ trợ tư nhân chuẩn bị và thực hiện dự án TTX.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh.
Thứ tư, các ngành và địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể các hoạt động TTX và triển khai thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu đề ra vào năm 2020.
Thứ năm, nâng cao nhận thức về TTX cho các cấp lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước, các ngành và địa phương và khu vực doanh nghiệp./.
Bình luận