KKT Đình Vũ - Cát Hải có quy mô 22.540ha. Hiện có 9 dự án KCN và khu chức năng đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng diện tích 5.788,76ha, bao gồm: KCN Đình Vũ; KCN MP Đình Vũ; KCN Tràng Duệ; Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng; Khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ (khu 1); KCN Nam Đình Vũ (khu 2), KCN và dịch vụ Hàng Hải; Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát; KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Tính đến tháng 5 năm 2018, KKT Đình Vũ - Cát Hải đã thu hút được 152 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký là 10,468 tỷ USD và 105 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký là 90.675 tỷ đồng.

Các KCN ngoài KKT Đình Vũ - Cát Hải: Có 4 KCN với diện tích 762,57ha (bao gồm: KCN Nomura, KCN Đồ Sơn, KCN Nam Cầu Kiền và KCN An Dương). Hiện nay, các KCN ngoài KKT Đình Vũ - Cát Hải đã thu hút được 110 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký là 1,846 tỷ USD và 22 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký là 6.665 tỷ đồng.

Nhiều đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư

Ban Quản lý KKT Hải Phòng không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn nhà đầu tư tìm hiểu về chính sách ưu đãi đầu tư vào KCN, KKT. Đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong các KCN. Cập nhật và công khai hóa các thông tin kinh tế -xã hội của thành phố, cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp... trên Cổng thông tin điện tử nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng, thuận lợi với các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Địa chỉ, điện thoại liên lạc của các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý được đăng đầy đủ trên Cổng thông tin để doanh nghiệp thuận lợi trao đổi, liên hệ công tác. Hiện nay, Ban Quản lý đã triển khai nâng cấp Cổng thông tin điện tử và thực hiện đổi nhà cung cấp dịch vụ hosting. Cổng thông tin điện tử Ban Quản lý (www.heza.gov.vn) với 03 ngôn ngữ là Việt, Anh, Nhật hoạt động hiệu quả (chuẩn bị bổ sung thêm 02 ngôn ngữ là Hàn Quốc, Trung Quốc), giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư thuận lợi trong tìm hiểu các thông tin, chính sách ưu đãi đầu tư vào KCN, KKT.

Đột phá trong thu hút đầu tư

Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trong những năm gần đây, thu hút vốn đầu tư FDI đã phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, những dự án sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường.

Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa chủ đầu tư KCN DEEP C II và nhà đầu tư

Các KCN, KKT đã thu hút được một số dự án lớn (có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường) của các Tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông, như: Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với 4 dự án: (1) Dự án LGD sản xuất và gia công sản phẩm màn hình Oled TV, màn hình Oled nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng, vốn đầu tư 1.590 triệu USD; (2) Dự án LGE sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện, điện tử công nghiệp cao, ti vi màu, tivi thông minh, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại thông minh, vốn đầu tư 1.500 triệu USD; (3) Dự án LG Innotek sản xuất modul cho camera, vốn đầu tư 1.051 triệu USD; (4) Dự án LG Chem sản xuất tấm phim phân cực dùng cho màn hình ti vi, điện thoại di động, máy tính xách tay, vốn đầu tư 2,8 triệu USD. Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) với Dự án sản xuất lốp xe ô tô, vốn đầu tư 1.224,1 triệu USD; Dự án may mặc Regina Miracle (Hồng Kông) vốn đầu tư 760 triệu USD; Dự án sản xuất dược phẩm của Nipro Pharma (Nhật Bản) vốn đầu tư 250 triệu USD; Dự án Kyocera Mita (Nhật Bản) sản xuất thiết bị văn phòng, vốn đầu tư 187,5 triệu USD; Dự án sản xuất máy in, máy photocopy đa năng của Fuji Xerox (Nhật Bản) vốn đầu tư 119 triệu USD, Dự án GE (Mỹ) 111 triệu USD... Các dự án này sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao và có khả năng lôi kéo, thu hút các dự án vệ tinh khác.

Từ năm 2013 đến năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, thu hút đầu tư FDI vào KCN, KKT Hải Phòng đạt 9,06 tỷ USD, gấp hơn 2,7 lần so với kết quả thu hút đầu tư từ khi thành lập KCN (1994) đến năm 2012. Cụ thể: Năm 2013 đạt gần 2,5 tỷ USD; Năm 2014 đạt 1,09 tỷ USD; Năm 2015 đạt 0,86 tỷ USD; Năm 2016 đạt 2,9 tỷ USD; Năm 2017 đạt 0,77 tỷ USD; 5 tháng đầu năm 2018 thu hút đạt 0,94 tỷ USD.

Lũy kế đến tháng 5 năm 2018, các KCN, KKT Hải Phòng thu hút được 262 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 12,313 tỷ USD, trong đó tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN là 1,2 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện là 5,384 tỷ USD, đạt 43,7% vốn đầu tư đăng ký. Đặc biệt, sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố, thu hút FDI trên địa bàn đạt trên 5 tỷ USD, chiếm trên 30% tổng vốn FDI toàn Thành phố từ trước đến nay (15,7 tỷ USD). Trong đó, các KCN, KKT thu hút đạt 4,6 tỷ USD, chiếm trên 90% vốn FDI thu hút toàn Thành phố, riêng năm 2016 đứng đầu cả nước về thu hút FDI (đạt 2,9 tỷ USD).

Đầu tư trong nước (DDI): Trong 3 năm trở lại đây đầu tư trong nước có bước phát triển đột phá. Trong 5 năm, từ năm 2013 đến 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, các KCN, KKT đã thu hút được 70.560 tỷ đồng vốn DDI, chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư trong nước.

Từ năm 2015 đến nay, số dự án và tổng vốn đầu tư DDI đều tăng mạnh: Năm 2015 thu hút trên 10.000 tỷ đồng, năm 2016 thu hút gần 9.000 tỷ đồng, năm 2017 thu hút gần 40.000 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2018 thu hút đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2017 đã thu hút được Dự án sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup đầu tư vào KKT Đình Vũ - Cát Hải với vốn đầu tư đăng ký là 35.000 tỷ đồng.

Lũy kế đến tháng 5 năm 2018, các KCN, KKT đã thu hút 127 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 97.340 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN là 18.687 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển

Từ năm 2013 đến năm 2017, sản xuất hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trong KCN, KKT có mức tăng trưởng cao, doanh thu hàng năm tăng từ 21%-57% đối với các doanh nghiệp FDI. Năm 2016, doanh thu FDI đạt 4,5 tỷ USD, tăng 57% so với năm 2015 và doanh thu DDI đạt 7.522 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu FDI đạt 6,4 tỷ USD, DDI đạt 6.942 tỷ đồng. Tổng doanh thu từ năm 2013 đến năm 2017 đạt 17.198 triệu USD và 44.827 tỷ đồng, chưa kể một số doanh nghiệp trong nước khác.

Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN, KKT hàng năm tăng từ 20%-30%; năm 2016 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 66% so với năm 2015; chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu của thành phố và trên 95% kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI toàn Thành phố. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu từ năm 2013 đến năm 2017 đạt 14,229 tỷ USD.

Cảng Đình Vũ trong KKT Đình Vũ

Hàng năm, các doanh nghiệp trong KCN, KKT đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng trăm triệu USD và hàng trăm tỷ đồng. Từ năm 2013 đến 2017, nộp ngân sách nhà nước đạt 492 triệu USD và 3.515 tỷ đồng. Năm 2015, các doanh nghiệp FDI trong KCN, KKT nộp ngân sách đạt 143 triệu USD, gấp 2,5 lần so với năm 2014. Năm 2016 các doanh nghiệp FDI trong KCN, KKT nộp ngân sách đạt 147 triệu USD, tăng 6% so với năm 2015; các doanh nghiệp DDI nộp ngân sách đạt 254 tỷ đồng. Năm 2017, nộp ngân sách FDI đạt 104 triệu USD và nộp ngân sách DDI đạt 428 tỷ đồng.

Đến tháng 5 năm 2018, tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp, dự án trong các KCN, KKT khoảng 104.500 lao động Việt Nam (tăng 2,7 lần so với năm 2013) và 2.050 lao động nước ngoài (tăng 4 lần so với năm 2013). Tiền lương bình quân của người lao động trong KCN, KKT đạt khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.

Phát triển lên tầm cao mới

Lãnh đạo Ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết, Thành phố phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển, mở rộng diện tích của các KCN từ 4.000ha đến 5.000ha, sử dụng chủ yếu san lấp bãi bồi ven sông, ven biển; bảo đảm 100% số KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; thu hút vốn đầu tư FDI giai đoạn 2016-2020 đạt 10 tỷ USD; lấp đầy diện tích đất công nghiệp các KCN đã đưa vào hoạt động đạt tỷ lệ trên 60%; đảm bảo đủ nguồn lao động cung cấp cho doanh nghiệp, dự kiến khoảng 170.000 người vào năm 2020; các doanh nghiệp KCN, KKT phấn đấu tăng bình quân hàng năm từ 20%-30% các chỉ tiêu doanh thu, nộp ngân sách, kim ngạch xuất khẩu... đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố.

Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã xây dựng, Ban Quản lý KKT Hải Phòng xác định cần triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

Một là, chủ động các hoạt động xúc tiến đầu tư, thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án có giá trị giá tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, thân thiện môi trường.

Hai là, tập trung rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Đình Vũ - Cát Hải và các KCN đã được quy hoạch. Huy động các nguồn vốn đầu tư vào các KCN, KKT Đình Vũ - Cát Hải để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ba là, thực hiện cải cách hành chính, cơ chế “một cửa liên thông”, rút ngắn quy trình xử lý các thủ tục hành chính nhất là các thủ tục hành chính về đầu tư. Thực hiện các thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm 10%-20% thời gian theo quy định; cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D trong 2 giờ làm việc; các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp Giấy phép kinh doanh rút ngắn từ 5-7 ngày; các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng giảm 10 ngày so với quy định.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT Đình Vũ - Cát Hải, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát các doanh nghiệp thực hiện các quy định về quy hoạch xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy... theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách.

Năm là, cung cấp các dịch vụ công ích, dịch vụ hỗ trợ đầu tư, tuyên truyền pháp luật, đào tạo nguồn lao động đảm bảo số lượng, chất lượng cung ứng cho các doanh nghiệp KCN, KKT./.