Đến năm 2030, cảng biển phía Bắc đáp ứng khoảng 870 ngàn lượt khách du lịch
Cụ thể là, phát triển cảng biển phía Bắc (nhóm 1 gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và TP. Hải Phòng) một cách đồng bộ, hiệu quả; tập trung nguồn lực phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; phát triển và khai thác các cảng biển, bến cảng gắn với khu kinh tế, khu công nghiệp một cách bền vững, có chiều sâu và hiệu quả; giảm ùn tắc hàng hóa; làm nền tảng để tạo đà phát triển các đô thị cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế toàn khu vực.
Mục tiêu đến năm 2020, đảm bảo thông qua cảng từ 177 đến 192 triệu tấn (trong đó, hàng hóa tổng hợp, công ten nơ khoảng từ 114 đến 129 triệu tấn). Đồng thời, đáp ứng khoảng 278,3 ngàn lượt khách du lịch bằng đường biển thông qua cảng.
Đến năm 2030, đảm bảo thông qua cảng từ 312 đến 365 tấn (trong đó, hàng hóa tổng hợp, công ten nơ khoảng từ 224 đến 277 tấn). Đồng thời, đáp ứng khoảng từ 770,1 đến 870,1 ngàn lượt khách du lịch bằng đường biển thông qua cảng.
Quyết định cũng nêu rõ, cần tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại khu bến Lạch Huyện để có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn (tàu công ten nơ đến 8.000 TEU), tạo cửa ra cho hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam vận tải trên các tuyến biển xa, về lâu dài thu hút một phần hàng trung chuyển quốc tế khu vực.
Cải tạo đầu tư có chiều sâu các bến cảng thuộc cảng biển Hải Phòng; cảng biển Quảng Ninh; Hải Thịnh - Nam Định đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa vận tải biển.
Tiếp nhận được các tàu vận tải biển, như: tàu tổng hợp, hàng rời có trọng tải đến 100.000 tấn tàu chở hàng có trọng tải đến 8.000 TEU, tàu chở sản phẩm dầu có trọng tải tới 40.000 tấn, tàu khách quốc tế có trọng tải tới 220.000 GT (250.000 GT trong tương lai).
Theo Quyết định trên, có 4 cảng biển thuộc Nhóm 1 gồm: Cảng Hải Phòng, cảng Quảng Ninh, cảng Thái Bình và cảng Hải Thịnh - Nam Định được quy hoạch chi tiết như sau:
Cảng biển Hải Phòng là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA) gồm các khu bến chính: Khu bến trên sông Cấm; khu bến Đình Vũ; khu bến Lạch Huyện; các bến cảng Nam Đồ Sơn, Bạch Long Vĩ; các bến phao, khu neo chuyển tải. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 109 đến 114 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 178,5 đến 210 triệu tấn/năm; trong đó, riêng công ten nơ dự kiến vào năm 2020 khoảng 5,84 đến 6,2 triệu TEU/năm; năm 2030 khoảng 11,2 đến 12,5 triệu TEU/năm. Nhu cầu thông qua lượng hành khách quốc tế đường biển đến năm 2020 là 25,8 ngàn lượt/năm; năm 2030 là 46,9 ngàn lượt/năm.
Cảng Hải Phòng - Cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc |
Cảng biển Quảng Ninh là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), gồm khu bến chính như sau: Khu bến Cái Lân; bến cảng khách Hòn Gai; khu bến Cẩm Phả; khu bến Yên Hưng (sông Chanh, sông Bạch Đằng, đầm Nhà Mạc); khu bến Hải Hà; bến cảng Vạn Gia; bến cảng Mũi Chùa; bến cảng tổng hợp Vân Đồn (Đông Bắc đảo Cái Bầu); bến cảng Vạn Hoa; bến cảng huyện đảo Cô Tô; các bến phao và khu neo đậu chuyển tải. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 65,5 đến 75,5 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 121 đến 142,5 triệu tấn/năm; trong đó, riêng công ten nơ dự kiến vào năm 2020 khoảng 0,32 đến 0,72 triệu TEU/năm; năm 2030 khoảng 0,8 đến 1,04 triệu TEU/năm. Nhu cầu thông qua lượng hành khách quốc tế đường biển đến năm 2020 là 252,5 ngàn lượt/năm; năm 2030 từ 723,2 đến 823,2 ngàn lượt/năm.
Cảng biển Thái Bình là cảng tổng hợp địa phương (loại II), gồm khu bến Diêm Điền và khu bến Trà Lý. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 2 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 6,25 triệu tấn/năm.
Cảng biển Hải Thịnh - Nam Định là cảng tổng hợp địa phương (loại II), gồm khu bến Hải Thịnh và bến cảng chuyên dụng cho nhà máy nhiệt điện Nam Định. Năng lực hàng hóa thông qua dự kiến vào năm 2020 đạt khoảng 0,5 triệu tấn/năm; năm 2030 đạt khoảng 6,25 triệu tấn/năm./.
Bình luận