Sửa đổi là cần thiết

Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật Thuế tài nguyên. Dự thảo sửa đổi, bổ sung dự kiện trình Chính phủ trong quý III/2017 và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018.

Tại buổi tọa đàm "Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng việc sửa đổi các luật thuế là cần thiết.

Theo bà Lê Thị Mai Liên - Trưởng Ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế nhằm mục tiêu thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Trong quá trình thực hiện, 5 luật thuế đã bộc lộ một số hạn chế, vì vậy dự thảo lần này được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo sự đồng bộ trong chính sách pháp luật, khuyến khích và định hướng sản xuất tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định việc Bộ Tài chính không sửa đổi riêng từng sắc thuế, mà đưa ra cả 5 luật thuế trong dự án sửa đổi là cần thiết và ý nghĩa. Ông Ánh cho rằng, cả 5 luật thuế dự định sửa đổi đều là những sắc thuế đóng vai trò trụ cột, then chốt trong thuế và phí của chúng ta, giúp giải bài toán quan trọng là cơ cấu lại các khoản thu ngân sách nhà nước.

Ông Ánh cho rằng các nội dung trong dự thảo có rất nhiều nội dung tiến bộ, đáp ứng cả việc khắc phục những hạn chế trước đó cũng như tạo điều kiện chúng ta đạt mục tiêu phát triển KTXH trong những năm tiếp theo.

Còn ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân cho rằng, cả doanh nghiệp và người dân đều kỳ vọng có hệ thống thuế hoàn chỉnh và thân thiện. Dự thảo sửa đổi 5 luật thuế nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ông Giám đánh giá cao đề xuất giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống mức 15%-17% và hy vọng có thể giảm xuống thấp hơn nữa, ở mức 10-15%.


Các chuyên gia tại tọa đàm "Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế"

Nhưng cần đánh giá kỹ lưỡng hơn ảnh hưởng tới đối tượng bị tác động

Cả 5 luật thuế dự định sửa đổi đều là những sắc thuế đóng vai trò trụ cột, then chốt trong thuế và phí.

Đánh giá về việc Việt Nam đang cắt giảm nhiều loại thuế trực thu và tăng thuế gián thu, trong đó có thuế GTGT, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, tác động lên nguồn thuế trực thu thì cũng sẽ tác động đến nguồn thuế gián thu. Đó là kết quả của việc nước ta mở cửa thị trường và chịu tác động của các cam kết quốc tế. Việc giảm thuế xuất khẩu và nhập khẩu không chỉ tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, mà còn giúp hàng hóa của các doanh nghiệp Việt được xuất đi nước ngoài. Lần này, chúng ta điều chỉnh hai sắc thuế trực thu là thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cần chú ý để không tác động đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và các hộ gia đình.

Đối với tác động đến thuế gián thu, theo chuyên gia có nhiều cách để lựa chọn để điều chỉnh quy mô và cơ cấu. Thứ nhất, hoàn toàn căn cứ vào Nghị quyết Bộ Chính trị, mở rộng đối tượng chịu thuế, diện thu thuế. Trong dự thảo lần này có đề cập đến thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân, thậm chí là thuế thu nhập doanh nghiệp. Thứ hai, giảm ưu đãi, hỗ trợ không cần thiết, trong bối cảnh ở Việt Nam đang rà soát ưu đãi thực sự để giảm bớt những không cần thiết. Thứ ba, chống thất thu, phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng với các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm về thuế.

Đánh giá đề xuất tăng thuế GTGT từ 10%-12%, bà Lê Thị Mai Liên cho rằng mọi sự điều chỉnh chính sách đều có những tác động khác nhau. Mức độ và phạm vi ảnh hưởng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cách thiết kế chính sách. Bản chất của thuế GTGT là đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, đánh vào cả hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu, vì vậy sẽ không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trước ý kiến người thu nhập thấp sẽ chịu "tổn thương" nhiều nhất khi tăng thuế GTGT, bà Liên cho rằng khi đánh giá tác động cần nhìn trên tổng thể cùng với các sắc thuế khác.

Theo đại diện Bộ Tài chính, trên thực tế, việc điều chỉnh thuế GTGT sẽ ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm, từ đó tác động đến nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát vào năm 2014, nhóm thu nhập thấp nhất dành khoảng 59,6% thu nhập chi mua lương thực, thực phẩm, giáo dục... Những mặt hàng thiết yếu này không chịu thuế. Bên cạnh đó, nhà nước cũng có những chính sách dành cho người nghèo và người thu nhập thấp.

Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh khẳng định, tại thời điểm hiện nay, chưa đủ cơ sở để kết luận tăng thuế GTGT từ 10-12% là phù hợp hay chưa. Ông Ánh cho rằng, trong điều chỉnh thuế có nhiều cách để làm, nhất là thuế GTGT, cần cân nhắc các lựa chọn chính sách khác.

Theo ông Vũ Đình Ánh, trong điều chỉnh thuế có nhiều cách để làm nhưng trước hết phải đánh giá tác động chính sách một cách kĩ lượng đến từng nhóm dân cư, nhóm thu nhập. Sau đó mới là đánh giá tác động tới quy mô ngân sách vì thuế phí là khoản thu quan trọng, đóng góp gần 30% thuế phí vào ngân sách nhà nước. Khi đáp ứng được những điều này mới có câu trả lời điều chỉnh thuế hợp lý hay không.

Ông Ánh nhấn mạnh: “Chúng ta cân nhắc tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%, thậm chí sau năm 2018 có thể bàn đến chuyện tăng tiếp từ 12% lên 14%. Tuy nhiên, lựa chọn này rất nhạy cảm đối với nền kinh tế, chúng ta phải đưa ra được căn cứ, lý do tại sao tăng và thời điểm tăng khi nào phù hợp”./.