Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 2-8/5
EC hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone năm 2016 xuống 1,6%
Ngày 3/5, Liên minh châu Âu (EU) đã hạ dự báo tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay, đồng thời cảnh báo những rủi ro toàn cầu bao gồm việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc và nguy cơ nước Anh rời khỏi mái nhà chung châu Âu đang làm ảnh hưởng đến sự hồi phục kinh tế.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng cảnh báo rằng các quốc gia thành viên lớn như Pháp, Tây Ban Nha và Italy đang vi phạm những quy định về chi tiêu công của khối.
EC đã hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone trong năm 2016 xuống 1,6% từ mức 1,7% đưa ra trước đó, sau khi có những báo cáo cho thấy sự hồi phục của khu vực gồm 19 quốc gia thành viên này vẫn chậm chạp. Tuy nhiên, EC cho rằng Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 1,8% trong năm 2017 thay vì dự báo 1,7% trước đó.
Nhóm G7 cam kết thúc đẩy đầu tư và bảo đảm an ninh năng lượng
Ngày 2/5, các bộ trưởng Năng lượng của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã nhất trí về việc cần tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, cơ sở hạ tầng và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định.
Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thành phố Kitakyushu, Tây Nam Nhật Bản, các bộ trưởng Năng lượng G7 đã ra tuyên bố chung nêu rõ năng lượng đóng một vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh các cuộc tranh chấp, xung đột và thiên tai thảm họa trên thế giới gia tăng đang đe dọa làm cản trở nguồn cung ổn định, nhóm G7 nhận thấy cần phải tiếp tục vai trò đầu tàu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.
Trung Quốc áp dụng thuế VAT thống nhất với mọi ngành kinh tế
Trung Quốc đã mở rộng chương trình thí điểm, áp dụng một cơ chế thuế giá trị gia tăng (VAT) thống nhất đối với tất cả các ngành kinh tế, trong nỗ lực đẩy mạnh cải cách nền kinh tế quốc gia.
Bắt đầu từ ngày 1/5 vừa qua, VAT đã thay thế thuế doanh nghiệp (BT) trong các ngành xây dựng, bất động sản, dịch vụ tài chính và dịch vụ tiêu dùng để tránh tình trạng đánh thuế hai lần, một động thái được kỳ vọng sẽ giảm tiền đóng thuế trên 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 76,9 tỷ USD) chỉ trong năm nay. Lần mở rộng này diễn ra 4 năm sau đợt thí điểm đầu tiên về cải cách VAT trong lĩnh vực dịch vụ ở trung tâm tài chính Thượng Hải và với quyết định đó, VAT sẽ thay thế BT trong tất cả các lĩnh vực.
VAT chỉ được đánh trên giá trị gia tăng ở mỗi mắt xích trong chuỗi sản phẩm. Việc đánh loại thuế này là phù hợp với thông lệ quốc tế và hiệu quả hơn khi tránh việc đánh thuế hai lần như theo cơ chế BT, vốn được dựa trên tổng doanh thu của doanh nghiệp, bao gồm chi phí đầu vào.
OPEC có thể ngừng xét phương án "đóng băng" sản lượng dầu
Theo hãng tin Bloomberg ngày 4/5, các nước thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể ngừng xem xét phương án duy trì sản lượng dầu do những thay đổi hiện nay trên thị trường khiến bước đi này trở nên không cần thiết.
Trong cuộc đàm phán hồi tháng Tư ở Doha của Qatar, các nhà sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới đã không thể đạt được sự đồng thuận, do Saudi Arabia yêu cầu Iran cũng phải "đóng băng" sản lượng, trong khi đại diện nước này thậm chí còn không có mặt tại cuộc họp.
Sau cuộc họp trên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết việc tiếp tục tham vấn về "đóng băng" sản lượng dầu sẽ có ý nghĩa nếu các thành viên OPEC đều thống nhất. Theo ông, việc "đóng băng" sản lượng sẽ có ý nghĩa trong từ 3-6 tháng tới, còn sau đó nó sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn.
Ấn Độ đối mặt với hơn 120 tỷ USD nợ xấu ngân hàng
Ấn Độ đang cân nhắc thành lập một ủy ban độc lập có nhiệm vụ hỗ trợ các ngân hàng nhà nước trong việc thương lượng với các doanh nghiệp lớn về xử lý nợ xấu.
Theo một quan chức chính phủ, Thủ tướng Narendra Modi đã coi việc xử lý nợ xấu trong các ngân hàng là ưu tiên gần như hàng đầu.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao khác cho biết các ngân hàng rất không sẵn lòng trong việc chấp nhận chịu lỗ liên quan đến vấn đề nợ xấu. Quan chức này nói đề xuất về việc thành lập một ủy ban độc lập đã vấp phải những trở ngại khi có những nghi vấn đặt ra là liệu nó có phù hợp với pháp luật hiện hành.
Số nợ xấu trong các ngân hàng ở Ấn Độ là 121 tỷ USD, với trên 100 tỷ USD được ghi trong sổ sách của các ngân hàng quốc doanh./.
Bình luận