Doanh nghiệp cần “giữ lửa” đổi mới và cam kết đổi mới
Điều quan trọng là doanh nghiệp phải cam kết và bền bỉ đổi mới, mới có thể tạo nên hiệu quả cụ thể.
Cần nhất là nhiệt huyết và kiên nhẫn đổi mới
Theo bà Bùi Thu Thủy, khi doanh nghiệp không nhiệt tâm và cam kết sẽ dễ dẫn đến những nỗ lực trợ giúp, hỗ trợ của các bên liên quan, nhất là các chuyên gia quốc tế trở nên vô nghĩa, nản lòng. Thực tế quan sát doanh nghiệp cho thấy, thách thức lớn nhất trên con đường đổi mới là tính cam kết và đeo đuổi của từng doanh nghiệp. “Đổi mới hay không là ở chính mình, mình phải sẵn sàng và cam kết thực thi thì mới có kết quả, bởi không ai có thể làm thay chính doanh nghiệp được”, bà Thủy nói.
Theo bà Bùi Thu Thủy, thiếu cam kết một trong những sự thật về hiện trạng đổi mới sáng tạo hiện nay của doanh nghiệp
Thiếu cam kết một trong những “lời nói thật” khi đánh giá về hiện trạng doanh nghiệp Việt Nam đang đi trên con đường đổi mới. Số doanh nghiệp Việt Nam thành lập mới tăng lên mạnh mẽ trong những năm gần đây, riêng năm 2020, Việt Nam có tới 130.000 doanh nghiệp ra đời, nhưng để trụ lại với thương trường, doanh nghiệp không thể thiếu tư duy đổi mới. Thậm chí theo bà Thủy, thời công nghệ số, thế giới phát triển như vũ bão với nhiều mô hình kinh doanh sáng tạo, các doanh nghiệp Việt đang đứng trước bước ngoặt thay đổi hay là chết. “Với sự ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC, kết nối những nỗ lực đổi mới trong và ngoài nước, tôi tin rằng, NIC sẽ ghép được những mảnh ghép, thúc đẩy thành công trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp”, bà Thủy kỳ vọng.
Theo lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp, trước đây, khi nói đến đổi mới sáng tạo thì thường nghĩ đó là việc của các doanh nghiệp lớn, họ phải có đủ điều kiện (tài chính, con người, công nghệ…) mới có thể đổi mới. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi. Đại dịch Covid-19 thúc đẩy mọi chủ thể kết nối với nhau trong nền kinh tế số, nên doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ đều được tiếp cận các cơ hội đổi mới. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại cơ hội cho tất cả các chủ thể, chớp được cơ hội là có thể vượt lên.
Kết nối số tạo cơ hội cho tất cả doanh nghiệp
Gợi mở thêm cho doanh nghiệp, bà Thủy chia sẻ, thời nay, người tiêu dùng không chỉ dùng sản phẩm, mà họ trải nghiệm sản phẩm. “Các doanh nghiệp cần luôn đặt câu hỏi, sản phẩm, dịch vụ của mình có gì khác biệt so với thị trường? Cách nào để mang đến trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng, để nuôi dưỡng động lực đổi mới”, bà Thủy nói.
Dẫn câu chuyện trên thị trường sách và băng đĩa nhạc, doanh nghiệp từng cạnh tranh nhau bán những sản phẩm cụ thể là cuốn sách hay đĩa nhạc, thì nay, với công nghệ cho phép với một USB hay 1 tài khoản trên mạng là người dùng được tiếp cận hàng nghìn cuốn sách, hàng nghìn bài hát theo nhu cầu người dùng. Khẩu vị và sản phẩm thay đổi mạnh mẽ hàng ngày, nếu doanh nghiệp vẫn bám theo tư duy kinh doanh cũ thì không thể trụ lâu dài trên thương trường. “Đổi mới không thể chỉ là hô hào, mà cần phải là một quyết sách được dẫn dắt từ người cao nhất trong mỗi tổ chức. Tư duy từ người đứng đầu nhưng hành động thì từ việc nhỏ nhất. Tất cả chung một nỗ lực mới có thể tạo nên sự thành công”, bà Thủy nói.
Thúc đẩy doanh nghiệp lớn mở rộng vòng tay, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
Bên cạnh việc lắng nghe doanh nghiệp và tiếp tục xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp thúc đẩy sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp dẫn đầu và khối doanh nghiệp đi sau. Thực tế, đối diện với bài toán đổi mới, sáng tạo, doanh nghiệp lớn không cần nguồn lực mà cần cơ chế, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ lại cần nguồn lực, cần sự trợ giúp để ý tưởng của họ có thể được tạo thành sản phẩm, đưa ra thị trường. Từ hai tâm thái này, bà Thủy cho rằng, nỗ lực kết nối là rất quan trọng, trong đó Cục Phát triển doanh nghiệp và NIC có trách nhiệm gắn kết các doanh nghiệp, tạo môi trường hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp.
Tại cuộc Tọa đàm “Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp dẫn đầu, vai trò dẫn dắt hướng đến nền kinh tế số 2030” trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, một số doanh nghiệp lớn cam kết nỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đổi mới để nâng tầm.
Misa sẵn sàng dành 100 tỷ đồng hàng năm đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nếu doanh nghiệp cam kết nỗ lực
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch Công ty cổ phần Misa khẳng định, Misa miễn phí 100% phần mềm kế toán 1 năm cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với 25 năm xây dựng Công ty, ông Hoàng cho biết, Misa sẵn sàng giúp tất cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (khoảng 300.000 doanh nghiệp) cải tiến hoạt động kế toán, hợp nhất tất cả các nghiệp vụ trên một nền tảng quản trị doanh nghiệp theo công nghệ tiên tiến như AI, Blockchain, từ đó nâng cao năng suất làm việc và tăng hiệu quả. Cũng theo ông Hoàng, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin truyền thông, Misa sẽ dành 100 tỷ đồng hàng năm đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cộng đồng này vươn lên trên thương trường.
Momo coi đổi mới sáng tạo là lẽ sống và sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp kết nối khách hàng nếu doanh nghiệp quyết tâm đổi mới
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch ví Momo chia sẻ, là một doanh nghiệp khởi nghiệp, Momo coi đổi mới sáng tạo là lẽ sống. Hiện Công ty có 23 triệu khách hàng, cung cấp rất nhiều giải phápthuận lợi trong thanh toán, kết nối người tiêu dùng cho các doanh nghiệp. Ông Diệp khẳng định, Momo sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp kết nối khách hàng, nếu lãnh đạo doanh nghiệp thực sự quyết tâm đổi mới sáng tạo./.
Bình luận