Doanh nghiệp “giải thể” nhiều: Có nên quá lo ngại?
Gần 63 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng đầu năm 2017
Theo báo cáo tình hình doanh nghiệp tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2017 của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh của cả nước là 62.576 doanh nghiệp, tăng so với năm 2016.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, cả nước có 19.619 doanh nghiệp tạm ngừng có thời hạn và 33.163 doanh nghiệp tạm ngừng không thời hạn, tăng lần lượt là 11,6 % và 0,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng ở tất cả các vùng.
Trong đó, vùng Tây Nguyên có tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh lớn nhất là 26,8% với 700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 3.453 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 13,9%; Trung du và miền núi phía Bắc có 947 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 13,7%; Đông Nam Bộ có 6.927 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 11,1%; Đồng bằng sông Hồng có 6.471 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 9,7% và Đồng bằng sông Cửu Long có 1.121 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 9,3%.
Về số doanh nghiệp giải thể, trong 10 tháng 2017, cả nước có 9.794 doanh nghiệp, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,7% trên tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước.
Một số ngành có doanh nghiệp giải thể lớn, đó là Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 3.757 doanh nghiệp, chiếm 38,4%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.254 doanh nghiệp, chiếm 12,8%; Xây dựng có 1.027 doanh nghiệp, chiếm 10,5%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống có 618 doanh nghiệp, chiếm 6,3%...
Có đáng lo?
Nhìn vào số liệu doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt đông trong 10 tháng đầu năm 2017 tương đối lớn, tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, đó là quy luật tất yếu của thị trường.
Trả lời phỏng vấn trên báo Đầu tư mới đây, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là điều không mong muốn, nhưng trong kinh doanh, đó là quy luật tất yếu để loại những doanh nghiệp yếu kém, không đủ năng lực cạnh tranh...
“Giới nghiên cứu kinh tế đã gọi đây là sự sàng lọc tự nhiên đau đớn, nhưng cần thiết vì nó buộc các doanh nghiệp, người kinh doanh phải liên tục tái cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh để đáp ứng sự vận động của thị trường...”, ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp chủ động rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh này để chuyển sang khởi nghiệp ở lĩnh vực khác tiềm năng hơn, phù hợp với họ hơn. Điều này giúp họ nâng cao hiệu quả kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Đặc biệt, ông Tuấn còn nhấn mạnh rằng, so với các nước phát triển, như: Anh, New Zealand, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập thị trường của nước ta (gồm 105.000 doanh nghiệp thành lập mới và 22.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động) là 48,9% đã tương đối thấp.
Chính vì vậy, ông Tuấn cho rằng, không nên kỳ vọng số doanh nghiệp ngừng hoạt động phải thật thấp, bởi điều đó đi ngược lại quy luật và sự phát triển đa dạng của thị trường.
Đồng quan điểm trên, trả lời phòng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam cũng cho biết, mặc dù số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động nhiều, song tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập thị trường của nước ta đã có nhiều cải thiện so với năm 2015 (73%).
Ông Điểm cũng cho rằng, các doanh nghiệp rút khỏi thị trường theo cơ chế thị trường, tuân theo quy luật giá trị, cạnh tranh, cung cầu là tất yếu khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ để nhường thị phần cho những doanh nghiệp làm ăn tốt hơn.
Theo đó, các doanh nhân khởi nghiệp cần rút kinh nghiệm, bài học vì sao khởi nghiệp chưa thành công, do nghiên cứu thị trường, huy động vốn, lao động hay tinh thần kinh doanh? để lần sau làm tốt hơn, vì thất bại là mẹ thành công.
Mặc dù công nhận giải thể là quy luật tất yếu của thị trường, song ông Điểm cũng cảnh báo rằng, khi các doanh nghiệp rút khỏi thị trường để lại hậu quả, nguồn lực xã hội bị lãng phí, người lao động bị mất việc làm. Nó phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thật thông thoáng, chưa theo kịp mực quốc tế, nhất là việc tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn chưa theo nguyên tắc thị trường.
Chính vì vậy, ông Điểm kiến nghị, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần được làm tốt hơn nữa. Trong đó, tinh thần “Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính phục phụ người dân và doanh nghiệp” phải được thấu suốt và tổ chức thực hiện quyết liệt từ Trung ương đến tận cơ sở, khắc phục tình trạng trên nóng, dưới lạnh như các đại biểu Quốc hội đã nêu tại Diễn đàn Quốc hội đang họp.
Trên báo Thanh niên, TS. Võ Trí Hảo, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nếu không tính số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số thành lập mới tương đương với số lượng giải thể và tạm ngừng hoạt động.
“Điều này không phải là tín hiệu tốt cho nền kinh tế nhưng cũng chưa đáng lo. Bởi trong nền kinh tế, khi có sự cạnh tranh mạnh sẽ khiến các doanh nghiệp không phù hợp, không đứng vững thì tất yếu sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Điều này phần nào cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu chuyển đổi mạnh và chất lượng của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn vì có sự cấu trúc lại”, ông Hảo cho biết./.
Tham khảo từ:
Kỳ Thành (2017). Đừng bắt doanh nghiệp đi ngược lại qy luật thị trường, truy cập từ http://baodautu.vn/dung-bat-doanh-nghiep-di-nguoc-lai-quy-luat-thi-truong-d71998.html
Hồng Sương – Mai Phương (2017). Doanh nghiệp chết nhiều, có đáng lo?, truy cập từ https://thanhnien.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-chet-nhieu-co-dang-lo-823249.html
Bình luận