Doanh nghiệp nông nghiệp vẫn “èo uột”
Những chỉ số không mấy khả quan
Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ, như: Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/06/2015 về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25/10/2013 về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn... Song đến nay, các doanh nghiệp này không những không phát triển vẫn đang rất khó khăn.
Theo thống kê, số doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước; nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp ước tính cũng chỉ khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế.
Điều đáng buồn là không chỉ èo uột về số lượng, mà chất lượng hoạt động của khối doanh nghiệp này cũng đáng lo ngại. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có số doanh nghiệp giải thể, phá sản nhiều nhất trong năm 2016, với 505 doanh nghiệp (chiếm 4,05% tổng số doanh nghiệp giải thể phá sản của cả nước); tăng 107,1% so với năm 2015.
Một chỉ số quan trọng khác cho thấy, hoạt động của khối doanh nghiệp này không khả quan, đó là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cũng là 1 trong 3 ngành có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2015, lần lượt là 1.883 doanh nghiệp, giảm 15,0% và 561 doanh nghiệp, giảm 3,9%.
Doanh nghiệp vẫn than “khó”
Kết quả khảo sát của Viện Chính sách Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARP) công bố tháng 12/2016 cho thấy, về đất đai có đến 63% doanh nghiệp kêu là khó khăn, 46% kêu là rất khó khăn; về tín dụng, có đến 70% doanh nghiệp kêu khó khăn khi tiếp cận. Các lĩnh vực khác, như: bảo hiểm cũng có đến 82,5% doanh nghiệp chưa tiếp cận được; Khoa học công nghệ, thì có 77% doanh nghiệp kêu là khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách.
|
Doanh nghiệp nông nghiệp vẫn kêu khó về đất đai, tín dụng, bảo hiểm, khoa học - công nghệ... |
Các chuyên gia cho rằng, suy cho cùng, tất cả những khó khăn mà các doanh nghiệp nông nghiệp đang gặp phải, như: đất đai, thuế, vốn… đều nằm ở cơ chế, chính sách.
Phát biểu trước báo chí, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH Truemilk chia sẻ rằng, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nông nghiệp mặc dù có, nhưng lại khó tiếp cận.
“Chúng tôi được khen ngợi nhiều, nhưng chính sách ưu đãi chưa hề được hưởng”, bà Hương thẳng thắn.
Còn ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình thì cho rằng, các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp có rủi ro lớn, lợi nhuận ít, nhưng chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp lại giống với các doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành siêu lợi nhuận khác. Thêm vào đó, thủ tục hành chính phức tạp, cùng với tần suất thanh tra kiểm tra dày đặc của các cơ quan nhà nước cũng là những rào cản đối với các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.
Gỡ từ đâu?
Thừa nhận những hạn chế của chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tại Diễn đàn phát triển kinh tế nông thôn, ngày 16/12/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, tới đây sẽ có nhiều quyết sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, mà vấn đề quan trọng nhất là tích tụ ruộng đất, ổn định quy hoạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư thuận lợi.
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp đã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát huy tinh thần dẫn dắt, hỗ trợ hợp tác xã, nông dân phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp hiện đại, dựa trên các nghiên cứu, sáng tạo của các doanh nghiệp là thành viên của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Khi hợp tác xã phát triển, chính doanh nghiệp cũng được hưởng lợi, sẽ tạo mối cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trong xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ cả đầu vào, đầu ra
Trước đó, tại Diễn đàn "Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới" ngày 08/09/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận rằng, cần triển khai các giải pháp, như: cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài ở từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp chế biến, sản xuất giống, vật tư và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở nông thôn.
Còn tại Diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp”, ngày 27/12/2016, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI mong muốn, Nhà nước cần giúp doanh nghiệp nông nghiệp có thể tiếp cận được thị trường; Cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng cao; Có một cơ chế tài chính để dẫn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần…); Xây dựng khung pháp lý cho khởi nghiệp để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn./.
Bình luận