Đổi mới công nghệ để doanh nghiệp “cất cánh”
75% máy móc của doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu
Thống kê từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, hiện nay cả nước có gần 600 nghìn doanh nghiệp, với hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn đều đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Trong đó, có đến 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị là đồ tân trang..., chỉ có 20% là nhóm ngành sử dụng công nghệ cao.
Một khảo sát khác từ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc cũng cho thấy, tỷ lệ giá trị nhập khẩu công nghệ, thiết bị mỗi năm tại Việt Nam chưa đến 10% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong khi tỷ lệ tại các nước đang phát triển khác lên đến 40%.
Có đến 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập của các doanh nghiệp thuộc thế hệ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước
Chính vì sử dụng công nghệ lạc hậu, nên phần lớn các doanh nghiệp của nước ta mới chỉ tham gia vào khâu thấp nhất trong chuỗi cung ứng là lắp ráp và gia công, cung cấp các phụ tùng thay thế, chứ chưa tham gia sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Lý giải về việc này, báo cáo điều tra Năng lực cạnh tranh và công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương công bố ngày 26/05/2015 cho thấy, các trở ngại của doanh nghiệp phải đối mặt từ vấn đề về tài chính, nguồn nhân lực cho đến các vấn đề mang tính chất vĩ mô, trong đó, vấn đề tài chính là trở ngại chính mà doanh nghiệp gặp phải.
Theo đó, có tới 90% trong tổng số 8.000 doanh nghiệp được điều tra (trong thời gian 4 năm) cho biết, họ chưa có chiến lược cải tiến công nghệ do gặp khó khăn về tài chính. Báo cáo điều tra cũng cho biết, một trong những lý do gây cản trở doanh nghiệp đầu tư công nghệ là do môi trường kinh doanh và điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn ở trong tình trạng khó khăn.
“Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam dựa vào vốn chủ sở hữu để cải tiến công nghệ, điều đó cho thấy khả năng đầu tư của doanh nghiệp bị hạn chế nguồn vốn có sẵn, ví dụ như lợi nhuận giữ lại”, báo cáo nêu rõ.
Cần được hỗ trợ hơn nữa!
Trước tình thế nguồn ngân sách chỉ dành 2% cho khoa học công nghệ, tại Hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông khoa học và công nghệ đối với phóng viên, biên tập viên báo chí khu vực phía Nam” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 25/08/2015, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, doanh nghiệp nên dành một phần lợi nhuận đầu tư cho khoa học công nghệ. Trước hết là đầu tư cho chính mình. Nếu như chưa có nhu cầu, thì có thể đóng góp cho Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ của các tỉnh, thành phố hoặc của các bộ.
Và Quỹ sẽ hỗ trợ cho một số doanh nghiệp có nhu cầu cần vốn lớn đổi mới công nghệ trước. Năm sau lại dành nguồn kinh phí đó cho các doanh nghiệp khác. Đến lúc doanh nghiệp có nhu cầu sẽ yêu cầu quỹ hỗ trợ để đổi mới công nghệ với một khoản đầu tư tương đối lớn, lớn hơn khoản mình đã đóng góp. “Bởi các Quỹ thường có hỗ trợ của Nhà nước”, ông Quân khẳng định.
Song song đó, Bộ trưởng Quân cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp nên tiếp cận với các hỗ trợ của Nhà nước.
Còn theo TS. Phạm Chí Trung, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ và đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; tăng cường phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sự cần thiết của đổi mới công nghệ trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hội chợ công nghệ và thiết bị mang tầm quốc gia, địa phương, các sàn giao dịch công nghệ để phục vụ hiệu quả nhu cầu kết nối cung cầu. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cần mở rộng hình thức hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh vốn vay... giúp doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ… (Minh Nhật, 2015).
Đặc biệt, nhận thấy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong thời gian vừa qua vẫn còn nhiều bất cập, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, có những quy định chi tiết về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
Dự kiến, dự thảo Luật sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 2, khóa XIV (tháng 10/2016). Hy vọng, sau khi Luật được thông qua, hiệu quả của việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sẽ tăng cao, từ đó góp phần thiết thực vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như của quốc gia./.
Tham khảo từ một số nguồn:
Minh Nhật (2015). Bài toán đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, truy cập từ http://www.nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/26912402-bai-toan-doi-moi-cong-nghe-cho-doanh-nghiep.html
Duy Minh (2015). Bộ trưởng KHCN khuyên doanh nghiệp chơi hụi để đổi mới công nghệ, truy cập từ http://infonet.vn/bo-truong-khcn-khuyen-doanh-nghiep-choi-hui-de-doi-moi-cong-nghe-post172542.info
Bình luận