Dự báo năm 2017, dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ không mạnh mẽ
Theo báo cáo World Investment Report của UNCTAD (tháng 06/2016), dự báo dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm 2017 ở mức 1.600-1.720 tỷ USD (so với mức 1.500-1.590 tỷ USD trong năm 2015) và tăng lên 1.800 tỷ USD trong năm 2018, song vẫn dưới mức đỉnh điểm trong thời gian trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Trong đó, vốn FDI đổ vào các nước phát triển được dự báo ở mức 870-930 tỷ USD và các nước đang phát triển được dự báo ở mức 690-735 tỷ USD.
Theo tổng hợp từ nhiều nghiên cứu, dòng vốn toàn cầu năm 2016 chịu sự ảnh hưởng của 03 yếu tố chủ đạo sau:
Rủi ro từ châu Âu
Ảnh hưởng từ các biến cố chính trị như Brexit và cuộc trưng cầu dân ý tại Italia… đều cho thấy xu hướng “ly khai” đã ảnh hưởng nhiều đến các quyết định đầu tư.
Tại Ý, nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực sử dụng đồng Euro, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang ở mức 11% GDP và chiếm 60% số nợ quá hạn trong các ngân hàng. Hầu hết các khoản nợ xấu gần như không thể đòi được. Nợ xấu là kết quả của một nền kinh tế và hệ thống chính trị thiếu hiệu quả của Ý. Thất bại chính trị của cựu Thủ tướng Matteo Renzi khiến hy vọng tái cơ cấu nền kinh tế Ý và giải quyết nợ xấu ngày càng thấp.
EU sớm hay muộn cũng sẽ phải bỏ tiền ra để cứu nền kinh tế này vì khủng hoảng ngân hàng Ý gần như đồng nghĩa với khủng hoảng đối với khu vực sử dụng đồng Euro. Khủng hoảng có thể lây lan xa hơn nữa vì mối liên hệ chằng chịt của ngân hàng Ý với những ngân hàng lớn toàn cầu, cũng như vai trò lớn của Ý trong hệ thống kinh tế sử dụng đồng Euro. Hy Lạp chỉ là một nền kinh tế “ốc tiêu” so với Ý mà có thể tạo ra cú sốc lớn như vậy trong quá khứ, thì thật khó tưởng tượng đến khủng hoảng ngân hàng (thậm chí là nợ công) của Ý.
Rủi ro về kinh tế chỉ là phần nhỏ so với rủi ro về khủng bố và chính trị ở châu Âu. Tình hình quan hệ có phần căng thẳng trong thế cuộc Nga - NATO - Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạo ra thế mất cân bằng chiến lược trong khu vực và khiến những đồn đoán về chiến tranh tăng lên.
Dự báo, châu Âu năm 2017 không chỉ đối mặt với những rủi ro về bầu cử ở Pháp và Đức, mà còn đối mặt rủi ro về khủng hoảng ngân hàng, bất ổn an ninh khu vực và khả năng khủng bố tăng lên. Bối cảnh này sẽ khiến các nhà đầu tư giảm đầu tư vào những lĩnh vực có rủi ro cao.
Sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ
Việc đắc cử Tổng thống của ông Donald Trump đã làm đảo lộn “luật chơi” của thế giới hiện đại. Trên thị trường tài chính, việc lãi suất tăng đã khiến chiến lược đầu tư phải thay đổi về cơ bản. Dòng vốn từ cổ phiếu sang trái phiếu bị đảo ngược. Dòng tiền bị rút mạnh ra khỏi các thị trường mới nổi, ngoại trừ Nga, để tập trung về Mỹ, nơi mà các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng cao hơn nhờ chính sách tài khóa và lãi suất mới của Trump.
Việc đắc cử Tổng thống của ông Donald Trump đã làm đảo lộn “luật chơi” của thế giới hiện đại
Tại các thị trường mới nổi, sau khi tỷ phú Donald Trump thắng cử, đồng Peso của Mexico, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ xuống thấp mức kỷ lục. Vốn tại thị trường Trung Quốc tiếp tục chảy ra nước ngoài. Nga có thể không nằm trong xu hướng đồng tiền mất giá vì mối quan hệ Nga - Mỹ được cho là có thể ấm lên sau khi ông Trump nhậm chức.
Trong khi đó, đồng USD tăng mạnh và lợi tức trái phiếu Mỹ cũng tăng lên, do đó các nhà đầu tư lớn tại các thị trường mới nổi sẽ phải tập trung vào vấn đề quản trị rủi ro.
Cho đến bây giờ, vẫn chưa rõ chính sách kinh tế của ông Trump sẽ có “hình hài” ra sao. Do đó, những tuyên bố mạnh miệng và hứa hẹn của ông Trump về thương mại và kích thích kinh tế là hai trọng điểm được giới đầu tư quan tâm. Với dự kiến lạm phát tăng và ẩn số chính sách của ông Trump, vàng và những kênh đầu tư lướt sóng nhanh nhiều khả năng sẽ được nhà đầu tư quan tâm.
Đi kèm sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ là dự báo nâng lãi suất của Fed trong năm nay. Trước đó, tháng 12/2016, Fed đã công bố kế hoạch nâng lãi suất 3 lần vào năm 2017, mỗi lần tăng 0,25%, và dự báo đến năm 2018, lãi suất Liên bang Mỹ có thể sẽ ở mức 2,125%. Nếu thực hiện, lộ trình này có thể sẽ tiếp tục làm hạn chế lượng vốn đầu tư nước ngoài lên các thị trường biên hoặc chỉ phần nào kích thích được dòng tiền trong ngắn hạn sau những thời điểm công bố thông tin của Fed.
Khủng hoảng tại Trung Quốc
Vài năm trở lại đây, có nhiều cảnh báo về việc Trung Quốc đối mặt với rủi ro “bong bóng” và các khoản nợ trong nền kinh tế. Đến nay, các rủi ro này vẫn chưa dẫn đến đổ vỡ trong nền kinh tế, nhưng nhiều khả năng, các cảnh báo sẽ tiếp tục xuất hiện trong năm 2017.
Thực tế cho thấy, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách “bơm” tiền vào đầu tư hạ tầng và thị trường bất động sản nước này có biểu hiện không tồi trong năm 2016. Câu hỏi là khi nào đầu tư hạ tầng và bất động sản của Trung Quốc “hạ nhiệt” (đồng nghĩa với nền kinh tế mất động lực kéo tăng trưởng)?
Với tỷ lệ tín dụng trên GDP vượt 250%, tốc độ tăng tín dụng bình quân trên 15% và tỷ lệ tín dụng/GDP cao hơn mức bình quân di động dài hạn đến 5%, việc Chính phủ Trung Quốc kéo tốc độ bơm tín dụng ra nền kinh tế xuống chỉ là vấn đề thời gian. Câu hỏi sẽ là mức điều chỉnh xuống bao nhiêu và từ từ hay sốc.
Nếu là một cú sốc mạnh thì thị trường bất động sản, chứng khoán và những “xác chết biết đi” (phần lớn là doanh nghiệp nhà nước hoặc thân hữu) trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ không chịu nổi. Bên cạnh đó, thị trường tín dụng phi ngân hàng (hay hệ thống ngân hàng “ngầm”) phát triển mạnh trong những năm gần đây có thể ngập tràn nợ xấu. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khi đó sẽ suy giảm mạnh và kéo theo ảnh hưởng xấu ra toàn cầu.
Chắc chắn đó không phải là điều mà Chính phủ Trung Quốc muốn xảy ra. Vì vậy, họ sẽ bằng mọi giá khiến tiến trình điều chỉnh lại vốn tín dụng suôn sẻ hơn. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế khó có thể tăng lại mức của giai đoạn trước, mà nhiều khả năng là tiếp tục đi xuống vì cú huých từ tín dụng sẽ yếu dần.
Có lẽ, đây là nguyên nhân thực sự đằng sau diễn biến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm mạnh, trong khi vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài rút ra khỏi nước này hàng trăm tỷ USD trong năm 2016. Tuy Trung Quốc có hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, nhưng họ không thể dốc hầu bao ra để bảo vệ giá trị Nhân dân tệ. Vì vậy, đồng tiền này khó tránh khỏi tiếp tục trượt giá.
Động thái của Trung Quốc trong những vấn đề trên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tình thế dòng vốn vào các thị trường mới nổi ở châu Á. Do đó, dù đây là câu chuyện cũ từ vài năm nay, nhưng dự báo vẫn sẽ là điểm nóng của năm 2017./.
Tham khảo từ các nguồn:
1. UNCTAD (2016). World Investment Report, 21 June 2016
2. http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/the-tran-dau-tu-toan-cau-2017-174201.html
3. http://bizlive.vn/tai-chinh/yeu-to-nao-se-dinh-hinh-xu-huong-dong-von-toan-cau-nam-2017-2356230.html
Bình luận