Sẽ có 20 ngành nghề cấm tư nhân kinh doanh

Theo Bộ Công Thương, Dự thảo được xây dựng nhằm mục đích cụ thể hóa quy định tại khoản 4, Điều 6, Luật Thương mại 2005: Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước.

Sản xuất vàng miếng là 1 trong 20 ngành độc quyền Nhà nước trong Dự thảo của Bộ Công Thương

Theo Bộ Công Thương, việc ban hành Nghị định sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch, thống nhất và đầy đủ của hệ thống pháp luật về độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại. Ngoài ra, còn góp phần tăng cường môi trường cạnh tranh lành mạnh khi minh bạch rõ phạm vi độc quyền nhà nước cũng như các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có liên quan, qua đó tạo sự yên tâm tin tưởng và khả năng giám sát của các thành phần kinh tế khác về sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế thông qua luật pháp.

Theo Dự thảo, độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại là hoạt động thương mại chỉ do cơ quan nhà nước có quyền thực hiện hoặc các doanh nghiệp nhà nước được giao thực hiện.

Dự thảo cũng khẳng định: Chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia.

Theo Bộ Công Thương, các chủ thể thực hiện độc quyền nhà nước phải chịu cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ về các hành vi khi thực hiện độc quyền, sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh, pháp luật về giá, pháp luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước.

Dự thảo được xây dựng nhằm lấp các khoảng trống pháp lý, mà các văn bản pháp luật liên quan trước đó với 20 ngành nghề, nhà nước sẽ độc quyền. Lĩnh vực độc quyền nhà nước do doanh nghiệp mà nhà nước nắm 100% vốn, và giữ quyền chỉ định thành lập doanh nghiệp mới. Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục nắm 100% vốn tại các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, xuất bản, thuỷ nông, bảo đảm an toàn giao thông, xổ số kiến thiết, khai thác hạ tầng, cảng hàng không, cảng biển loại 1.

Cụ thể: danh mục 20 ngành nghề trong dự thảo mà Nhà nước giữ độc quyền đó là:

1. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (sẽ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định chi tiết).

2. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp.

3. Sản xuất vàng miếng.

4. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

5. Phát hành xổ số kiến thiết.

6. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế)

7. Hoạt động dự trữ quốc gia.

8. In, đúc tiền.

9. Phát hành tem bưu chính Việt Nam.

10. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan.

11. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân.

12. Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng.

13. Quản lý, vận hành, khai thác đài thông tin duyên hải.

14. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn.

15. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư.

16. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch.

17. Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế).

18. Xuất bản (không bao gồm in và phát hành).

19. Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng.

20. Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.

Chuyên gia kinh tế nói gì?

Dẫn lời TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) trên Báo điện tử VnEconomy, cho rằng thời điểm hiện nay, cho ra đời một nghị định hướng dẫn về độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại là phản thị trường, cản trở cạnh tranh, đi ngược lại xu thế cải cách.

“Trong bối cảnh hiện nay không thể có một nghị định mà ngay từ tên gọi đã rõ ràng là quy định cái gì nhà nước nắm quyền. Những quy định trong Luật Thương mại đã lỗi thời thì phải loại bỏ, phải thay đổi”, ông Cung nêu quan điểm.

Đồng tình với TS. Cung, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, Dự thảo trên sẽ “trói” tinh thần cải cách mà Chính phủ đang thúc đẩy về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân làm động lực…

“Nếu coi tư nhân làm động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng lại có tới 20 ngành nghề chỉ dành cho doanh nghiệp quốc doanh thì nghĩa ra làm sao? Trong đó, có những lĩnh vực tôi thấy là hoàn toàn chẳng mang tính chất nhạy cảm hoặc không có lý do gì thuyết phục để mà giữ lại cho doanh nghiệp nhà nước làm”, bà Chi Lan nói.

Mặt khác, bà Chi Lan cho rằng, cách thức tiếp cận như vậy đang thể hiện tư duy của một số lãnh đạo vẫn đang “đặt một niềm tin quá mức” vào doanh nghiệp nhà nước.

“Cái gì họ cũng chỉ nghĩ là để cho doanh nghiệp nhà nước làm thì mới đảm bảo, trong khi cũng chính những doanh nghiệp này gây ra bao vấn đề cho kinh tế hiện nay. Đặt niềm tin thái quá vào doanh nghiệp nhà nước mà thực tế chưa kiểm soát được họ thì cách đặt vấn đề có đúng không?”, bà đặt câu hỏi.

Đối với lý lẽ đưa ra khi trình dự thảo là thực hiện Luật Thương mại, bà Chi Lan cho rằng “những thứ chưa thật sự đúng với tinh thần cải cách, cản trở phát triển thì phải ‘gạt’ đi”.

Mặt khác, bà Lan cũng chỉ ra rằng, nếu Dự thảo này được phê duyệt, nó sẽ làm cho thị trường kém minh bạch hơn, khi ở một số lĩnh vực, doanh nghiệp tư nhân hoặc ẩn mình thành “sân sau” cho doanh nghiệp nhà nước, hoặc phải trả giá rất “đắt” để “mua lại” quyền kinh doanh.

Trong khi đó, chia sẻ trên Báo điện tử Chính phủ, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, Dự thảo chưa thực sự phù hợp với quy định tại Luật Thương mại 2005. Bởi Luật cho phép quy định danh mục độc quyền nhà nước, nhưng phải có thời hạn, trong khi dự thảo Nghị định chưa quy định về thời hạn.

Bên cạnh đó, danh mục 20 ngành nghề cụ thể cũng chưa thuyết phục. “Tôi cho rằng các ngành nghề mà tư nhân không có nhu cầu hay khả năng tham gia thì cũng không nên cấm. Vì có thể đến một lúc nào đó họ sẽ muốn tham gia và quan trọng hơn, họ có tham gia cũng không gây nguy cơ gì”, ông Tuấn phân tích.

Ông Tuấn cho biết, có những lĩnh vực trước đây thuộc độc quyền nhà nước, như: xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, nhưng gần đây một số thành phố đã cho phép tư nhân tham gia. Nhà nước có nhu cầu thì đặt hàng, ai làm tốt hơn sẽ được giao. Ngay cả những ngành rất quan trọng và có tác động lớn như ngân hàng hay hành không thì cũng đã cho phép tư nhân tham gia từ lâu. Vấn đề là cơ quan quản lý có các biện pháp kiểm soát như thế nào.

“Có thể vì những lý do trước mắt, ngắn hạn, trong một thời điểm nào đó có thể cấm tư nhân tham gia, nhưng về lâu dài, không nên cấm tư nhân trong những ngành như vậy. Tôi cho rằng đề xuất này đang đi ngược lại chủ trương chung. Trong danh mục này chỉ nên giữ lại những ngành nghề quốc phòng, an ninh”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, những ngành trên đều có thể mở rộng cho các doanh nghiệp tư nhân làm.

“Luật Doanh nghiệp đã quy định 7 ngành nghề cấm kinh doanh. Nghĩa là doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề còn lại. “Với một số ngành Nhà nước cần giữ độc quyền, có thể sử dụng hình thức điều kiện kinh doanh, chứ không cần có văn bản như vậy”, ông Đức bình luận./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://legal.moit.gov.vn/default.aspx?page=document_bill&do=detail&doc_id=738&rand=636225920482219998

http://canhtranhquocgia.vn/Box-canh-tranh/Y-kien-trai-chieu-ve-20-nganh-nghe-doc-quyen-nha-nuoc/298529.vgp

http://vneconomy.vn/thoi-su/du-kien-co-20-nganh-nghe-cam-tu-nhan-kinh-doanh-2017021003212651.htm