Trong cuộc họp ngày 21/4, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn thấp kỷ lục. Cụ thể là, tỉ lệ lãi suất đối với hoạt động tái cấp vốn chính được giữ nguyên ở mức 0%, tỉ lệ lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng cơ bản là 0,25%, và lãi suất huy động vốn là -0,4%. Quyết định này không nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích.

Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết sẽ tiếp tục duy trì tỉ lệ lãi suất như hiện nay hoặc thấp hơn trong thời gian dài. Điều đó có nghĩa là khu vực đồng Euro sẽ đối mặt với tỉ lệ lãi suất âm trong nhiều năm tới, ít nhất là đến tháng 3/2017.

Ông Draghi cho biết: "Tỉ lệ lãi suất thấp là một biểu hiện của tăng trưởng thấp. Nếu chúng ta muốn tỉ lệ lãi suất cao hơn, chúng ta cần tăng trưởng kinh tế và lạm phát gia tăng". Ông Draghi cam kết duy trì chính sách tiền tệ thả lỏng và hứa sẽ đưa ra các biện pháp bổ sung nếu cần thiết.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble đã chỉ trích mạnh mẽ rằng tỉ lệ lãi suất ở mức thấp kỷ lục đang gây ra những vấn đề đặc biệt bất thường cho các ngân hàng Đức và người hưu trí. Song ông Draghi đã gạt bỏ sự chỉ trích này và khuyến cáo rằng những ai đe doạ đến sự độc lập của ECB thực tế đang góp phần làm những vấn đề kinh tế của châu Âu xấu đi.

Ông Draghi cũng khuyến tỉ lệ lạm phát ở khu vực đồng Euro tiếp tục suy yếu trong các tháng tới trước khi tăng vào sáu tháng cuối năm nay và tiếp tục tăng vào năm 2017 và 2018. Tỉ lệ lạm phát trong khu vực đồng Euro trong ba tháng đầu năm nay đứng ở mức số 0.

Theo ông Draghi, ECB đã bắt đầu triển khai các hoạt động mua trái phiếu với định mức 80 tỉ Euro/tháng. Ngoài ra, ông Draghi cho biết thêm những thông tin về hoạt động mua trái phiếu của khu vực công ty dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 6 tới với sự tham gia của sáu ngân hàng trung ương của Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Phần Lan.
Theo các nhà kinh tế, ông Draghi có thể cũng sẽ tiết lộ những chi tiết của chương trình mua trái phiếu công ty mới mà ECB dự kiến sẽ triển khai vào tháng 6 tới. Các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm ECB sẽ mua vào những trái phiếu nào, có theo định mức hàng tháng không và các ngân hàng trung ương sẽ chia sẻ rủi ro như thế nào.

Chương trình mua trái phiếu hiện nay của ECB dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2017. Khi thời hạn đó càng đến gần, ông Draghi có thể sẽ buộc phải xem xét kéo dài chúng và làm thế nào để tránh tình trạng tắc nghẽn như điều đã xảy ra trên thị trường trái phiếu Đức.

Có thể thấy, những yếu tố tác động tiêu cực đến đồng Euro không hề ít: Anh có thể rút lui khỏi Liên minh châu Âu, cuộc khủng hoảng nhập cư chưa có hồi kết, tăng trưởng kinh tế suy yếu, tình trạng bất ổn chính trị ở nhiều nước, khủng bố đe dọa.

Ngoài ra, các nhà kinh tế dự đoán trong năm tới ECB sẽ giảm tỉ lệ lãi suất hơn nữa và sẽ thực hiện nhiều hoạt động mua mang tính hỗ trợ.

Những biện pháp như vậy sẽ gây sức ép hơn nữa đến đồng Euro. Khoảng 20% các nhà phân tích được hãng truyền thông Bloomberg thăm dò ý kiến đều tiên liệu rằng đồng Euro sẽ đứng ngang bằng với đô la Mỹ vào cuối năm nay.

Ông Hans Redeker, nhà chiến lược tiền tệ thuộc tập đoàn Morgan Stantley cảnh báo: "Nếu tồn tại bầu không khí mà trong đó có nhiều dấu chấm hỏi được đặt ra đối với tương lai đồng Euro, đầu tư nước ngoài có thể giảm mạnh. Các nhà đầu tư cần phải hết sức tỉnh táo trong giai đoạn này bởi sẽ có nhiều yếu chi phối đồng Euro trong thời gian tới”.

Hồi tháng trước, ECB đã đưa các biện pháp nới lỏng tích cực, khiến đồng Euro tăng giá sau khi Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết có lẽ không cần phải cắt giảm lãi suất hơn nữa. ECB đã áp dụng một loạt các biện pháp để vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro, như cắt giảm tỷ lệ lãi suất, tăng lượng mua trái phiếu lên 80 tỷ Euro/tháng và cấp vốn vay giá rẻ cho các ngân hàng.

ECB cho rằng nhiệm vụ chính hiện nay là thực hiện những biện pháp bổ sung đã đưa ra hôm 10/3.
Kể từ tháng 12/2015 đến nay, ECB đã "bơm" 1.500 tỷ Euro (tương đương 1.700 tỷ USD) để kích thích kinh tế. Các nhà đầu tư quốc tế lo ngại rằng ECB đang cạn kiệt các công cụ chính sách tiền tệ.

Hiện nhiều ngân hàng châu Âu đang vật lộn với khó khăn và e ngại rằng lãi suất âm đang bào mòn khả năng thu lợi nhuận. Hầu hết các chuyên gia lo ngại về tăng trưởng kinh tế suy yếu và lạm phát của khu vực đồng Euro, cũng như những rủi ro chính trị liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý "Brexit" vào ngày 23/6 tại Anh./.